Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu ngày 25-29/4: Trung Quốc phong tỏa thành phố, 'cú bồi domino' với nông sản Việt; công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam

Công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021; áp lực cho xuất khẩu nông sản do Trung Quốc phong tỏa các thành phố; vì sao xuất khẩu dừa sang Mỹ gặp khó?... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 25-29/4.
Xuất khẩu ngày 25-29/4:
Toàn cảnh Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics". (Nguồn: Báo Công Thương)

Công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021

Sáng 29/4, tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics", Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 336,310 tỷ USD, tăng 19,0% so với năm 2020. Trong đó, 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ.

Nổi bật trong số này, dù xếp ở vị trí thứ 10 (tăng 3 bậc so với năm 2020) trong bảng xếp hạng các địa phương dẫn đầu nhưng Phú Thọ là địa phương có tỷ trọng cao nhất đạt 91,5% so với năm 2020 với giá trị 8,2 tỷ USD.

Mặc dù vẫn là địa phương có tỷ trọng dẫn đầu cả nước đạt 44,902 tỷ USD, nhưng TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt tỷ trọng tăng 1,2% so với năm 2020. Riêng thủ đô Hà Nội đứng ở vị trí thứ 8 (tụt 1 bậc so với năm 2020, xếp sau Bắc Giang) của cả nước, đạt 15,5 tỷ USD nhưng cũng chỉ tăng 2,2% so với năm 2020.

Nằm ở top giữa là các tỉnh Thanh Hoá 15, Hưng Yên 16, Hà Nam 17, Quảng Ninh 19, Tiền Giang 20, Thái Bình 21, Nam Định 22...

Đáng chú ý, trong các tỉnh nằm cuối “bảng xếp hạng” có Bắc Kạn chỉ đạt 41,248 triệu USD nhưng lại có tỷ trọng tăng trưởng đạt tới 276,6% so với năm 2020, tăng 3 bậc theo thứ hạng. Nhóm các tỉnh như Sơn La, Lai Châu dù vẫn có mức tăng trưởng tăng so với năm 2020 nhưng thứ hạng thống kê về kim ngạch xuất khẩu vẫn “giữ nguyên” vị trí thứ 61 và 62 so với cả nước.

Qua những con số này có thể thấy, cả nước trong năm 2021 dù hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn đạt tỷ trọng xuất khẩu tăng 19,0%. Có được kết quả vô cùng ấn tượng này phải kể đến sự nỗ lực, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, sự tham mưu kịp thời của các bộ ngành như Công Thương, Tài chính…và của các địa phương khi “ứng phó”, thích ứng trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp.

Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang Mỹ khởi sắc

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), xuất khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sang thị trường Mỹ trong tháng 3/2022 đạt 12,29 triệu USD, tăng 37% so với tháng 2/2022 và tăng 30% so với tháng 3/2021.

Tính chung cả quý I/2022, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sang thị trường Mỹ đạt 31,22 triệu USD, tăng mạnh tới 31,9% so với quý 1 năm 2021 và chiếm 11,5% trong tổng kim ngạch.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I năm nay, xuất khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt 272,55 triệu USD, tăng mạnh 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam, đạt trên 125,18 triệu USD, tăng mạnh 140,8% so với quý 1 năm 2021 và chiếm 45,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Tiếp sau đó là thị trường Campuchia chiếm tỷ trọng 11,7%, đạt gần 31,88 triệu USD, giảm 5,3%. Mỹ hiện là thị trường lớn thứ 3 của xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu Việt Nam.

Áp lực cho xuất khẩu nông sản do Trung Quốc phong tỏa các thành phố

Hoạt động thông quan hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh... bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuối năm 2021 khi Trung Quốc ngày càng siết chặt các biện pháp phòng chống Covid-19. Đến tháng 4/2022, lệnh phong tỏa tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác được đưa ra càng khiến tình hình thêm khó khăn.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cũng đánh giá việc Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố là "cú bồi domino" khiến xuất khẩu của doanh nghiệp chững lại tại thị trường này.

