Xuất khẩu cà phê cần đảm bảo chất lượng và những yêu cầu khắt khe từ thị trường Hà Lan và châu Âu. (Nguồn: Vietnamcoffee) |
Xuất khẩu cà phê sang thị trường Hà Lan tăng trưởng 3 con số
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Hà Lan đạt 4,1 nghìn tấn, trị giá 10,11 triệu USD, tăng 24,1% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với tháng 1/2023, so với tháng 2/2022 tăng 110,3% về lượng và tăng 136,6% về trị giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê sang thị trường Hà Lan đạt 7,42 nghìn tấn, trị giá 18,77 triệu USD, tăng 93,1% về lượng và tăng 105,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 2/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Hà Lan đạt mức 2.461 USD/ tấn, giảm 4,8% so với tháng 1/2023, nhưng tăng 12,5% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Hà Lan đạt mức 2.517 USD/tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đó, trong tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê Robusta sang Hà Lan đạt 2,53 nghìn tấn, trị giá 5,02 triệu USD, giảm 20% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 12/2022, nhưng tăng mạnh 60,6% về lượng và tăng 56,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu cà phê Arabica sang Hà Lan đạt 709 tấn, trị giá 2,97 triệu USD, giảm 25,1% về lượng và giảm 26,5% về trị giá so với tháng 12/2022, nhưng so với tháng 1/2022 tăng mạnh 310,4% về lượng và tăng 251,1% về trị giá.
Theo số liệu từ Cơ quan thống kê châu Âu, giai đoạn 2017-2021, nhập khẩu cà phê của thị trường Hà Lan từ thế giới tăng trưởng bình quân 1,01%/năm tính theo lượng và tăng 0,34%/năm tính theo trị giá, từ 261,1 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ EUR năm 2017 lên xấp xỉ 262 nghìn tấn, trị giá 1,04 tỷ EUR năm 2021.
Năm 2022, nguồn cung cà phê cho Hà Lan chủ yếu từ thị trường nội khối EU, trong đó, thị trường cung cấp cà phê cho Hà Lan chủ yếu từ Bỉ, Đức, Pháp, Phần Lan, Italy. Nhập khẩu cà phê của Hà Lan từ thị trường ngoại khối EU cũng tăng trưởng 2 con số. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung ngoại khối lớn thứ 2 cho Hà Lan.
Hà Lan hiện đứng thứ 5 thế giới về lượng tiêu thụ cà phê. Tổng giá trị tiêu thụ cà phê tại Hà Lan khoảng 3,5 tỷ Euro mỗi năm. Đặc biệt, Hà Lan là cửa ngõ quan trọng trên thế giới với lượng cà phê nhập khẩu và tái xuất sang các nước khác trong khu vực.
Các chuyên gia nhận định, đối với các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, muốn thâm nhập thị trường châu Âu, Hà Lan chính là bước khởi đầu đúng đắn và thuận lợi để mở rộng thị trường sau này.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê cần bảo đảm chất lượng và những yêu cầu khắt khe từ thị trường Hà Lan và châu Âu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần cung cấp các hạt cà phê sạch, đáp ứng chất lượng và các chỉ số mà thị trường mục tiêu yêu cầu. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ thị trường Hà Lan, về nhu cầu người tiêu dùng, logistics, hệ thống phân phối… để đáp ứng đúng và đủ theo quy định.
Xuất khẩu "khó chồng khó" trước tác động của khủng hoảng ngân hàng thế giới
Tháng 3 – thị trường tài chính toàn cầu đã chao đảo bởi làn sóng sụp đổ của nhiều ngân hàng ở Mỹ như Silvergate Bank, Silicon Valley Bank, Signature Bank và Ngân hàng Credit Suisse ở Thụy Sỹ. Làn sóng này đẩy nhiều nhà đầu tư tài chính quay cuồng chỉ trong vòng 11 ngày giữa tháng 3/2023.
Với Việt Nam, những tác động từ làn sóng sụp đổ của các ngân hàng quốc tế được dự báo có thể ảnh hưởng gián tiếp tới nhiều ngành xuất khẩu.
Một chuyên gia bình luận, Credit Suisse là ngân hàng của giới nhà giàu, giới tài phiệt, một khi ngân hàng này sụp đổ thì tình hình kinh doanh, tiêu dùng các nước châu Âu bị ảnh hưởng bởi người tiêu dùng giảm tiết kiệm chi tiêu. Từ đó, mức độ xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam giảm. Chưa kể, khi ngân hàng sụp đổ, dẫn tới tình trạng sa thải nhân sự, thu nhập nhóm này giảm cũng kéo theo nhu cầu chi tiêu đi xuống.
Bình luận về ảnh hưởng của những vụ sụp đổ này đến Việt Nam, ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới.
“Nếu vụ việc này khiến những khách hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đi vào tình trạng khó khăn hơn thì cầu của họ suy giảm và ảnh hưởng đến đơn hàng, đến khối FDI trong nước và khối trong nước hoạt động thương mại xuất nhập khẩu", ông Trần Thăng Long nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, năm 2023 đang chứng kiến những thay đổi rõ rệt nhất từ hành vi tiêu dùng. Hai tuần vừa rồi, nhiều định chế tài chính quốc tế sụp đổ trong quãng thời gian mà không ai ngờ tới. Đây là những điều tưởng không liên quan tới sản xuất của Việt Nam, nhưng đang ảnh hưởng sâu rộng.
