📞

Xuất khẩu ngày 29/10-1/11: Đường nhập khẩu 'né thuế' ồ ạt tràn vào Việt Nam; Cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu

Thái An 09:39 | 01/11/2021
Nguy cơ từ đường nhập khẩu "né thuế" để tràn vào Việt Nam; 9 tháng năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD; đưa xuất khẩu chăn nuôi vào nhóm ngành hàng tỷ USD... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 29/10-1/11.

Đường nhập khẩu "né thuế" ồ ạt tràn vào Việt Nam

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), việc nhập khẩu đường đang có diễn biến bất thường. Đường từ Thái Lan "quá giang" Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia rồi tuồn vào Việt Nam để lẩn tránh thuế. Trước đó, cả 5 quốc gia này chưa từng xuất khẩu đường sang Việt Nam.

VSSA cho rằng, có dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký VSSA, đường Thái Lan đã được chuyển sang các nước láng giềng để bán vào Việt Nam với số lượng cực lớn. Tình trạng này là do trước đó, Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.

Cả năm 2020, tổng lượng đường nhập khẩu của Việt Nam lên đến 1,384 triệu tấn, tăng gần 4 lần so với năm 2019. (Nguồn: Báo Long An)

Theo đó, các công ty sản xuất, xuất khẩu Thái Lan bị áp thuế tạm thời 48,88% đối với đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô, gồm thuế CBPG và thuế CTC.

Vì vậy, từ cuối tháng 10/2020, các thương nhân nhập khẩu đường Việt Nam đã ráo riết tìm mua đường có xuất xứ ASEAN ngoài Thái Lan như Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia để đưa vào thị trường nước ta, gây sức ép lên đường trong nước.

Cả năm 2020, tổng lượng đường nhập khẩu của Việt Nam lên đến 1,384 triệu tấn, tăng gần 4 lần so với năm 2019.

Ông Lộc cho biết thời gian qua, bất chấp dịch Covid-19, buôn lậu đường vẫn diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới Tây Nam.

8 tháng đầu năm 2021, Campuchia nhập khẩu 393.414 tấn đường từ Thái Lan và xuất bán chính thức sang Việt Nam hơn 100.000 tấn, gần 300.000 tấn còn lại được tập kết tại biên giới để tìm mọi cách tuồn vào nước ta.

9 tháng năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao, như: Cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ; mây tre…

Hoa Kỳ hiện vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Cụ thể, 9 tháng năm 2021 giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 10,2 tỷ USD, bỏ xa thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với gần 6,8 tỷ USD.

Cụ thể, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 của Hoa Kỳ với 30.000 tấn, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng rau, quả, gạo, thủy sản, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu cũng tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, sự chuyển dịch trong thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp nông nghiệp trở thành ngành tăng trưởng bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đóng góp khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước...

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, từ nay đến cuối năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn phải đối mặt với các yếu tố bất lợi, như: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước; cước vận tải tăng cao; sự kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu...

Sớm vận hành hệ thống cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp

Xuất phát từ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh cộng với chính sách bảo hộ của một số thị trường ảnh hưởng từ kinh tế thế giới sẽ khiến số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam dự kiến lớn hơn trong giai đoạn tới.

Do đó, Bộ Công Thương sẽ triển khai vận hành hệ thống cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó kịp thời với các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng.

Liên quan đến việc số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại tăng nhanh, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, nguyên nhân là do xuất khẩu tăng nhanh nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hơn nữa, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác xuất phát từ tác động của dịch Covid-19 đến nhiều nền kinh tế, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân.

Thế nhưng, nhờ sự quyết liệt trong phòng chống dịch, Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng trên nhiều lĩnh vực; trong đó, có xuất khẩu. Vì thế, không ít quốc gia đã gia tăng điều tra phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất, nhất là các nước vẫn duy trì xuất khẩu tốt như Việt Nam.

Đưa xuất khẩu chăn nuôi vào nhóm ngành hàng tỷ USD

Tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phiên thứ 9 với chủ đề “Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm chăn nuôi” vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã đặt mục tiêu đưa xuất khẩu chăn nuôi vào nhóm ngành hàng tỷ USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, dù gặp nhiều khó khăn khách quan nhưng số liệu thống kê cho thấy sản lượng thịt, trứng, sữa rất lớn, năm nay ngành chăn nuôi sẽ đạt mục tiêu 5,8 triệu tấn thịt các loại, 1,2 triệu tấn sữa và 16 tỷ quả trứng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu thực hiện tốt chiến lược chăn nuôi, với sự vào cuộc của cả thệ thống chính trị, Việt Nam sẽ có sản lượng và giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. (Nguồn: Báo Hài quan)

Nhằm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Chính phủ phê duyệt triển khai 5 dự án lớn.

Thứ trưởng nhận định, Việt Nam cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến khoảng 60%. Hiện nay, tỷ lệ thịt, trứng, sữa chế biến còn rất thấp chưa có nhiều chủng loại sản phẩm phù hợp với từng thị trường, vùng miền, công nghệ chế biến còn hạn chế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin rằng, nếu thực hiện tốt chiến lược chăn nuôi, với sự vào cuộc của cả thệ thống chính trị, Việt Nam sẽ có sản lượng và giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD.

Trung Quốc mua đến 90% lượng sắn xuất khẩu của Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 199.680 tấn, trị giá 88,07 triệu USD, tăng 5,7% về lượng và tăng 4,9% về trị giá so với tháng 8/2021.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 441 USD/tấn, tăng 11,6% so với tháng 9/2020.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,15 triệu tấn, trị giá 856,42 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 26,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 9/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc vẫn là nhiều nhất, chiếm 90,1% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 179.910 tấn, trị giá 80,5 triệu USD, so với tháng 9/2020 tăng 5,5% về lượng và tăng 20,3% về trị giá.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 2 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 796,18 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 29,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Dù sản lượng và giá trị xuất khẩu vẫn tăng nhưng theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, hiện nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi vẫn chưa tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong khi đó, theo Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan (0%) đứng thứ hai sau lúa gạo, với số lượng là 30.000 tấn/năm.

(tổng hợp)