Tin liên quan
Chiến lược ‘Zero Covid-19’ của Trung Quốc có thực sự hà khắc và tốn kém? Chiến lược ‘Zero Covid-19’ của Trung Quốc có thực sự hà khắc và tốn kém?

"Thiếu container rỗng khiến việc đóng hàng xuất khẩu bị đình trệ. Cùng với đó, vô vàn khó khăn đang ập tới với doanh nghiệp xuất khẩu", ông Huy, người được mệnh danh là "vua chuối", nói.

Thông thường cứ thứ Ba, thứ Sáu hàng tuần, công ty ông Huy đóng hàng xuất nông sản sang Trung Quốc nhưng nay thời gian khó cố định và luôn phải dời ngày xuất hàng vì thiếu container hoặc tàu về chậm, thậm chí có khi tàu "delay" nhiều ngày. Do đó, thời gian vận chuyển hàng tăng gấp đôi. Người lao động cũng phải làm việc với thời gian biểu thất thường, có khi họ phải đóng hàng trong đêm.

Không chỉ vậy, giá vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc liên tục tăng trong gần đây và tăng mạnh nhất so với giá cước vận chuyển sang các quốc gia khác như Nhật, Hàn Quốc... Giá cước vận chuyển một kg chuối cùng kỳ năm ngoái chỉ 2.000 đồng thì nay tăng lên 7.500 đồng, tăng gần 4 lần so với tháng 4/2021.

Về lâu dài tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc, kết hợp với cuộc chiến ở Ukraine đang khiến hoạt động xuất nhập khẩu tại các cảng của Mỹ, EU kéo dài ách tắc bởi thời gian qua chuỗi này vốn đã ở trạng thái "trật ray" do dịch Covid-19.

Thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, là nơi có cảng container lớn nhất thế giới nên khi bị phong tỏa, lượng tàu thuyền xếp hàng ngoài khơi gia tăng. Theo dữ liệu của Bloomberg, tổng số tàu container đang cập cảng và ra khỏi khu neo đậu của cảng Ninh Ba vào giữa tuần trước là 230, tăng 35% so với thời điểm này năm ngoái.

Các container nhập khẩu ở Thượng Hải đang đợi trung bình 12,1 ngày trước khi xe tải đến vận chuyển. Con số này cao gấp gần 3 lần mức 4,6 ngày hôm 28/3. Tình trạng tắc nghẽn đã làm tê liệt nỗ lực cung cấp đầu vào cho các nhà máy và vận chuyển xuất khẩu hàng hóa như ô tô và đồ điện tử.

Vận chuyển hàng không cũng đang bị ảnh hưởng, với hàng đổ về Sân bay Quốc tế Phố Đông (Thượng Hải). Tắc nghẽn lan sang Thâm Quyến khi nơi đây chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các chuyến hàng được chuyển từ Thượng Hải.

Vì sao xuất khẩu dừa sang thị trường Mỹ gặp khó?

Nếu như trước đây thị trường Mỹ cho phép trái dừa xuất khẩu chỉ cần gọt hết vỏ xanh thì nay họ 'siết chặt' lại và yêu cầu phải gọt đến tận sọ. Đây là quy định không mới. Tuy nhiên, với việc 'siết chặt' này khiến xuất khẩu dừa của Việt Nam sang thị trường Mỹ gặp khó từ đầu năm 2022 đến nay.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group - cho hay, lượng dừa của doanh nghiệp xuất khẩu đến thị trường Mỹ rất lớn, trung bình xuất khẩu từ 20 - 30 container/tháng.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu dừa của doanh nghiệp gặp khó do quy định từ phía thị trường Mỹ. Việc thể không xuất khẩu được dừa sang thị trường này khiến doanh nghiệp bị thiệt hại. Doanh nghiệp không xuất khẩu được khiến người nông dân trồng dừa bán giá cũng không được tốt. Hiện, giá thu mua dừa tại Bến Tre cho bà con cũng đang giảm từ 15 - 20%.

