Xuất khẩu ngày 25-28/5: Cảnh báo tình trạng giả mạo xuất xứ gạo Việt. (Nguồn: Foodnetwork) |
Cảnh báo tình trạng giả mạo xuất xứ gạo Việt
Mới đây Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tạm giữ hàng chục container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ Việt Nam của một doanh nghiệp tại Hà Nội (đăng ký làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái). Đáng nói là dù tờ khai hải quan của lô hàng này có xuất xứ Ấn Độ nhưng trên bao bì, nhãn mác thể hiện xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 3, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ từ lô hàng gạo xuất khẩu thuộc tờ khai số 3038... Theo khai báo của doanh nghiệp này, lô gạo xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam nhưng qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ.
Theo thống kê Hải quan, 4 tháng đầu năm 2021 đã có trên 180.000 tấn gạo các loại được nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam.
Cũng theo Hải quan, giá CIF đối với gạo Indian Swarna 5% tấm tại cảng Hải Phòng là 426 USD và tại cảng Cát Lái là 423 USD/tấn. Đối với gạo IR64 của Ấn Độ, giá CIF tại cảng Hải Phòng là 318 USD và tại cảng Cát Lái là 315 USD/tấn.
Sở dĩ gạo nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam có xu hướng tăng được nhiều doanh nghiệp lý giải là do theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).
Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào năm cuối lộ trình là năm 2021, 10% số dòng thuế còn lại chỉ cắt giảm vào cuối lộ trình (năm 2024). Riêng đối với sản phẩm gạo, theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của AIFTA, các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%.
Trong khi đó, giá 2 loại gạo này của Ấn Độ hiện chỉ ở mức khoảng 388 USD/tấn và 273 USD/tấn, thấp hơn trên 100 USD/tấn so với gạo cùng loại của Việt Nam đang giao dịch trên sàn thế giới. Đây có thể là nguyên nhân gạo Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam có xu hướng tăng lên trong thời gian qua.
Việt Nam nguy cơ mất quyền dự thi 'Gạo ngon nhất thế giới'
Tạp chí The Rice Trader (TRT), đơn vị tổ chức cuộc thi mà gạo ST25 của Việt Nam tham dự và đạt giải thưởng, khẳng định, chỉ duy nhất doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí được chấp thuận sử dụng biểu trưng giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" độc quyền cho mục đích tiếp thị và kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có nhiều công ty Việt Nam sử dụng nhãn hiệu này để in trên bao bì, tài liệu quảng bá trong nước và xuất khẩu nhưng không xin phép hay có sự đồng ý của TRT.
Do đó, TRT cảnh báo tới các công ty Việt Nam vi phạm bản quyền về sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" trong các bao bì trên thị trường. Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới".
Theo TRT, người tham gia cuộc thi công nhận rằng họ không có quyền sử dụng thương hiệu cuộc thi nếu không được phép và quốc gia chiến thắng cũng được yêu cầu tuân thủ các cam kết của cuộc thi. Nếu không có giải pháp thích hợp cho hành động này, những tên công ty vi phạm sẽ được công khai. Bởi lẽ, họ làm ảnh hưởng tới định hướng chung của ngành.
TRT có trụ sở tại Mỹ, bắt đầu tổ chức Hội nghị gạo thế giới từ năm 2008.
Năm 2019, tại Hội nghị gạo thế giới TRT thường niên lần thứ 11 tại Philippines, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã giành được giải thưởng này với loại gạo ST25. Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ hai tại cuộc thi tổ chức năm 2020.
Tin liên quan |
Trung Quốc-Australia: Mối quan hệ cộng sinh từ mặt hàng 'tốt hơn cả vàng', Bắc Kinh vẫn phải 'nghiến răng' chi tiền |
Xuất hành vải thiều sớm Tân Yên sang Nhật Bản
Ngày 26/5, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Lễ xuất hành vải thiều sớm Tân Yên sang thị trường Nhật Bản.
Năm 2021, diện tích vải của huyện Tân Yên đạt 1.329 ha; trong đó, vải sớm đạt 1.200 ha, sản lượng ước đạt 13.200 tấn. Như vậy, tính từ ngày 24 - 26/5, huyện đã xuất khẩu được 20 tấn sang Nhật Bản.
Hiện nay, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn huyện bắt đầu sôi động. Nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tìm hiểu, khảo sát, ký kết hợp đồng tiêu thụ vải thiều sớm Tân Yên. Giá bán dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, riêng vải thiều sớm xuất khẩu sang Nhật Bản là 55.000 đồng/kg. Dự kiến, mức giá này còn tăng trong thời gian tới.
Năm 2021, diện tích sản xuất vải thiều của tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2020. Trong số đó, diện tích vải sớm đạt 6.050 ha, sản lượng đạt 45.000 tấn; vải chính vụ đạt 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.
Vùng sản xuất vải để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia... của tỉnh có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn. Vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có diện tích 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.
Diện tích vải thiều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của tỉnh khoảng 82 ha. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện quản lý nghiêm ngặt các mã số vùng trồng, bảo đảm các vùng vải thiều sạch, không bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19.
Tạo thuận lợi tối đa khi cấp C/O cho nông sản xuất khẩu
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đang thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các địa phương, ngày 25 tháng 5 năm 2021, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành công văn số 334/XNK-XXHH đề nghị các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị ưu tiên cấp C/O trong thời gian sớm nhất đối với nông sản xuất khẩu, đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn như vải.
Các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai căn cứ tình hình thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả làm việc vào Thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ để xử lý hồ sơ cấp C/O.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng yêu cầu các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, báo cáo Cục ngay khi có dấu hiệu nông sản xuất khẩu ùn tắc ở cửa khẩu.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu trên cả nước đã cấp 420,000 bộ C/O, trị giá 21 tỷ USD cho hàng hóa đi các thị trường được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.
Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ tăng mạnh nhất 3 năm qua
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu thủy sản các loại của Việt Nam trong tháng 4/2021 đạt 750,1 triệu USD, tăng 21,8% so với tháng 4/2020 . Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 10,5% so với 4 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021, chiếm 57,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Đặc biệt, trong các tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất và nhiều tiềm năng của Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ cả 2 năm 2020 và 2019, tăng lần lượt 28,2% và 25,5%.
Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ tăng từ 15,9% trong tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng của cả nước 4 tháng đầu năm 2019, lên 19,5% trong 4 tháng đầu năm 2021.
Theo phân tích của một số chuyên gia, mặt hàng thuỷ sản đông lạnh rất có tiềm năng mở rộng sang thị trường Mỹ trong thời gian tới.