📞

Xuất khẩu ngày 3-5/3: 'Lướt' UKVFTA, thủy sản Việt sang Anh tăng trưởng 2 con số; Bộ Công Thương 'gỡ khó' cho doanh nghiệp xuất khẩu

Vân Chi 15:18 | 06/03/2023
'Lướt' UKVFTA, thủy sản Việt sang Anh tăng trưởng 2 con số; thiếu vắng đơn hàng, Bộ Công Thương 'gỡ khó' cho doanh nghiệp... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 3-5/3.
Tính tới giữa tháng 2/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đạt gần 7 triệu USD, chiếm 4,5% giá trị xuất khẩu đi các thị trường. (Nguồn: Báo Công Thương)

'Lướt' UKVFTA, thủy sản Việt sang Anh tăng trưởng 2 con số

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 2 tháng đầu năm 2023, Anh nằm trong số rất ít ỏi các thị trường có tăng trưởng dương nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Cụ thể, trong khi xuất khẩu sang Top 10 thị trường lớn nhất đều giảm từ 18 - 50% so với cùng kỳ, riêng Anh - thị trường lớn thứ 6, vẫn giữ được tăng 22%.

Riêng với sản phẩm cá tra, tính tới giữa tháng 2/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đạt gần 7 triệu USD, chiếm 4,5% giá trị xuất khẩu đi các thị trường. Riêng nửa đầu tháng 2/2023, xuất khẩu cá tra sang Anh tăng đột phá với mức 142% so với cùng kỳ.

Năm 2022, Anh cũng nằm trong Top 6 thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 2,6% với gần 64 triệu USD, tăng 24% so với năm 2021.

Anh là nước có tỷ lệ lạm phát thuộc Top cao nhất trong các nền kinh tế lớn. Đến tháng 1/2023, tỷ lệ lạm phát ở nước này vẫn là 10,1%, cao gấp 5 lần so với mục tiêu Ngân hàng Anh đặt ra.

Lạm phát làm thay đổi xu hướng tiêu thụ thủy sản của Anh. Thay vì tiêu thụ nhiều thủy sản tươi/ướp lạnh, ngày nay người Anh gia tăng tiêu thụ thủy sản đông lạnh. Ở Anh, những người trong độ tuổi từ 50 - 75 tiêu thụ cá nhiều nhất, chi tới 4 bảng Anh mỗi tuần cho các sản phẩm cá. Trong khi đó, những người dưới 30 tuổi chi tiêu trung bình chỉ 1,9 bảng Anh mỗi tuần để mua cá.

Riêng cá thịt trắng là sản phẩm được ưa chuộng đặc biệt tại Anh, trong đó được sử dụng nhiều nhất cho món ăn phổ biến là fish & chip (hay còn gọi là cá và khoai tây chiên). Mỗi năm, nhập khẩu cá thịt trắng vào thị trường này đạt từ 800 triệu USD - 1 tỷ USD.

Năm 2022, nhập khẩu cá thịt trắng vào thị trường Anh giảm gần 8%, trong đó giảm mạnh nhất là cá minh thái (giảm 43%), cá tuyết cod giảm 13%. Suy giảm kinh tế và chiến sự Nga - Ukraine khiến cho tiêu thụ và nhập khẩu cá của nước này bị ảnh hưởng.

Trong năm qua, cá tra của Việt Nam chiếm 5% tổng nhập khẩu cá thịt trắng của Anh. Tỷ trọng này có thể sẽ cao hơn trong năm 2023, khi mà kinh tế Anh vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát, chiến sự Nga - Ukraine vẫn làm cho nguồn cung cá tuyết và cá minh thái vào thị trường này bị hạn chế. Món fish & chip có thể sẽ phải dùng đến cá tra và cá thịt trắng khác nhiều hơn để thay cho cá tuyết cod và cá minh thái.

Lợi thế từ thuế quan ưu đãi theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (Hiệp định UKVFTA) cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nên tận dụng, nhất là bối cảnh các nhà nhập khẩu muốn tìm kiếm các nguồn hàng có giá cạnh tranh phục vụ cho thị trường nội địa của họ.

Do vậy, cùng với Trung Quốc, VASEP dự báo, thị trường Anh cũng là một điểm đến lạc quan cho các doanh nghiệp cá tra trong năm 2023.

Thiếu vắng đơn hàng, Bộ Công Thương "gỡ khó" cho doanh nghiệp

Việc thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu cộng thêm xu hướng giảm của giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục chậm lại trong những tháng đầu năm 2023.

Bộ Công Thương phân tích, theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng năm nay với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã phần nào có phần trầm xuống. Điều này cũng cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới.

Do đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…

Bộ Công Thương đã và đang liên tục tổ chức các Hội nghị xúc tiến thương mại hàng tháng để cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 1 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường, nhất là khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latin… và các thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác.

Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ Latinh. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc, tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm Covid-19. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn phàn nàn về thủ tục hành chính

Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và UBND 4 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Hải Phòng tổ chức Hội nghị đối thoại với chủ đề: “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên”.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng như nhiều Hiệp hội đã nêu nhiều vướng mắc. Hiện có khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, lo ngại vì quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi, 59 % doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành…

Hiện có khoảng 38% doanh nghiệp đang kêu khó tiếp cận thông tin thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu. (Nguồn: Báo Công Thương)

Cụ thể, khi khảo sát về thực hiện các thủ tục hải quan, các doanh nghiệp cho biết quy định thiếu nhất quán và sự phối hợp thiếu động bộ giữa các cơ quan gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế; vẫn còn tình trạng thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra bị chồng chéo; doanh nghiệp thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan và ở giai đoạn khai hải quan.

Về vấn đề quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp cho biết trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp; danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều; việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà; thủ tục kiểm tra chuyên ngành tuy đa số được thực hiện kiểm tra tập trung tại các cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp doanh nghiệp phải tới tận các Bộ ngành mới giải quyết xong việc...

Các doanh nghiệp kiến nghị hải quan và các cơ quan liên quan đến giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu cần kết nối, chia sẻ dữ liệu chung về lịch sử kiểm tra hàng hóa của doanh nghiệp để giảm chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn với các thủ tục xác định mã hồ sơ (mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu).

Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát kỷ cương hành chính, công vụ và minh bạch trong xử lý cán bộ vi phạm, có các cơ chế hiệu quả để doanh nghiệp kiến nghị và khiếu nại hành vi sách nhiễu, gây phiền hà; tiếp tục cải thiện hoạt động của Cổng thông tin một cửa quốc gia…

(tổng hợp)