Xuất khẩu trái cây lâu năm sang thị trường Mỹ, theo ông Nguyễn Đình Tùng, có những yếu tố ngoài tầm kiểm soát. Xuất khẩu trái dừa vẫn đang rất tốt sang thị trường Mỹ từ năm 2017, và đến thời điểm này (tức sau 5 năm) mới phát sinh việc này. Trong điều luật của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) có đưa ra quy định về gọt vỏ trái dừa.

Trước đây, người làm kiểm dịch của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) vẫn đồng ý chỉ cần gọt hết vỏ xanh và để vỏ trắng. Nhưng hiện nay, Mỹ không cho nhập khẩu dừa tươi gọt còn vỏ trắng mà phải gọt tới phần sọ dừa. Việc này khiến việc bảo quản dừa xuất khẩu không được tốt.

“Quy định này đã có từ trước và hiện thị trường này đang siết lại nhưng doanh nghiệp không biết và không nắm được”, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khi đàm phán cần chi tiết, đầy đủ, bên cạnh đó, cần thông tin đầy đủ các quy định về thị trường để doanh nghiệp có thể nắm được.

"Hiện Bộ NN&PTNT đang đàm phán lại với cơ quan chức năng Mỹ và đưa điều khoản này vào để việc xuất khẩu dừa của doanh nghiệp có thể trở lại bình thường”, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết thêm.

Thông tin về việc trái dừa gặp khó trong xuất khẩu sang Mỹ, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay, thị trường này quy định về gọt vỏ nhưng cách hiểu của mỗi chuyên gia Mỹ lại khác nhau. Trước đây, họ cho rằng chỉ cần gọt hết vỏ xanh là được, nhưng hiện cho lại cho rằng việc này không được và yêu cầu phải gọt hết vỏ trắng và đến tận sọ dừa.

Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, nếu có thể đàm phán được với Mỹ để họ chấp thuận cho Việt Nam xuất khẩu theo hướng cũ thì sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dễ bảo quản. Tuy nhiên, nếu thị trường quy định như vậy thì doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ. Dừa Thái Lan xuất khẩu đi cũng gọt đến tận sọ.

4 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 2,53 tỷ USD

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 242,19 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 122,36 tỷ USD và nhập khẩu đạt 119,83 tỷ USD. Như vậy, sau 4 tháng của năm 2022, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD.

Xuất khẩu ngày 25-29/4:
Cả nước xuất siêu 2,53 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. (Nguồn: VOV)

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2022 ước đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,26 tỷ USD, giảm 4,2% so với tháng trước và tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 31,77 tỷ USD, tăng 21,6%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,59 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 74%.

Trong 4 tháng đầu năm, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,1%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng qua, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,3%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,8%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2022 ước đạt 32,19 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 119,83 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,97 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,86 tỷ USD, tăng 16,4%.

Trong 4 tháng qua, có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 4 tháng đầu năm, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,8%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 35,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,1 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng Tư ước tính xuất siêu 1,07 tỷ USD. Tính chung 4 tháng qua, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,73 tỷ USD.

Xuất khẩu ngày 18-22/4: Bỉ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam; ngành dệt may tăng trưởng ấn tượng

Xuất khẩu ngày 18-22/4: Bỉ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam; ngành dệt may tăng trưởng ấn tượng

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt 200 tỷ USD, xuất khẩu dệt may tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm... là những ...

Xuất khẩu ngày 16-18/4: Hàng Việt tiếp tục thể hiện sức hút tại thị trường Australia; gạo xuất khẩu tăng trưởng cả lượng và giá trị

Xuất khẩu ngày 16-18/4: Hàng Việt tiếp tục thể hiện sức hút tại thị trường Australia; gạo xuất khẩu tăng trưởng cả lượng và giá trị

Tin vui cho hàng hóa Việt Nam từ thị trường Australia; xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng cả lượng và giá trị; kéo giảm ...

(tổng hợp)