5 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 4,88 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt 3,61 tỷ USD; tăng mạnh 61,6% về lượng và 117% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Viet Nam, khu công nghiệp Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt) |
Xuất khẩu tăng trưởng cao, nhập khẩu tập trung nguyên liệu sản xuất
Theo Tổng cục Thống kê, sau 7 tháng, cả nước đã có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). Như vậy, riêng tháng 7 đã có thêm 2 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Hầu hết các nhóm hàng đều có sự tăng trưởng xuất khẩu ổn định trong 7 tháng qua. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 1,87 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 164,89 tỷ USD, tăng 27,1%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 13,65 tỷ USD, tăng 16,7%. Nhóm hàng thủy sản đạt 4,92 tỷ USD, tăng 12%.
Xuất khẩu tăng trưởng ở hầu hết các thị trường lớn, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cả nước trong 7 tháng đã ước tính đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tập trung mạnh vào nhóm hàng tư liệu sản xuất như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên, nhiên, vật.
Với cơ cấu như vậy, cán cân thương mại trong tháng 7 tiếp tục ghi nhận nhập siêu ở mức 1,7 tỷ USD, lũy kế 7 tháng nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD).
Xuất khẩu Việt Nam sang Pháp lấy lại đà tăng trưởng
Thương vụ Việt Nam tại Pháp dẫn số liệu của Hải quan Pháp cho hay, tổng kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Pháp (tính theo giá CIF) trong 5 tháng năm 2021 đạt hơn 2,21 tỷ Euro, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đang lấy lại được đà tăng trưởng mạnh nhờ sức tăng trưởng xuất khẩu của các nhóm hàng truyền thống như: Giày dép, dệt may, đồ gỗ, đồ nội thất, thiết bị dân dụng...
Đây là tháng thứ 3 nhóm hàng giày dép tiếp tục giữ vị trí thứ nhất, vượt qua nhóm hàng máy móc, thiết bị viễn thông trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp.
Cũng theo số liệu Hải quan Pháp, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ Pháp vào Việt Nam trong 5 tháng năm 2021 đạt 507,2 triệu Euro, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu sắt thép tăng 113,3%
Theo số liệu của Bộ Công Thương, chỉ từ tháng 1 đến tháng 5, Việt Nam đã xuất khẩu 4,91 triệu tấn sắt thép, trị giá 3,557 tỷ USD, tăng 62,2% về lượng và tăng 113,3% về trị giá so với cùng kỳ.
Đối chiếu với số liệu mà Tổng cục Hải quan đưa ra, xuất khẩu sắt thép tăng mạnh. Trong 5 tháng năm 2021, cả nước xuất khẩu 4,88 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt 3,61 tỷ USD; tăng mạnh 61,6% về lượng và 117% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
EU, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia và Mexico là 5 thị trường lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng sắt thép của Việt Nam với tốc độ tăng cao đột biến.
Cụ thể: Lượng xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc: 1,1 triệu tấn, tăng gấp 2 lần; sang EU là 713.000 tấn, tăng gấp 5 lần;Mexico: 293.000, tăng 2,5 lần. Trong khi đó, xuất khẩu sang Malaysia chỉ tăng nhẹ 12,8% đạt 322.000 tấn; xuất khẩu sang Campuchia giảm 1,5% đạt 584.000 tấn.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu mặt hàng này cũng chung đà tăng mạnh, với hơn 6 triệu tấn, trị giá 4,64 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 37,9% về trị giá so với cùng kỳ. Riêng nhập khẩu sản phẩm từ thép cũng tăng 28,5%, trị giá 2,037 tỷ USD.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu sắt thép đang gặp nhiều thuận lợi khi nhu cầu tiêu thụ thép tại nhiều thị trường đang gia tăng rất mạnh suốt nhiều tháng qua. Xuất khẩu sang EU có sự bật tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ ít nhiều có sự tác động từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực được gần 10 tháng, theo đó, nhiều DN đã tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhờ thuận lợi hóa thương mại.
EU vốn được biết tới là thị trường đòi hỏi các sản phẩm phải đạt rất tiêu chuẩn cao và khắt khe, tuy nhiên, xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ phần nào cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn hóa sản xuất, thỏa mãn được yêu cầu cao từ quốc gia nhập khẩu.
Như vậy, chỉ sau 5 tháng, sản thép Việt xuất đi EU đã tăng hơn 2 lần so với xuất khẩu trong cả năm 2020. Năm ngoái, xuất khẩu sất thép đạt 9,86 triệu tấn, trị giá gần 5,26 tỷ USD, nhưng xuất sang EU chỉ 309.000 tấn, trị giá 235,5 triệu USD, giảm 6,9% về lượng và 1% về trị giá so với năm 2019.
Tổng lượng xe ô tô nhập khẩu cộng dồn 7 tháng năm 2021 đạt 98.107 chiếc, tăng đến 116,9% so với cùng kỳ năm ngoái. . (Nguồn: VOV) |
Ô tô nhập khẩu bất ngờ quay đầu tăng mạnh
Bất chấp những trở ngại từ đại dịch Covid-19, mặt hàng ô tô nhập khẩu tháng 7 vẫn giữ ở mức cao, qua đó đẩy mức tổng kim ngạch 7 tháng lên gần 100 chiếc về lượng và vượt khá xa mốc 2 tỷ USD về giá trị...
Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính đã có khoảng 17.000 ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu về nước trong tháng 7/2021, đạt giá trị hơn 332 triệu USD.
Đây là một con số khá bất ngờ khi số lượng xe nhập khẩu đã quay đầu tăng mạnh so với các tháng trước đó. Hiện tại, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay. Vì vậy, theo suy luận thông thường, mặt hàng ô tô nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Trên thực tế, tình hình tiêu thụ ô tô trên thị trường cũng đang có dấu hiệu suy giảm kéo dài. Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường vừa có hai tháng liên tiếp sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, tổng lượng xe ô tô bán ra thị trường trong tháng 5/2021 chỉ đạt 25.585 chiếc, giảm 15% so với tháng liền kề trước đó. Sang đến tháng 6, sức mua ô tô tiếp tục giảm thêm 8% so với tháng 5, chỉ đạt 23.587 chiếc.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, với cú quay đầu tăng trưởng khá mạnh của tháng 7, tổng lượng xe ô tô nhập khẩu cộng dồn 7 tháng năm 2021 đạt 98.107 chiếc, tăng đến 116,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị kim ngạch cộng dồn 7 tháng cũng đã tăng trưởng 111,4% so với 7 tháng năm 2020, ước tính đạt trên 2,17 tỷ USD.
Nhìn chung tình hình thị trường ô tô Việt Nam kể từ đầu năm đến nay vẫn khá sáng sủa bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng từ nay đến hết năm 2021, sức mua ô tô sẽ dần đuối sức và đồng thời, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc có thể sẽ đi vào chiều hướng suy giảm.