📞

Xuất khẩu ngày 23-25/9: Bộ Công Thương tổ chức đấu giá nhập khẩu 109.000 tấn đường; Việt Nam đứng đầu ASEAN về xuất khẩu sang Bắc Âu

Vân Chi 17:44 | 26/09/2022
Việt Nam là nước ASEAN xuất khẩu sang Bắc Âu nhiều nhất; 7 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2022; cơ hội nào cho trái cây Việt vào Trung Quốc?... là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 23-25/9.

7 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2022

Ngày 23/9, tại trụ sở Bộ Công Thương, phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá năm 2022 đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam cùng các doanh nghiệp đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá.

Phát biểu khai mạc Phiên phân giao năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng cho biết năm 2022, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa đường sản xuất trong nước và đường nhập khẩu, trên cơ sở đồng thuận và nhất trí của các Bộ liên quan, căn cứ theo thẩm quyền được giao tại Luật Quản lý ngoại thương (2017), Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BCT ngày 27/6/2022 quy định về việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá.

Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá năm 2022. (Nguồn: Báo Công Thương)

Để triển khai tổ chức Phiên phân giao năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1569/QĐ-BCT ngày 05/8/2022 về việc thành lập Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường thông qua phương thức đấu giá và Quyết định số 1649/QĐ-BCT ngày 22/8/2022 về lượng và thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá năm 2022.

Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường phân giao theo phương thức đấu giá năm 2022 là 113.000 tấn, gồm 79.000 tấn đường thô và 34.000 tấn đường tinh luyện.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng, ngày 15/6/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan và Quyết định số 1514/QĐ-BCT ngày 1/8/2022 áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (được nhập khẩu vào Việt Nam từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar).

“Do vậy, thương nhân được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá năm 2022 nếu nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT, nếu nhập khẩu từ các nước có tên trong Quyết định số 1514/QĐ-BCT có thể vẫn phải chịu thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cảnh báo.

Thứ trưởng Khánh cũng đề nghị, các thương nhân có mặt tại phiên đấu giá, đặc biệt là các thương nhân tham gia đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá lần này lưu ý, cân nhắc để có quyết định phù hợp.

Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá năm 2022 được tiến hành theo nguyên tắc công khai, công bằng, minh bạch với sự chứng kiến và giám sát của đại diện các Bộ ngành, thương nhân và cơ quan báo chí, truyền thông.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Thành viên Hội đồng phân giao cho biết năm 2022 có 9 doanh nghiệp gửi hồ sơ tham gia đấu giá. Tuy nhiên, ngày 21/9/2022, 1 doanh nghiệp đã làm đơn xin rút. 8 doanh nghiệp còn lại đảm bảo đủ, đúng các tiêu chí hợp lệ để tham gia Phiên đấu giá, trong đó có 6 doanh nghiệp đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô và 2 doanh nghiệp đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường tinh luyện.

Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, khẩn trương, công bằng, công khai và minh bạch, thay mặt Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thông qua phương thức đấu giá năm 2022, ông Trần Thanh Hải đã công bố danh sách 7 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 109.000 tấn đường năm 2022.

Trong đó có 5 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô và 2 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan đường tinh luyện.

Việt Nam xuất khẩu sang Bắc Âu nhiều nhất ASEAN

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia), Bắc Âu gồm 5 nước: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland. Đây là các nước nhỏ nhưng có nền kinh tế mở, hiện đại. Dân số tuy ít (khoảng 25 triệu dân) nhưng có mức thu nhập cao. Trong năm 2021, 4/5 nước Bắc Âu nằm trong “top” 10 quốc gia có mức thu nhập bình quân cao nhất thế giới.

Trong khu vực Bắc Âu, 3 thị trường chính của hàng Việt Nam là Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính vào khu vực gồm: Rau, củ, quả; trà, cà phê, gia vị và ngũ cốc.

