Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021 thêm nhiều cơ hội. (Nguồn: Thương trường) |
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện lần đầu tăng trưởng âm
Theo Tổng cục Thống kê, hơn 11 năm qua, chưa khi nào xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện rơi vào cảnh ảm đạm như trong năm 2020.
Tính cả năm 2020, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện chỉ đạt 51,18 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4% so với năm 2019.
Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 12,34 tỷ USD, tăng mạnh 48,8%; sang EU đạt 10,06 tỷ USD, giảm 18,6%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 8,79 tỷ USD, giảm 1,2%; sang Hàn Quốc đạt 4,58 tỷ USD, giảm 11%... so với năm trước.
Như vậy, dù vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, nhưng điện thoại và linh kiện đã trải quan một năm đầy sóng gió khi lần đầu tiên tăng trưởng âm sau 11 năm có mặt trong “rổ” thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của cơ quan Hải quan.
Nhiều mặt hàng Việt Nam sang Mỹ có kim ngạch trên 1 tỷ USD
Năm 2020, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc) nhưng là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam.
Thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt hơn 90 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 77,08 tỷ USD, tăng 25,7% so với năm 2019 và chiếm 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ khá đa dạng. Trong đó có nhiều mặt hàng có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Đáng chú ý, Mỹ là thị trường truyền thống và lớn nhất đối với ngành hàng dệt may.
Năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kim ngạch sụt giảm nhưng lượng hàng xuất khẩu vào quốc gia này vẫn đạt gần 14 tỷ USD, giảm 5,6% so với 2019 nhưng vẫn chiếm đến 46,9% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước.
Các nhóm hàng chủ lực khác có thể kể đến như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 12,21 tỷ USD, tăng 141,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,39 tỷ USD, tăng 71,7%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,79 tỷ USD, giảm 1,2%...
Ở chiều nhập khẩu, năm ngoái cả nước chi 13,71 tỷ USD nhập hàng hóa từ Mỹ, giảm 5% so với năm 2019 và chiếm 5,2% tổng kim ngạch cả nước.
Có 3 nhóm hàng nhập khẩu từ Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,72 tỷ USD; bông đạt 837.645 tấn, kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt hơn 1 tỷ USD.
Thêm cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu gạo
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tính đến ngày 18/1/2021, danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã tăng lên 205 thương nhân.
Trong đó, Cần Thơ có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 43 doanh nghiệp. Tiếp đến là TP Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp; Long An 25 doanh nghiệp; An Giang 20 doanh nghiệp; Đồng Tháp 18 doanh nghiệp; Hà Nội và Tiền Giang 8 doanh nghiệp; Nghệ An 7 doanh nghiệp; Kiên Giang, Vĩnh Long 6 doanh nghiệp...
Trước đó, ngày 15/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 01/10/2018, thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP. Cũng trong ngày 01/10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Thông tư số 30/2018/TT-BCT có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý của Chính phủ, của Bộ Công Thương về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Sau hơn 1 năm thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP với những cải cách, tư duy mới, Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182 thương nhân. Đến ngày 21/1/2021, thì số thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã lên 205 thương nhân.
Gạo được đánh giá là một trong những mặt hàng đã đạt kết quả ấn tượng trong năm 2020 với kim ngạch vượt mốc 3 tỷ USD, tăng tới 9,3% so với năm 2019. Đầu năm 2021, lô gạo 1.600 tấn của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu thành công sang Malaysia và Singapore. Đây là tín hiệu tích cực ngay sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào trung tuần tháng 11/2020.
Bước sang năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức cao, khoảng 503 USD/tấn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu trong năm 2021 sẽ đạt trên 6 triệu tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn tốt khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thị trường gạo châu Á bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Bangladesh, Philippines.
Mở thêm nhiều nhà máy sữa xuất khẩu sang Trung Quốc
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn mới đây chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh thủ tục nhằm cho phép thêm các nhà máy sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo Cục Thú y, kể từ khi Nghị định thư về xuất khẩu sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào tháng 4/2019, đến cuối năm 2020, đã có 5 nhà máy thuộc 4 công ty sản xuất sữa của Việt Nam đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã xuất khẩu các sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc, với các sản phẩm sữa gồm sữa tiệt trùng, sữa chua, sữa đặc, phô mai các loại sang Trung Quốc.
Trong đó bao gồm: nhà máy TH True Milk, nhà máy sữa Thống Nhất và nhà máy sữa Sài Gòn của Vinamilk; nhà máy sữa Hanoimilk và nhà máy của Bel Việt Nam. Cục Thú y đã và đang tập trung hướng dẫn và hỗ trợ thêm 11 nhà máy sản xuất sữa của Việt Nam nộp hồ sơ cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt (bao gồm, 7 nhà máy của Vinamilk, 1 nhà máy của Mộc Châu Milk, 1 nhà máy của Nutifood và 2 nhà máy của Cô gái Hà Lan).
Cuối năm 2020, Cục Thú y đã tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn có Công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị cấp phép thêm cho một số nhà máy sữa của Việt Nam đã nộp hồ sơ và đáp ứng yêu cầu.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (ngày 8/12/2020), phía Trung Quốc đã hứa sẽ chấp thuận thêm một số nhà máy sữa đạt yêu cầu của Việt Nam.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), vừa qua, phía Trung Quốc theo đó cũng đã đồng ý cấp thêm mã số xuất khẩu cho 1 nhà máy của Vinamilk (nâng tổng số nhà máy của Vinamilk được xuất khẩu sang Trung Quốc lên 3 nhà máy) và 1 nhà máy của Nutifoods.
Như vậy, đến thời điểm này, đã có tổng cộng 7 nhà máy sữa của Việt Nam được phép xuất khẩu các sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc.