Dâu tây Sơn La là một trong số nông sản, đặc sản của Sơn La đang được giới thiệu, bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) nhân tuần lễ nông sản, thực phẩm Sơn La, diễn ra từ ngày 2 đến 5/12. (Nguồn: VNE) |
Xuất khẩu nông sản vượt kế hoạch, khả năng cán mốc 47 tỷ USD
Ngày 2/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 4,2 tỉ USD, tăng 8,9% so với tháng 11-2020 và tăng 5,8% so với tháng 10-2021.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 43,5 tỉ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19,3 tỉ USD, lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỉ USD, thủy sản đạt trên 7,9 tỉ USD, chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD, nhóm đầu vào sản xuất trên 1,5 tỉ USD.
Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm, quế…
Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản số 1 khi chiếm 43,1% thị phần, tiếp đến châu Mỹ (29,6%), châu Âu (11,5%).
Đáng chú ý trong 11 tháng qua, Hoa Kỳ là quốc gia nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam nhiều nhất khi giá trị xuất khẩu đạt trên 11,9 tỉ USD (chiếm 27,5%), thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 với giá trị xuất khẩu gần 8,4 tỉ USD (chiếm 19,2%), sau đó đến Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập các mặt hàng nông lâm thủy sản 11 tháng ước khoảng 39,2 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020.
Dâu tây Sơn La sắp có mặt tại Malaysia, Singapore
Theo bà Nguyễn Thị Lương, Chủ tịch Liên hiệp HTX Dâu tây Sơn La cho biết, đơn vị này vừa ký hợp đồng ghi nhớ với đối tác và sẽ xuất khẩu dâu tây Sơn La sang thị trường Singapore, Malaysia.
"Chúng tôi đang chờ dâu vào chính vụ để xuất khẩu. Dự kiến chuyến đầu tiên xuất khoảng 500 kg nhằm thăm dò thị hiếu người tiêu dùng ở hai quốc gia này", bà Lương nói.
Theo bà Lương, dâu tây Sơn La có giống từ Nhật Bản, thu hoạch đầu tháng 12 đến giữa tháng 5 năm sau. Khi hái đạt độ chín trên 90% nên dâu có độ ngọt, thơm "không thua kém dâu nhập từ Hàn Quốc".
Tin liên quan |
Dâu tây Sơn La đã có mặt tại Hà Nội |
Mùa vụ năm ngoái, Liên hiệp HTX Dâu tây Sơn La thu hoạch khoảng 320 tấn, được bán tại 26 tỉnh, thành trong cả nước.
Năm nay, đơn vị này dự kiến thu hoạch khoảng 750 tấn dâu tây và sẽ lần đầu "tiến vào thị trường phía Nam cũng như xuất khẩu sang Singapore, Malaysia". Giá bán đầu vụ mỗi kg dâu tây Sơn La tại Hà Nội là 380.000 đồng.
Dâu tây chỉ là một trong số nông sản, đặc sản của Sơn La đang được giới thiệu, bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) nhân tuần lễ nông sản, thực phẩm Sơn La, diễn ra từ ngày 2 đến 5/12.
Ông Nghiêm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, các mặt hàng tại tuần lễ nông sản lần này đều đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GolbalGAP, Organic như cam, bưởi, táo đại, dâu tây, chuối tây, bí ngô, rau cải mèo, bí xanh...
Tuần lễ thu hút 15 doanh nghiệp, hợp tác xã với 24 gian hàng tham gia, chia thành các nhóm quả tươi, rau củ quả; thực phẩm đã qua chế biến có nguồn gốc xuất xứ tại Sơn La.
Ông Tuấn ước tính, năm nay tỉnh Sơn La xuất khẩu hơn 161 triệu USD, trong đó nông sản xuất khẩu gần 151 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh gồm: chè, cà phê, tinh bột sắn, xoài, nhãn...
Xuất khẩu thép đạt mốc 10 tỷ USD
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2021, Việt Nam ghi nhận 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%, trước đó nhiều năm Việt Nam chỉ có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Bảy mặt hàng này bao gồm: Điện thoại và Linh kiện 51,9 tỷ USD. Điện tử, máy tính và linh kiện 45 tỷ USD. Máy móc thiết bị và dụng cụ khác 33,6 tỷ USD. Dệt may 28 tỷ USD, giày dép 15,5 tỷ USD, gỗ và sản phẩm từ gỗ 13,2 tỷ USD.
Ấn tượng nhất là thép, với sự tăng trưởng thần tốc, mặt hàng thép chính thức bước chân vào câu lạc bộ các mặt hàng giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD 11 tháng năm 2021, thép chính thức cán mốc xuất khẩu 10,8 tỷ USD và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ cao nhất, đạt 129,8%. Trong khi các mặt hàng còn lại trung bình 10-20%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 10,4 tỷ sắt thép, tăng trưởng 42,7%.
Xuất khẩu sắt thép từ đầu năm nay gặp nhiều thuận lợi khi nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường gia tăng mạnh. Từ đầu năm 2021, thị trường đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến về nhu cầu thép, nhờ đó xuất khẩu tăng phi mã, đặc biệt với những doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn như Hòa Phát, Nam Kim, Tôn Hoa Sen. Động lực tăng trưởng đến chủ yếu từ việc xuất khẩu sang các nước châu Âu và Mỹ, và các nước ASEAN, Trung Quốc.
Thống kê từ Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu thép luôn tăng trưởng mạnh theo từng tháng trong thời gian gần đây. 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu thép đạt 3,6 tỷ USD tuy nhiên, đến tháng 11, giá trị xuất khẩu thép tăng 3 lần, đạt 10,8 tỷ USD.
Doanh nghiệp xuất khẩu bứt phá cuối năm
Tọa đàm Bứt phá doanh thu cuối năm: Lối đi nào cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vừa được tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, hai tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt khoảng 600 tỷ USD. Đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế và là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm.
Tuy nhiên, nhưng ngành xuất nhập khẩu được đánh giá còn tồn tại khó khăn. Thứ nhất, dịch Covid-19 nói chung và làn sóng thứ 4 vừa qua vẫn để lại nhiều hệ quả như việc đứt gãy chuỗi cung ứng, sụt giảm về nguồn lao động, giá nguyên vật liệu và cước phí vận chuyển tăng cao. Bên cạnh đó là những tiêu chí khắt khe của thị trường nước ngoài để đảm báo tính ổn định của đơn hàng.
Thứ hai, bản thân doanh nghiệp Việt vẫn luôn phải đối diện với một số tồn tại về vốn, pháp lý và phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Trong đó, vấn đề về vốn vay được coi là thách thức lớn khi doanh nghiệp dừng sản xuất, đơn hàng đối tác chậm thanh toán hay hàng hóa khó tiêu thụ dẫn đến phải tồn kho.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị như VinaNutrifood, Viettel Post, VP Bank… tạo thành kênh phân phối mới cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Thêm kênh thương mại điện tử xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã đưa vào vận hành mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới B2B2C (mô hình kinh doanh có sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp - B2B để tạo ra và cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối - B2C) qua "Gian hàng quốc gia Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử jd.com.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, "Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn jd.com là gian hàng quốc gia biểu trưng sản phẩm Việt Nam đầu tiên trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung và trên nền tảng trực tuyến tại thị trường Trung Quốc nói riêng do cơ quan phía Việt Nam chủ trì cùng với các đơn vị và đối tác trong nước triển khai qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới.
"Gian hàng quốc gia Việt Nam” sẽ tạo thêm một kênh phân phối mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Trung Quốc, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.
Để vận hành gian hàng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị như VinaNutrifood, Viettel Post, VP Bank… tạo thành kênh phân phối mới cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, thúc đẩy giao thương, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế.
Với mô hình này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tham gia gian hàng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính, quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu. Cụ thể, hướng dẫn doanh nghiệp phân phối theo đúng quy định sàn thương mại điện tử và của pháp luật tại nước nhập khẩu, tìm kiếm các nguồn lực từ đối tác để quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của sàn jd.com.
| The billion-dollar pangasius industry chain is 'exhausted' A piece of pangasius fillet for export involves seed, pond, feed and then harvested, processed and brought out... |
| Not only importing, Vietnam also exports billions of dollars of auto parts to major powers As a country that has to import three-quarters of car assembly components, Vietnam also exports billions of dollars of auto parts... |