Mấy năm qua, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng, trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ. (Nguồn: Tạp chí Công Thương) |
Xuất khẩu hàng tăng mạnh, Việt Nam chiếm top 2 toàn cầu chỉ sau Trung Quốc
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021 cho thấy, trong năm 2021, số lượng điện thoại sản xuất trong nước đạt 233,7 triệu chiếc, tăng 7,6%; trong khi đó, trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt 580,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu điện tử trong năm 2021 cũng đạt mức kỷ lục 108 tỷ USD, tương đương 32% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Còn theo báo cáo của HSBC, thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu đã tăng đáng kể. Việt Nam đã giành 13% thị phần, nhanh chóng vươn lên vị trí nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Hơn 50% điện thoại thông minh trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc.
Mấy năm qua, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng, trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ. Số lượng sản xuất điện thoại tại Việt Nam vẫn tăng trong năm 2021 bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Năm 2021, xuất khẩu điện thoại di động nguyên chiếc của Việt Nam đạt kim ngạch trên 33,1 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020, chiếm 57,6% kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng. Xuất khẩu linh kiện, phụ kiện điện thoại đạt trên 24,4 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2020, chiếm 42,4%.
Thị trường chính xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam gồm: Mỹ, khối EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE. Tỷ trọng xuất khẩu sang 5 thị trường này đã chiếm khoảng 71% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam.
Đáng chú ý, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh sang Trung Quốc chủ yếu ở mảng linh kiện điện thoại. Xuất khẩu linh kiện điện thoại sang Trung Quốc đạt 13,5 tỷ USD, chiếm 89,1% giá trị xuất khẩu nhóm hàng.
Một số thị trường xuất khẩu trong năm vừa qua tăng mạnh như: Hồng Kông tăng 35%, UAE tăng 26,8%, Trung Quốc tăng 23%. Ngoài ra, một số thị trường nhỏ nhưng có sự tăng trưởng rất mạnh như: Peru tăng 137,6%, Pakistan tăng 120,3%, Sri Lanka tăng 109,3%...
Theo HSBC, phần lớn thành công của ngành hàng công nghệ là nhờ khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều năm của Samsung. Trong 2 thập kỷ vừa qua, Tập đoàn Samsung đã rót vào Việt Nam khoảng 18 tỷ USD.
Hiện Samsung có 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển, trong đó có 2 nhà máy sản xuất điện thoại ở miền Bắc. Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của tập đoàn này trên toàn cầu.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đang gặp một số khó khăn do vấn đề về chuỗi cung ứng. Tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 dẫn tới tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu. Việc này ảnh hưởng đến sản xuất nhóm hàng điện thoại nói chung và các mặt hàng có sử dụng chip nói riêng.
Cơ hội cho đồ gỗ và trang trí nội thất tại thị trường Canada
Triển vọng gia tăng xuất khẩu sang thị trường Canada sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất của Việt Nam được đánh giá rất khả quan, trước hết là nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn và tác động tích cực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Do đó, ngày 7/6 tới, tại Bình Dương, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương Bình Dương, Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh tổ chức Phiên tư vấn Xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất sang thị trường Canada.
Theo nguồn marketinsightsreports.com, dự báo thị trường đồ nội thất gia đình của Canada đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6% trong giai đoạn 2021 - 2025. Con số tăng trưởng này đạt được là nhờ sự cải thiện trong hoạt động xây dựng, nhất là lĩnh vực nhà ở tại nhiều vùng của Canada, phần lớn việc mua đồ nội thất được thúc đẩy bởi người tiêu dùng chuyển đến nhà mới.
Thống kê cho thấy, năm 2021, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang Canada đạt 416,4 triệu USD, tăng 27,4%, chiếm 16,7% tổng trị giá nhập khẩu của Canada. Điều này cho thấy, các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.
Hiện nay, tại các chuỗi siêu thị lớn như COSTCO, IKEA, LEON’S… có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm nội thất sản xuất từ Việt Nam. Đặc biệt, khai thác tốt thị trường Canada, sản phẩm gỗ và đồ trang trí nội thất của Việt Nam còn có cơ hội đẩy mạnh sang các thị trường khác trong khu vực Bắc Mỹ, bởi đây được xem là một cửa ngõ để đi vào khu vực này.
