Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu ngày 26-28/8: Tám tháng năm 2022, Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD; thị trường CPTPP chuộng cá tra Việt

Tám tháng năm 2022, Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD; thị trường CPTPP chuộng cá tra Việt... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 26-28/8.
Xuất khẩu ngày 26-28/8: Tám tháng năm 2022, Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD; thị trường CPTPP chuộng cá tra Việt
Bảy tháng năm 2022, khối thị trường CPTPP tiêu thụ hơn 13% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam với giá trị 211,4 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021. (Nguồn: Báo Công Thương)

Thị trường CPTPP ưa chuộng cá tra Việt

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra sang các nước thuộc khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) vẫn giữ được mức tăng trưởng 3 con số 123% đạt trên 31 triệu USD.

Tính chung, 7 tháng năm 2022, khối thị trường CPTPP tiêu thụ hơn 13% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam với giá trị 211,4 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021.

Về thị trường nhập khẩu, trừ New Zealand không tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam, các thị trường còn lại đều tăng mạnh nhập khẩu cá tra Việt. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Canada tăng đột phá nhất, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ đứng sau Mexico (chiếm 4,5% với gần 73 triệu USD), xuất khẩu cá tra sang Canada chiếm tỷ trọng 2,5% với trên 40 triệu USD trong 7 tháng đầu năm nay.

Trong đó, 92% sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường này là cá phile/cắt khúc đông lạnh, sản phẩm cá nguyên con đông lạnh chỉ chiếm hơn 6%, còn lại là cá tra chế biến.

Tin liên quan
Xuất khẩu ngày 22-26/8: Tính Xuất khẩu ngày 22-26/8: Tính 'đường dài' cho sầu riêng, chanh leo vào Trung Quốc; 'trái ngọt' từ CPTPP

Ngoài ra, xuất khẩu cá tra sang các thị trường Australia, Singapore, Malaysia và Chile đều tăng trưởng 3 con số trong tháng 7, với tỷ lệ tăng từ 108-166% so với cùng kỳ.

Trong tháng 7, Nhật Bản cũng tăng 66% nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Những thị trường trên đều chiếm từ 1,3-1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Về giá xuất khẩu, nhìn chung trong các thị trường thuộc khối thị trường CPTPP, cá tra xuất khẩu sang Canada vẫn có giá trung bình cao nhất. Giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Canada trong tháng 7 đạt 3,34 USD/kg, giảm nhẹ so với mức trung bình 3,66 USD/kg trong tháng 6.

Dù Mexico đứng đầu khối về nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng giá trung bình xuất khẩu sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 2,8 USD/kg. Australia cũng là thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam với giá trung bình nhập khẩu tương đối cao, đạt 3,26 USD/kg trong 6 tháng đầu năm và 3,3 USD/kg trong tháng 7/2022.

Trong khi giá trung bình xuất khẩu sang một số thị trường có xu hướng chững lại trong tháng 7 thì giá xuất khẩu cá tra sang Singapore lại tăng lên 3,05 USD/kg, sau khi đạt trung bình 2,39 USD/kg trong 6 tháng đầu năm.

Trong khi xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sang nhiều thị trường gặp bất ổn vì biến động tiền tệ và cước vận tải quá cao, thì thị trường CPTPP lại ít bị tác động bởi những thách thức trên.

Thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định CPTPP và sự lựa chọn của người tiêu dùng chuyển sang loài cá có giá vừa phải như cá tra, là những yếu tố giúp xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan từ đầu năm đến nay và vẫn có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm. "Đối với cá tra, nhóm thị trường các nước CPTPP vẫn có sức hút lớn và có nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt", VASEP nhận định.

Xuất khẩu sang Hà Lan tăng hơn 1,4 tỷ USD

Số liệu thống kê mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố nghi nhận trong tháng 7 xuất khẩu sang Hà Lan đạt 881,6 triệu USD, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả đạt được trong tháng trước đưa tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hà Lan trong 7 tháng đầu năm lên con số hơn 5,95 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 1,4 tỷ USD.

Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt 1,56 tỷ USD, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 26,2% tổng kim ngạch ở thị trường Hà Lan.

Các nhóm hàng tiếp theo là: máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 1 tỷ USD tăng 34,4%, chiếm 16,91%; giày dép đạt 601,9 triệu USD, tăng 22,8%, chiếm 10,1%; dệt may gần 590 triệu USD, tăng 47,6%, chiếm 9,91%; điện thoại và linh kiện gần 446 triệu USD, chiếm 7,49%, nhưng giảm 16,57% so với cùng kỳ năm ngoái…

Như vậy, hết tháng 7 năm nay Việt Nam có 2 nhóm hàng xuất khẩu sang Hà Lan đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong khi cùng kỳ năm ngoái chưa có nhóm hàng nào cán mốc này.