Với riêng thị trường Thụy Điển, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển phân tích: 4 mặt hàng nông sản gồm cà phê chưa rang, chưa khử caffeine; hạt điều đã bóc vỏ; gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ và hạt tiêu nguyên hạt có khá nhiều triển vọng thúc đẩy xuất khẩu.

So với các nước ASEAN, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu nông sản sang thị trường Bắc Âu nhiều nhất, tuy nhiên thị phần cũng mới chiếm chưa tới 1%. Để thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ sang thị trường giàu tiềm năng này, nông sản Việt cần chú trọng hơn tới nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cũng như các yếu tố về sản xuất bền vững.

Cơ hội nào cho trái cây Việt vào Trung Quốc?

Thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho thấy, đến nay, Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 loại trái cây ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật gồm măng cụt, chanh leo, sầu riêng.

8 loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc (gồm chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm) đang được Bộ hoàn thiện các bước ký Nghị định thư.

Phân tích về các yếu tố quan trọng đòi hỏi trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải đáp ứng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) Lê Thanh Tùng cho biết, thứ nhất là hàng rào kỹ thuật, tức là sản phẩm xuất khẩu phải vượt qua được các tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu yêu cầu như: GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu), tiêu chuẩn hữu cơ hoặc yêu cầu riêng của nước nhập khẩu.

Thứ hai là hàng rào kiểm dịch, tức sản phẩm phải đảm bảo không có những dịch hại đối với quả tươi hoặc vượt qua hàng rào y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm chế biến. Thứ ba là hàng rào thuế quan.

Như vậy, có thể khẳng định việc đầu tiên cần làm là chuẩn hóa vùng nguyên liệu, trong đó trọng tâm kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản xuất khẩu. Tiêu chí này phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu theo chuỗi sản xuất.

Đưa ra giải pháp về giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm khi kiểm dịch, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) Hoàng Trung khuyến cáo, các doanh nghiệp cần hiểu rõ về thị trường xuất khẩu để đáp ứng những yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, chú trọng giám sát vùng sản xuất, thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc phòng thử nghiệm được thị trường xuất khẩu chấp thuận trước khi đóng gói.

Về phía các địa phương cần nêu cao vai trò trong quy hoạch vùng sản xuất an toàn; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra mẫu đất, mẫu nước cũng như hướng dẫn nông dân từ ghi chép nhật ký sản xuất đến sơ chế, chế biến theo quy trình bài bản. Mặt khác, phải xử lý nghiêm những hành vi sử dụng phân bón, hóa chất không đúng quy định.

Xuất khẩu tôm trong tháng 8/2022 vẫn ghi nhận tăng trưởng hơn 40%. (Nguồn: Etime)

8 tháng, xuất khẩu tôm cán mốc 3 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) 8 tháng đầu năm nay, trong top 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam, xuất khẩu tôm sang Mỹ và Anh giảm, xuất khẩu sang các thị trường còn lại đều tăng trưởng dương.

Mặc dù ghi nhận tăng trưởng nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam tính tới tháng 8 năm nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về nguồn cung nguyên liệu, cước phí vận chuyển, giá thành sản xuất tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU chững trong bối cảnh lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế sụt giảm tại các nước này.

Xuất khẩu tôm trong tháng 8/2022 vẫn ghi nhận tăng trưởng hơn 40% là do thời điểm này của cùng kỳ năm ngoái, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Theo bà Kim Thu, chuyên gia phân tích thị trường tôm (VASEP), 8 tháng đầu năm nay, trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 75%, tôm sú chiếm 14%, còn lại là tôm biển. Xuất khẩu tôm biển tăng mạnh nhất 78% trong khi xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú tăng lần lượt 21% và 11%. 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm chế biến ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh.

Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ bắt đầu chững từ tháng 5 và giảm liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 8. Tháng 8/2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt hơn 68 triệu USD, giảm 27%. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt hơn 619 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ.

(tổng hợp)