Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu ngày 28-30/8: Việt Nam nhập siêu 3,7 tỷ USD; thông tin về mì Hảo Hảo xuất khẩu chứa chất cấm

Acecook thông tin về việc sản phẩm mì Hảo Hảo xuất khẩu chứa chất cấm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn)... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 28-30/8.
Xuất khẩu ngày 28-30/8: 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 3,7 tỷ USD; thông tin về mì Hảo Hảo xuất khẩu chứa chất cấm
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Hải Quan)

8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 3,7 tỷ USD

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 8/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 72,5 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 34,6 tỷ USD, tăng 20,5%.

Thị trường ASEAN đạt 28,2 tỷ USD, tăng 47,4%. Nhật Bản đạt 14,5 tỷ USD, tăng 13,7%. Thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt 11 tỷ USD, tăng 17,1%. Mỹ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,3%.

Tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,65 tỷ USD.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính tháng 8/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%.

Trong 8 tháng năm 2021 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 2,29 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 189,28 tỷ USD, tăng 22,5%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,8%. Thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%.

Thị trường ASEAN đạt 18,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,9%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,6%.

Acecook thông tin về việc sản phẩm mì Hảo Hảo xuất khẩu chứa chất cấm

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vào chiều ngày 28/8, ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám đốc Công ty Acecook Việt Nam đã thông tin đến báo chí về vấn đề sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo có chất cấm.

Liên quan đến cảnh báo của Ireland về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook có chất gây hại cho sức khoẻ, ông Kajiwara Junichi cho biết, trong các công đoạn sản xuất, công ty không sử dụng Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn nào. Hai sản phẩm bị thu hồi tại Ireland nằm trong lô hàng xuất khẩu châu Âu, không phải sản phẩm nội địa.

Theo ông Kajiwara Junichi, các sản phẩm của Acecook tại Việt Nam luôn tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, khẳng định, lô hàng bị thu hồi là sản phẩm xuất khẩu, không liên quan đến những sản phẩm nội địa tại Việt Nam.

Ông Kajiwara Junichi cũng cho biết, Acecool tuyệt đối tuân thủ các quy định của Việt Nam, châu Âu, Nhật, Australia... về việc không sử dụng Ethylene Oxide trong bất cứ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu, sản xuất, lưu trữ. Công ty cũng đã làm việc với các nhà cung cấp nguyên vật liệu và được khẳng định không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất.

Tổng Giám đốc Công ty Acecook Việt Nam nhấn mạnh: "Hiện chúng tôi đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời, hữu hiệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng".

Trước đó, Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) ngày 20-8 thông báo, lô hàng mì tôm chua cay Hảo Hảo có hạn sử dụng đến ngày 24-9-2022 và miến Good, hạn dùng tới ngày 10-11-2022 đang bị thu hồi do có chứa chất ethylene oxide - thuốc trừ sâu trái phép. Ethylene Oxide không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở thị trường Liên minh châu Âu (EU) mà Ireland là thành viên.

Xuất khẩu ngày 28-30/8: 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 3,7 tỷ USD; thông tin về mì Hảo Hảo xuất khẩu chứa chất cấm
Bộ Công Thương đã đề nghị Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất ethylene oxide. (Nguồn: Dân trí)

Trung Quốc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam, Lạng Sơn

Bộ Công Thương cho biết, chính quyền Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) thông báo tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Lũng Vài (tương ứng với cửa khẩu phụ Cốc Nam của tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam).

Việc tạm ngừng hoạt động xuất nhập khẩu từ 18h00 ngày 26/8.2021 để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 khu vực biên giới. Thời gian khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu sẽ căn cứ theo tình hình dịch bệnh và nhu cầu thông quan hàng hóa qua khu vực này.

Theo thống kê của tỉnh Lạng Sơn, đến cuối ngày 26/8, cửa khẩu Cốc Nam không còn tồn xe hàng nào chờ xuất khẩu đi Trung Quốc.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã thông báo tới các doanh nghiệp, thương nhân thường xuyên hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu phụ Cốc Nam để dừng đưa hàng lên cửa khẩu Cốc Nam.

Để giữ cho hoạt động xuất khẩu không bị gián đoạn, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với UBND các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng xây dựng phương án điều tiết phương tiện di chuyển qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn hoặc tới các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng như Tà Lùng (phía Trung Quốc là Thủy Khẩu) và Trà Lĩnh (phía Trung Quốc là Long Bang). Các cửa khẩu này hiện vẫn thông quan bình thường.

Mexico sẽ điều tra chống bán phá giá thép mạ từ Việt Nam

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, mới đây, Bộ Kinh tế Mexico đã nhận đơn của ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Việt Nam và chuẩn bị đăng công báo điều tra.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm Tthương mại quốc tế (ITC) (http://trademap.org), trong năm 2020, Mexico nhập khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép các loại từ Việt Nam, tăng khoảng 70% so với năm 2019. Trong đó, các sản phẩm sắt thép không hợp kim cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, đã phủ, mạ hoặc tráng có mã HS 7210 chiếm gần 80%.

Do Việt Nam và Mexico cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nên các sản phẩm có mã HS 7210 của Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang Mexico. Đây là vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đầu tiên của Mexico đối với Việt Nam.

Theo quy định, Cơ quan điều tra Mexico sẽ xem xét việc tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn kiện đầy đủ. Trong trường hợp vụ việc được khởi xướng, cơ quan điều tra Mexico sẽ gửi bản câu hỏi điều tra tới các doanh nghiệp có liên quan và các doanh nghiệp có khoảng thời gian 28 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra để hoàn thành bản trả lời câu hỏi. Việc trả lời bản câu hỏi là bắt buộc nếu doanh nghiệp không muốn bị áp mức thuế bất hợp tác.

Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, các tài liệu do Cơ quan điều tra của Mexico gửi bằng tiếng Tây Ban Nha và các tài liệu do các bên nộp cho Cơ quan điều tra của Mexico cũng phải bằng tiếng Tây Ban Nha.

Vì vậy, để ứng phó với vụ việc, Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan chủ động rà soát các hoạt động xuất khẩu thép mạ sang Mexico; nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra chống bán phá giá của Mexico, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Gỡ khó cho ngành thủy sản vượt 'bão' Covid-19

Gỡ khó cho ngành thủy sản vượt 'bão' Covid-19

Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam đang đẩy ngành thủy sản ...

Xuất khẩu ngày 24-27/8: Tôm sang Nga tăng 87%; Trung Quốc nâng hàng rào thương mại nhập cá tra Việt; giá gạo xuất khẩu thấp nhất 18 tháng

Xuất khẩu ngày 24-27/8: Tôm sang Nga tăng 87%; Trung Quốc nâng hàng rào thương mại nhập cá tra Việt; giá gạo xuất khẩu thấp nhất 18 tháng

Trung Quốc nâng hàng rào thương mại nhập cá tra; giá gạo xuất khẩu xuống thấp nhất 18 tháng; Nga tăng nhập khẩu tôm Việt ...

(tổng hợp)