Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu ngày 23-25/12: Cơ hội cho hàng Việt tại thị trường mới Peru; xuất khẩu tôm khởi sắc

Xuất khẩu tôm đạt hơn 4 tỷ USD; cơ hội cho hàng Việt tại thị trường mới Peru... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 23-25/12.
Xuất khẩu ngày 23-25/12: Cơ hội cho hàng Việt tại thị trường mới Peru; xuất khẩu tôm khởi sắc
Lũy kế 11 tháng của năm nay, doanh thu xuất khẩu tôm vẫn đạt hơn 4 tỷ USD, mức cao nhất trong 11 tháng qua các năm. (Nguồn: VTV)

Xuất khẩu tôm đạt hơn 4 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam trong tháng 11/2022 giảm 18%, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, lũy kế 11 tháng của năm nay, doanh thu XK tôm vẫn đạt hơn 4 tỷ USD, mức cao nhất trong 11 tháng qua các năm. Doanh thu lũy kế 11 tháng ghi nhận tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 11, XK tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm. Trong đó, XK sang Mỹ và EU giảm mạnh nhất xấp xỉ 50%, XK sang Nhật Bản giảm 16%, XK sang Hàn Quốc chỉ còn tăng 2%, duy nhất thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam với mức tăng trưởng 88% trong tháng 11.

Tháng 11/2022, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng của năm 2022, XK tôm sang Mỹ đạt hơn 773 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, nguyên nhân khiến tôm vào Mỹ giảm là do tồn kho còn nhiều. Doanh số bán lẻ và dịch vụ thực phẩm đều chậm, các hãng bán lẻ đôi khi còn yêu cầu hoãn giao hàng. Mặc dù tồn kho cao, nhưng giá tôm tại Mỹ không giảm do các nhà bán buôn chưa muốn bán ra vì chưa được giá.

Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Mỹ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023 khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn.

XK tôm Việt Nam sang EU đạt 37 triệu USD trong tháng 11/2022, giảm 44% so với cùng kỳ. XK sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đồng loạt giảm 2 con số. Lũy kế 11 tháng, XK sang thị trường EU đạt 655 triệu USD, tăng 19%.

XK tôm Việt Nam sang EU bắt đầu giảm từ tháng 10 năm nay. Lạm phát tại đây cao kỷ lục, khủng hoảng giá năng lượng, biến động tỷ giá ảnh hưởng tới chi phí lưu kho và tổ chức tiêu thụ.

Tháng 11/2022, trong khi XK sang hầu hết các thị trường chính đều giảm, XK sang thị trường Trung Quốc vẫn ghi nhận tăng. XK tôm Việt sang Trung Quốc trong tháng này đạt hơn 68 triệu USD, tăng 88%. Lũy kế 11 tháng, giá trị XK tôm sang thị trường này đạt gần 616 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021.

Từ đầu tháng 12/2022, chính quyền Trung Quốc đã có những động thái nới lỏng chính sách Zero-Covid. Trong đó, Trung Quốc đang hủy bỏ quy trình xét nghiệm đối với thủy sản nhập khẩu, giúp rút ngắn thời gian chờ thông quan và chi phí nhập khẩu. Điều này được kỳ vọng làm tăng nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc. XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trong tháng cuối cùng của năm nay.

Cơ hội cho hàng Việt tại thị trường mới Peru

Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru cho thấy, trước đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 48,3% trong vòng 5 năm, từ mức 284,96 triệu USD (năm 2014) lên mức 422,73 triệu USD (năm 2019). Năm 2020, do tác động của đại dịch, kim ngạch thương mại song phương giảm 7,5%, đạt 391,17 triệu USD.

Tuy nhiên, bước sang năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru đạt hơn 633 triệu USD, tăng 62% so với năm 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru đạt 660 triệu USD, tăng mạnh tới 84%. So với năm 2020, đây là kỳ tích, đánh dấu lần tiên kim ngạch thương mại song phương vượt 500 triệu USD, đưa Peru trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.

Trong đó đáng lưu ý các mặt hàng điện thoại di động và thiết bị điện tử lấy lại đà tăng trưởng lần lượt là 137% và 53.2%, chất dẻo nguyên liệu tăng hơn 629%, cao su (71%), xơ sợi dệt các loại (+70%), hàng hóa khác (+82%), túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù (96.7%), clanke và xi măng (+14%), hàng giày dép (+7%). Sản phẩm giảm gồm sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (-11%), hàng thủy sản (-18%). Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Peru đạt 73 triệu USD, giảm 16.4% so với năm 2020.

Sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru đạt hơn 316,6 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru đạt triệu 289 triệu USD, tăng 2,5%. Các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng, như mặt hàng thủy sản (tăng 115%), xơ sợi dệt các loại tăng 141%, cao su (tăng 33%), giày dép các loại (tăng 8,2%), điện thoại di động và linh kiện (tăng 11,2%), túi xách (tăng 17%), nội thất từ chất liệu khác gỗ (tăng 61%). Một số mặt hàng giảm như clanke và xi măng (-64%), chất dẻo nguyên liệu (-72%), máy vi tính, sản phẩm điện tử (-27%)...

“Hiệp định CPTPP đã có những tác động rõ rệt đối với tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Với thị trường Peru, Việt Nam hiện nay đang có kết quả xuất khẩu với những tăng trưởng đáng ghi nhận, ngay cả khi kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021, đầu 2022”, lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá.