Hết tháng 7, Việt Nam tiếp tục duy trì được thặng dư lớn trong quan hệ thương mại với Hà Lan khi con số xuất siêu đạt tới 5,6 tỷ USD.

Hà Lan cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta ở Liên minh châu Âu (EU) và cả châu Âu nói chung.

Bốn thị trường xuất khẩu chục tỷ USD

Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 7, trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ nước ta có quan hệ ngoại thương, có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng và tên tuổi các thị trường không thay đổi, nhưng kim ngạch ở từng thị trường đều tăng lên đáng kể.

Tin liên quan
Đưa Đưa 'vua trái cây nhiệt đới' Việt Nam bay xa

Bảy tháng đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 66,99 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái chiếm 30,8% kim ngạch cả nước.

Trung Quốc đứng thứ hai với 30,01 tỷ USD, tăng 5,3%, chiếm 13,8%; Hàn Quốc giữ vị trí thứ ba với 14,2 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 6,5%; Nhật Bản xếp thứ tư với 13,44 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 6,2%.

Như vậy, riêng 4 thị trường chủ lực chiếm đến 57,35% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 7 tháng đầu năm.

Toàn bộ các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều có sự hiện diện ở những thị trường quan trọng kể trên.

Điển hình như: điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 8,04 tỷ USD, tăng 54,6%; sang thị trường Trung Quốc đạt trị 7,35 tỷ USD, tăng 11,9%; sang Hàn Quốc đạt 3,17 tỷ USD, tăng 22,4%... so với cùng kỳ năm trước.

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 8,62 tỷ USD, tăng 27,1%; sang thị trường Trung Quốc đạt 6,65 tỷ USD, tăng 12,6%; sang Hàn Quốc đạt 2,07 tỷ USD, giảm 2,5%...

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 11,35 tỷ USD, tăng 26,8%; sang Trung Quốc đạt 1,86 tỷ USD, tăng 32,4%; sang Hàn Quốc đạt 1,65 tỷ USD, tăng 26,9%...

Dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 11,14 tỷ USD, tăng 21,3%; sang Nhật Bản đạt 2,06 tỷ USD, tăng 11,9%; sang Hàn Quốc đạt 1,68 tỷ USD, tăng 12,9%...

Tám tháng năm 2022, Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/8, trong tháng Tám vừa qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,04 tỷ USD, tăng 13,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,34 tỷ USD, tăng 7,6%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 22,1%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 26,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 20,6%.

Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 18,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 73,6%.

Trong 8 tháng năm 2022 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu ngày
Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD). (Nguồn: TTXVN)

Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, bằng cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%, giảm 0,7 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%, tăng 0,4 điểm phần trăm.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,96 tỷ USD, giảm 6,4%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21 tỷ USD, tăng 5,6%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8, tăng 12,4%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,4%.

Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,58 tỷ USD, tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 161,26 tỷ USD, tăng 14,2%.

Trong 8 tháng năm 2022 có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45,2%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,3%, giảm 1,2 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%, tăng 1,3 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 82,1 tỷ USD.

Trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 47,8 tỷ USD, tăng 21,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 27,4 tỷ USD, tăng 30,3%; nhập siêu từ ASEAN 9 tỷ USD, giảm 3,3%; nhập siêu từ Nhật Bản 320 triệu USD, giảm 74,7%.

Tổng cục Thống kê cho biết cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng Tám vừa qua ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,44 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,4 tỷ USD.

Thủy sản Việt và 'nỗi đau' giá rẻ

Thủy sản Việt và 'nỗi đau' giá rẻ

Giá rẻ giúp thuỷ sản Việt Nam được đón nhận nhiều ở thị trường quốc tế, nhưng cũng là “nỗi đau” trong câu chuyện xây ...

Xuất khẩu ngày 1-5/8: Kết nối nhà cung cấp ĐBSCL với doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận thị trường Bờ Biển Ngà

Xuất khẩu ngày 1-5/8: Kết nối nhà cung cấp ĐBSCL với doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận thị trường Bờ Biển Ngà

Kết nối nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long với doanh nghiệp xuất khẩu; nhiều dư đia cho sản phẩm tre Việt Nam; ...

Tìm đầu ra cho gia vị Việt tại thị trường Trung Đông, châu Phi

Tìm đầu ra cho gia vị Việt tại thị trường Trung Đông, châu Phi

Nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã của Việt Nam tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh ...

Xuất nhập khẩu hàng hóa ASEAN và gợi ý cho Việt Nam

Xuất nhập khẩu hàng hóa ASEAN và gợi ý cho Việt Nam

Tham khảo từ cơ cấu xuất nhập khẩu của các nước ASEAN, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện thể chế để vừa giảm thiểu ...

Việt Nam mua rau quả nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc

Việt Nam mua rau quả nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc

Ngày 18/8, trang mạng Tencent đưa tin, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam.

(tổng hợp)