Xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản dự kiến đạt từ 800-1.000 tấn. (Nguồn: Zing) |
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước 5 tháng tăng 30,7%
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%.
Riêng trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 70,7 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 47,32 tỷ USD, tăng 33%.
Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 9,69 tỷ USD, tăng 13,5%. Nhóm hàng thủy sản đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.
Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tăng hơn 30%, thu về 22,8 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 42,4 tỷ USD; xuất siêu khoảng 3,27 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,01 tỷ USD, tăng 40,2% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước.
5 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có trị giá xuất khẩu tăng gồm: Cao su, chè, gạo, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm, quế,… 2 mặt hàng giảm cả khối lượng và trị giá xuất khẩu gồm: Cà phê và gạo.
Về thị trường xuất khẩu, ước trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 46,5% thị phần), châu Mỹ (27,0%), châu Âu (10,1%), châu Đại Dương (1,3%) và châu Phi (1,7%).
Trong đó, 4 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn quốc chiếm thị phần lần lượt là 24,6%; 22,6%; 6,6% và 4,9%.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đắt nhất trong khu vực
Theo Reuters, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không thay đổi tuần thứ 3 liên tiếp, neo ở mức 490 - 495 USD/tấn.
Một thương lái tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung thấp trong khi một số nhà xuất khẩu do dự trong việc ký các hợp đồng mới vì vấn đề thiếu container, đặc biệt là tàu vận chuyển sang châu Âu và Trung Đông, đã khiến giá duy trì ở mức cao.
Mặc dù vậy, thị trường đang ghi nhận nhu cầu gia tăng đặc biệt từ Trung Quốc và Phillipines, quốc gia đã giảm thuế nhập khẩu đối với gạo trong thời gian gần đây, theo một thương lái khác.
Vải thiều bán chạy tại Nhật Bản
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho biết, phía thị trường Nhật Bản đã phản hồi rất tích cực về số lượng vải vừa được nhập khẩu từ Việt Nam sang.
Ông Hiếu cho hay: "Năm nay, khách Nhật Bản phản hồi về chất lượng vải tốt hơn năm ngoái. Các lô hàng đã đi từ 23/5 đến nay đều tiêu thụ hết trong 2-3 tiếng".
Tại Nhật Bản, vải thiều của Việt Nam được đóng trong hộp và bán với giá dao động từ 350.000-500.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất cao so với giá vải tại thị trường trong nước.
Ngày 29/5, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho biết, phía đối tác Nhật Bản vừa đồng ý cho 2 cơ sở của Công ty Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Rồng Đỏ tạm thời được xử lý vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản do nhu cầu tại thị trường này tăng cao.
2 cơ sở xử lý ở Hải Dương mới được đồng ý xử lý vải có tổng số 3 buồng xử lý, mỗi buồng công suất 2,5-3 tấn. Mỗi buồng có thể xử lý được 7-8 mẻ/ngày, tùy thuộc nguyên liệu.
Như vậy, đến nay có tổng số 4 cơ sở xử lý vải thiều với 5 buồng xử lý của Công ty Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Rồng Đỏ, Công ty Toàn Cầu và Trung tâm Kiểm dịch SNK 1.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, đến ngày 29/5, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 50 tấn vải thiều sang Nhật Bản.
Theo kế hoạch các doanh nghiệp gửi về Cục Bảo vệ thực vật, vụ vải năm nay sẽ xuất khẩu khoảng 800-1.000 tấn vải thiều sang Nhật Bản.
Hơn 4.000 tấn sắt thép “cưỡi máy bay” về Việt Nam
Theo thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố về hoạt động nhập khẩu hàng hóa theo loại hình vận tải, quý I/2021, có 4.333 tấn sắt thép các loại nhập khẩu theo đường hàng không, chiếm gần 0,12% tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.
Loại hình chiếm ưu thế đối với hoạt động nhập khẩu nhóm hàng này là đường thủy, chiếm 98,4%; tiếp theo là đường bộ chiếm 1,4% và gần 3.000 tấn nhập khẩu theo phương thức khác.
Về hoạt động nhập khẩu sắt thép nói chung, 4 tháng đầu năm cả nước nhập hơn 5 triệu tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, với kim ngạch là 3,73 tỷ USD, tăng 36,6%.
Sắt thép các loại nhập về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 5 thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ.
Nhưng duy nhất thị trường Trung Quốc tăng cao trong khi các thị trường còn lại đều giảm mạnh.
Cụ thể, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 2,63 triệu tấn, tăng 70%; từ Nhật Bản đạt 665 nghìn tấn, giảm 19%; từ Hàn Quốc với 524 nghìn tấn, giảm 11%; từ Đài Loan với 409 nghìn tấn, giảm 33% và từ Ấn Độ với 339 nghìn tấn, giảm 33%.
Xét về trị giá bình quân (chưa thuế), mỗi tấn thép nhập từ Trung Quốc có giá 696 USD, tương đương khoảng 16 triệu đồng/tấn, tăng gần 100 USD so với cùng kỳ 2020 (cùng kỳ 2020 là 605 USD/tấn).