Theo ông, vốn dĩ thị trường năm 2023 đã thu hẹp do tác động của lạm phát, dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị giữa Nga-Ukraine, thì nay nhu cầu sẽ càng sụt giảm hơn trước những lo ngại về bất ổn của thị trường tài chính. Điều này khiến đơn hàng của ngành dệt may sụt giảm mạnh, chững lại.
Dự báo, quý I/2023, tăng trưởng xuất khẩu của May 10 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Quý II, quý III là cao điểm nhưng năm nay có vẻ không mấy khả quan. “Chúng tôi đã nhìn thấy lượng hàng Quý II sẽ giảm 20-30%, còn Quý III, đến nay May 10 vẫn chưa nhận được thông tin đặt hàng mới từ khách hàng”, ông Việt cho hay.
Với ngành thủy sản, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Công ty CP Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cho biết, chỉ trong 11 ngày có tới 4 ngân hàng sụp đổ đã tạo ra tâm lý lo sợ cho các đối tác nhập khẩu, mọi giao dịch đều chững lại, trong đó có việc ký kết các đơn hàng mới.
“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống nghiêm trọng, lạm phát cao, vốn dĩ các đơn hàng nhập khẩu tôm đã sụt giảm mạnh, nay thêm tâm lý lo lắng càng khiến đơn được ký chậm hơn”, ông Lĩnh cho biết.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn cả ở bình diện kinh tế, thương mại và chính trị. Đặc biệt cuộc xung đột Nga-Ukraine còn diễn biến hết sức căng thẳng và bất định, để lại nhiều hệ lụy khó lường với nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính ở một số nền kinh tế như Mỹ, Thụy Sỹ… có những xáo trộn không nhỏ do hệ lụy từ những vụ việc của các ngân hàng Silvergate Bank, Silicon Valley Bank, Signature Bank, Credit Suisse.
Theo đó, kinh tế toàn cầu được dự báo có thể tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng ở nhiều quốc gia. Kinh tế trong nước được dự báo ảnh hưởng đáng kể bởi khó khăn kinh tế toàn cầu. Nhu cầu trong nước và thế giới bị ảnh hưởng do lạm phát có thể gia tăng và thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động lớn trong năm 2023. Điều này đặt ra khó khăn không nhỏ đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Trong bối cảnh này, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng cần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Kinh nghiệm đa dạng hóa xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine cũng cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có thể thích ứng, khai thác tiềm năng của nhiều thị trường, ngành hàng xuất khẩu mới.
VinFast chuẩn bị "xuất xưởng" 1.800 xe điện VF8 sang Mỹ và Canada
Theo thông tin trên tờ Bloomberg, nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast đang lên kế hoạch xuất khẩu lô xe điện VF 8 thứ 2 sang Bắc Mỹ vào ngày 4/4. Có tổng cộng 1.800 xe, trong đó, 900 xe dành cho thị trường Mỹ và 900 xe cho thị trường Canada.
VinFast lên kế hoạch xuất khẩu lô xe điện VF 8 thứ 2 sang Bắc Mỹ vào ngày 4/4. (Nguồn: Vietnam Finance) |
Bên cạnh đó, VinFast cũng sẽ xuất khẩu 700 xe sang thị trường châu Âu vào khoảng giữa tháng 6.
Lô xe điện VinFast VF 8 xuất khẩu thứ 2 này thuộc phiên bản tiêu chuẩn, có quãng đường di chuyển xa hơn so với VF8 City Edition hiện đang được bán tại Bắc Mỹ.
Theo thông tin trên trang web của VinFast Mỹ, VF 8 tiêu chuẩn có quãng đường di chuyển đạt 470km theo chu trình thử nghiệm WLTP. Mức giá dự kiến của VF8 tiêu chuẩn sẽ rơi vào khoảng 49.000 USD tại Mỹ và tại Canada là 57.500 CAD.
Dự kiến, khách hàng tại Mỹ bắt đầu nhận VF 8 tiêu chuẩn vào đầu tháng 5 và tại Canada vào đầu tháng 6. Trước đó, VinFast đã bàn giao 45 xe điện VF 8 City Edition cho khách hàng tại Mỹ vào đầu tháng 3.
VinFast VF 9 được định vị nằm ở phân khúc SUV cỡ đại phân khúc E. Xe có hai tuỳ chọn phiên bản gồm Eco và Plus. Cả hai đều được trang bị động cơ điện công suất tối đa lên tới 300kW (402 mã lực), mô-men xoắn cực đại 620Nm. Xe được trang bị bộ pin có dung lượng 92kWh, có thể di chuyển quãng đường lên tới 438km sau mỗi lần sạc đầy đối với phiên bản Eco và 423km đối với phiên bản Plus (theo tiêu chuẩn WLTP).
Giá bán của VinFast VF 9 bản Eco giá 1,443 tỷ đồng và VF 9 Plus giá 1,572 tỷ đồng.