Dù đang có nhiều thuận lợi, tuy nhiên Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru chỉ ra một số thách thức để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Peru, như: thủ tục, tập quán của thị trường; khoảng cách địa lý; sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các quốc gia xuất khẩu khác; các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội phần nào còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong công tác mở rộng thị trường...

Do vậy, để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Peru, Thương vụ Việt Nam tại Brazil khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trực tiếp tại các hội chợ, trung tâm triển lãm; kết hợp quảng bá các sản phẩm hàng hóa và đất nước con người Việt trên các kênh truyền thông của quốc gia này; hợp tác, kết nối với các hiệp hội, liên đoàn các bang và các thành phố phối hợp chia sẻ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa.

“Peru là thị trường mở, rất tiềm năng, khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam rất tốt, người dân địa phương rất hoan nghênh hàng hóa nhập khẩu nếu chất lượng tốt… các doanh nghiệp nên có nhiều chương trình xúc tiến và giới thiệu sản phẩm tại Peru”, Thương vụ Việt Nam tại Brazil thông tin và khuyến nghị, khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Peru nói riêng và thị trường các nước nói chung, cần tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các yêu cầu của nước đó.

Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp xoài cho Hàn Quốc

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết, nhập khẩu quả xoài (HS 08045020) của Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022 đạt 22 nghìn tấn, trị giá 95,3 triệu USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xoài nhập khẩu bình quân vào Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022 đạt 4.326,2 USD/tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Thái Lan và Peru là 2 thị trường cung cấp quả xoài lớn nhất cho Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 81,2% tổng lượng xoài nhập khẩu. Trong đó, Hàn Quốc giảm nhập khẩu xoài từ thị trường Thái Lan và tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Peru.

Xuất khẩu ngày 23-25/12: Cơ hội cho hàng Việt tại thị trường mới Peru; xuất khẩu tôm khởi sắc
Việt Nam là thị trường cung cấp trái xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022. (Nguồn: Báo Công Thương)

Việt Nam là thị trường cung cấp trái xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022, đạt 1,7 nghìn tấn, trị giá 7,4 triệu USD, tăng 19,1% về lượng và tăng 24,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xoài nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 4.232,3 USD/tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông Thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc tháng 10 năm 2022 đạt 12,3 triệu USD, chiếm 4,0% tổng giá trị xuất khẩu rau quả, giảm 1,8% so với tháng trước và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc đạt 149,7 triệu USD (chiếm 5,4% thị phần), tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc trong tháng 10 năm 2022 như sau: Mặt hàng rau quả tươi, khô, đông lạnh, sơ chế đạt 5,4 triệu USD (chiếm 43,5% thị phần, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2021) và mặt hàng rau quả chế biến đạt 6,9 triệu USD (chiếm 56,5% thị phần), tăng 10,1%. Trong đó, trái cây đông lạnh, sấy khô, dẻo (mã HS 2008) đạt 5,3 triệu USD, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước; nước ép, nước cốt trái cây (mã HS.2009) đạt 865,4 nghìn USD (tăng 119,3%); rau, quả muối chua (Mã HS: 2001) đạt 379,5 nghìn USD (tăng 42,7%);

Trong tháng 10 năm 2022, các mặt hàng rau quả có giá trị xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều nhất bao gồm: hạt mè đạt 3,9 triệu USD (chiếm 31,9% tổng giá trị xuất khẩu), giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2021; chuối đạt 1,4 triệu USD (chiếm 11,4%), giảm 6,2%; xoài đạt 1,2 triệu USD (chiếm 9,9%), giảm 16,8%; thanh long đạt 696 nghìn USD (chiếm 5,7%), tăng 7,3%.

11 tháng, xuất siêu của Việt Nam sang EU tăng hơn 42%

11 tháng, xuất siêu của Việt Nam sang EU tăng hơn 42%

Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn 20 doanh nghiệp Canada tham gia triển lãm tại Food Hotel Vietnam 2022

Hơn 20 doanh nghiệp Canada tham gia triển lãm tại Food Hotel Vietnam 2022

Ngày 7/12, Tổng Lãnh sự Canada Behzad Babakhani tham dự cắt băng Lễ khai trương Gian hàng Canada tại Triển lãm ẩm thực và khách ...

UKVFTA - ‘Cú hích’ cho thương mại Việt Nam-Anh và chiến lược sử dụng mô hình kim tự tháp

UKVFTA - ‘Cú hích’ cho thương mại Việt Nam-Anh và chiến lược sử dụng mô hình kim tự tháp

Những lợi ích của UKVFTA đã khiến nhiều nhà phân phối, các siêu thị, chuỗi đồ ăn Việt và các doanh nghiệp nhập khẩu hàng ...

Vì sao xuất khẩu của Việt Nam giảm tốc?

Vì sao xuất khẩu của Việt Nam giảm tốc?

Lạm phát tăng cao trên toàn cầu, xu hướng chuyển dịch tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ tại các nước phương Tây bắt ...

Xuất khẩu ngày 28/11-2/12: Trung Quốc 'vượt mặt' Mỹ nhập khẩu tôm nhiều nhất từ Việt Nam

Xuất khẩu ngày 28/11-2/12: Trung Quốc 'vượt mặt' Mỹ nhập khẩu tôm nhiều nhất từ Việt Nam

Trung Quốc vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam; Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ ...

(tổng hợp)