Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2022. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Kinh tế xanh tạo động lực cho phát triển xuất khẩu
Kinh tế xanh mở ra những cánh cửa mới cho tăng trưởng xuất khẩu, mở ra các thị trường mới, giảm thiểu rủi ro thị trường.
Đây là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2022 chiều ngày 28/11 tại TP. Hồ Chí Minh. Diễn đàn do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Chủ tịch EuroCham Jean Jacques Bouflet chủ trì.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trên phạm vi toàn cầu, lĩnh vực kinh tế và môi trường ngày càng có sự giao thoa sâu sắc; biến đổi khí hậu cùng những vấn đề cấp bách về môi trường và sức khỏe con người đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động sản xuất, thương mại và tiêu dùng. Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng phát triển mới nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon và phát triển bền vững.
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, trên toàn cầu nói chung và nhất là ở châu Âu nói riêng, xu hướng tiêu dùng xanh, sạch đã trở thành xu hướng chính thức chứ không còn là một thị trường ngách như trước đây. Dẫn ví dụ cụ thể, ông Phú cho biết, nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường.
Có thể nhìn rõ từ các đạo luật của EU cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu có liên quan đến nạn phá rừng với phạm vi ảnh hưởng tới 6-12 ngành hàng nông sản (ban hành tháng 11/2021); các quy định về đánh bắt hợp pháp trong thuỷ sản, khuyến khích xúc tiến các mặt hàng xanh, giảm phát thải hay gần đây nhất là các quy định báo cáo bền vững cho các doanh nghiệp châu Âu mới được ban hành ngày 10/11/2022 để đảm bảo minh bạch, xác định rõ trách nhiệm cho các bên liên quan trên toàn chuỗi cung ứng vào thị trường châu Âu.
Ông Bartosz Cieleszynski - Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, thương mại xanh chắc chắn không chỉ giới hạn ở các sản phẩm nông nghiệp. Các nhà sản xuất Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp cũng có thể tham gia vào xuất khẩu xanh. Các sản phẩm như giày dép và hàng may mặc có thể tham gia chương trình chứng nhận tự nguyện như BCI (Sáng kiến Bông tốt hơn) hay GOTS (Tiêu chuẩn Dệt may Hữu cơ Toàn cầu) và PETA (Chứng nhận Bảo vệ Động vật).
Những chương trình chứng nhận trên - với việc yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học và tình trạng tốt của đất, quản lý nước bền vững, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, đảm bảo mức lương tối thiểu và trả lương bình đẳng, không có lao động trẻ em và ngược đãi động vật - rất được người tiêu dùng và nhà nhập khẩu EU quan tâm. Sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn xã hội và môi trường thường đắt hàng hơn mặc dù giá cao. Vì thế, các nhà sản xuất và điều hành thương mại của Việt Nam nên quan tâm đến định hướng lựa chọn của người tiêu dùng EU.
“Tất cả các ngành kinh tế đều có thể tham gia vào công nghệ xanh và thương mại bền vững. Những khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng điện lực có thể giúp giảm chi phí của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, nhờ đó giúp các doanh nghiệp này trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường EU”, ông Bartosz Cieleszynski khẳng định.
Để tiếp tục thúc đẩy ngành ngoại thương phát triển nhanh và bền vững theo hướng xanh hóa, bắt kịp với xu thế của quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, với trách nhiệm là Cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và khuyến nghị của các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xanh, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi xuất khẩu xanh
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài bám sát, theo dõi các quy định, chính sách mới ban hành của nước sở tại, nhất là các quy định mới về tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu cũng như cập nhật thông tin thị trường, kịp thời tham mưu chính sách và khuyến nghị, hướng dẫn giúp các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch, phương thức sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng để phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, năm 2022 dự kiến đạt 11 tỷ USD
Xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự kiến đạt 11 tỷ USD, tuy nhiên, năm 2023, ngành hàng này đối diện với thách thức về bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng” chiều 26/11.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, ước năm 2022 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD; cá tra đạt 2,5 tỷ USD; hải sản đạt 3,2 tỷ USD; cá ngừ 1 tỷ USD.
