📞

Xuất khẩu ngày 26-28/5: Nông sản Việt hụt thu hàng tỷ USD từ thị trường Mỹ; EC lùi thời hạn thanh tra chống khai thác IUU

Vân Chi 16:00 | 29/05/2023
5 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả khởi sắc; dân Mỹ thắt chặt "hầu bao", nông sản Việt hụt thu hàng tỷ USD; EC lùi thời hạn thanh tra chống khai thác IUU tại Việt Nam... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 26-28/5.
5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt trên 1,8 tỷ USD. (Nguồn: Báo Công Thương)

5 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả khởi sắc

Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 466 triệu USD, tăng 80,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, trong TOP 10 thị trường xuất khẩu rau quả, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Malaysia có mức tăng trưởng mạnh nhất. Riêng Trung Quốc mua rau quả của Việt Nam đạt 805 triệu USD, chiếm 59% về thị phần (năm ngoái chiếm 53%).

Về mặt hàng, tính đến hết tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu thanh long và sầu riêng đang tương đương nhau với tỷ lệ khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành rau quả. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu thanh long đang chậm lại do Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch và sức tiêu thụ kém.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, những tháng đầu năm, mặc dù bị cạnh tranh với hàng Thái Lan, Campuchia, Philippines, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam vẫn bứt phá. Như tại Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, trong khi kim ngạch các thị trường Mỹ, Canada sụt giảm, Trung Quốc là "bệ đỡ" giúp hoạt động xuất khẩu tăng trưởng 20% doanh số 4 tháng đầu năm 2023.

Triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt đang được nhiều quốc gia ưa chuộng. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit, nhận định, dự báo xuất khẩu rau quả trong những tháng tới tiếp tục khả quan khi bước vào mùa trái cây, đặc biệt là vải thiều rộ mùa vào tháng 6 và 7.

Bên cạnh đó, sầu riêng có cơ hội vươn lên trở thành mặt hàng tỷ USD khi vừa có thêm nhiều vùng trồng được cấp mã xuất khẩu vào Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm nay của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỷ USD.

Dân Mỹ thắt chặt "hầu bao", nông sản Việt hụt thu hàng tỷ USD

Mỹ được nhận định là thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực ngành nông nghiệp sang thị trường này tăng mạnh.

Năm 2020-2022, Mỹ vươn lên trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam. Thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lần lượt là 26,7%, 27,5% và 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp giai đoạn này.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của nước ta. Song, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,9%, vượt qua Mỹ thành khách hàng lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt xuất khẩu.

Với 18,9%, Mỹ rơi xuống vị trí thứ hai, tiếp sau là Nhật Bản chiếm 8,1% tổng giá trị nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ giảm mạnh tới 40,5%. So với cùng kỳ năm ngoái, thế mạnh này của Việt Nam "hụt thu" khoảng 1,84 tỷ USD.

Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Mỹ đều ghi nhận tăng trưởng âm. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản giảm 51,6%, rau quả giảm 16,4%, hạt điều giảm 13,5%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 39,5%, chè giảm 42,8%, cao su giảm 64,7%, hạt tiêu giảm 37,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến hết tháng 4/2023, chỉ có mặt hàng gạo, cà phê xuất khẩu sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương lần lượt là 3,9% và 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, kim ngạch xuất khẩu của hai mặt hàng này còn khá khiêm tốn trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có thị trường Mỹ, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu tiêu dùng. Do đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường này giảm mạnh.

EC lùi thời hạn thanh tra chống khai thác IUU tại Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo kế hoạch, dự kiến đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để thanh tra tình hình, kết quả thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) thời gian vào cuối tháng 5/2023.

EC lùi thời hạn thanh tra chống khai thác IUU tại Việt Nam đến tháng 10/2023. (Nguồn: VNE)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 1568/QĐ-BNN-TCTS ngày 18/4/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể và kế hoạch đón và làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4 về chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của EC (DG-MARE) đã có thông báo chính thức đề nghị hoãn đoàn thanh tra IUU lần thứ 4 sang tháng 10/2023. Phía DG-MARE mong muốn sẽ nhận được các kết quả tích cực và tiến bộ đáng kể về tình hình triển khai các khuyến nghị trước tháng 10/2023 trước khi đoàn vào thanh tra lần thứ 4.

Nội dung kiểm tra lần này là đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; trong đó tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trước thông tin từ phía EC, Bộ đã có thông báo và đề nghị UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, các Bộ được Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ chống khai thác IUU tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, tập trung triển khai quyết liệt các Chỉ thị, Công điện, đặc biệt là Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4 và Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác IUU…

(tổng hợp)