Đáng chú ý, tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 18 - 77%; tất cả các thị trường đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 15 - 75%, trừ thị trường Anh chỉ tăng 3%, trong khi thị trường Nga vẫn tăng trưởng 0,2%.
TOP 4 thị trường chính chiếm 74%. Trong đó, Hoa Kỳ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD và Anh trở thành thị trường lớn thứ 7. Kết quả đạt được là nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp về nguyên liệu, sản xuất; sự linh hoạt và kiên trì với xu hướng tiêu dùng; đẩy mạnh trang thiết bị và chuyển đổi số và hướng tới sản xuất xanh, trách nhiệm xã hội cao ngay trong 6 tháng đầu năm 2022.
Ông Trương Đình Hòe cho hay, hiện xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc (18 tỷ USD) và Na Uy (11 tỷ USD), chiếm 7% thị phần. Trong đó, xuất khẩu tôm nằm trong TOP 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Với gần 8% thị phần tại Hoa Kỳ, Trung Quốc trong năm 2022 và xuất khẩu thủy sản đang tăng dần thị phần tại EU sau 2 năm có EVFTA bất chấp Covid-19.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp cho biết, sau giai đoạn tăng mạnh nửa đầu năm, giá trị xuất khẩu và các đơn hàng của các doanh nghiệp ngành thủy sản đã và đang có xu hướng giảm dù đã vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm.
Dưới tác động của lạm phát toàn cầu tăng cao, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ… lượng đơn đặt hàng có xu hướng sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng, trong khi khâu bảo quản, logistics vẫn là điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp trong ngành.
Kết quả khảo sát trên 117 doanh nghiệp thuỷ sản thông qua hình thức trực tiếp và online cho thấy, có tới 71% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thuỷ sản năm 2023 sẽ khó khăn, hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành thuỷ sản trong thời gian tới.
Ba nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lo ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến 2023 gồm: biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.
Hoa Kỳ là thị trường lớn đầy tiềm năng đối với các loại hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có trái bưởi. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam) |
Bưởi Bến Tre sắp "lên kệ" tại thị trường Hoa Kỳ
Ngày 28/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức "Lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ". Sau gần 6 năm đàm phán đăng ký xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ, đến nay thị trường này đã chính thức nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam. Bến Tre là địa phương xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang thị trường này.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Hoa Kỳ là thị trường lớn đầy tiềm năng đối với các loại hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam. Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ trái cây tại Hoa Kỳ lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 105,4 nghìn ha trồng bưởi, sản lượng gần 905 nghìn tấn, với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Riêng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32 nghìn ha, với sản lượng khoảng 369 nghìn tấn... Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.
Việc khơi thông được thị trường Hoa Kỳ cho trái bưởi Việt Nam giúp cho mặt bằng chung về giá bán và sản lượng tiêu thụ của Bến Tre tăng lên. Đây chính là động lực để bà con tập trung canh tác bưởi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong thời gian tới.
| Hoa Kỳ sắp đón lô xe ô tô điện đầu tiên từ Vinfast; xuất khẩu "sáng cửa" về đích; ngành dệt may có thể "gặp ... |
| Bài toán IUU vẫn thách thức ngành thủy sản; xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng ấn tượng... là những tin nổi ... |
| Da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 27 tỷ USD năm 2023; viên nén gỗ "đắt hàng", đồ gỗ sụt giảm; cơ hội cho nông ... |
| Xuất khẩu khu vực ASEAN: Một câu chuyện kiên cường đáng ngạc nhiên Trong báo cáo Triển vọng ASEAN mang tựa đề Xuất khẩu: Một câu chuyện kiên cường đáng ngạc nhiên được công bố mới đây, Ngân ... |
| 9 tháng, xuất khẩu thủy sản tăng 38% Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9/2022, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt trên 850 ... |