Theo Bộ Công Thương, Canada là một trong 10 nhà sản xuất đồ nội thất hàng đầu trên thế giới và quốc gia này có chuyên môn lâu đời trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do nhập khẩu tăng nhanh và xuất khẩu giảm, Canada đã trở thành nước nhập khẩu ròng các sản phẩm đồ nội thất.
Tại phiên tư vấn, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada sẽ giới thiệu tổng quan thị trường, xu hướng và thị hiếu, triển vọng và thách thức thị trường gỗ Canada. Đồng thời, giới thiệu về những cơ chế hỗ trợ của Thương vụ cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Phạm Thế Huy - Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Canada sẽ giới thiệu một số điều cần biết (quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất) khi kinh doanh với thị trường Canada.
Ngoài ra, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu lớn về đồ gỗ và trang trí nội thất ở Canada sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực này tới các nhà xuất khẩu Việt Nam. Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ thông tin tổng quan tình hình xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam tại phiên tư vấn.
Trong khuôn khổ của phiên tư vấn, ngoài phiên toàn thể còn diễn ra phiên tư vấn riêng giữa đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada cùng các chuyên gia, nhà nhập khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất của Canada với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam có cơ hội tìm hiểu sâu về thị trường đồ gỗ và trang trí nội thất Canada, từ đó có biện pháp tăng cường xuất khẩu hiệu quả sang những thị trường này.
Xuất khẩu cao su tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng 5
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt khoảng 110 nghìn tấn, trị giá 181 triệu USD, tăng 40,4% về lượng và tăng 27,9% về trị giá so với tháng 4/2022; so với tháng 5/2021 tăng 33,1% về lượng và tăng 26,4% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân trong tháng 5/2022 đạt 1.645 USD/tấn, giảm 8,9% so với tháng 4/2022 và giảm 5% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 595 nghìn tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn chung trong những tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của Việt Nam, với sự gia tăng xuất khẩu cả về lượng và giá trị trong những tháng đầu năm.
Trong tháng 5/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước giảm nhẹ so với cuối tháng 4/2022. Tại Bình Phước, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 305-345 đồng/ TCS.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 340 đồng/TSC. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 305-315 đồng/ TSC, giảm nhẹ so với cuối tháng 4/2022.
5 tháng đầu năm, có 26 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Những tín hiệu đáng mừng của kinh tế Việt Nam với nhiều khởi sắc được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề cập trong phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, diễn ra ngày 4/6/2022.
Theo Bộ trưởng, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 5 tháng tăng 16,3%. Cho đến giờ này xuất siêu là trên 500 triệu USD. Lý do là trong thời gian vừa rồi doanh nghiệp trước đã dự báo nguồn cung nguyên nhiên liệu khó khăn nên đã tập trung nguyên liệu đầu vào.
Mặt khác, các doanh nghiệp FDI có sản lượng xuất khẩu lớn như Samsung và một số doanh nghiệp điện tử vì cầu của thế giới giảm rõ rệt cho nên chỉ số công nghiệp và xuất khẩu của khu vực FDI có giảm, tuy nhiên dự báo xuất siêu từ tháng 6 trở đi duy trì được đà này.
Có thể thấy, các ngành sản xuất có sự phục hồi nhanh hơn, tháng 5 chỉ số nhà quản trị mua hàng của Việt Nam tăng 3 điểm phần trăm từ mức 51,7 trong tháng 4 lên mức 54,7 trong tháng 5. Sản lượng và số đơn hàng đều tăng, tồn kho thành phẩm giảm.
Điều này đã phản ánh qua số lao động làm việc trong các doanh nghiệp tăng liên tiếp trong 2 tháng vừa qua, tháng 4 tăng từ 1,4 % lên 4,4% tháng 5. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đã tăng hơn 20,8% trong khi khu vực FDI chỉ tăng 14,8% tuy nhiên giá trị tuyệt đối khu vực này vẫn chiếm gần 74%.
Sự phục hồi của khu vực kinh tế trong nước có tăng, 5 tháng đầu năm có 26 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD tăng 3 mặt hàng so với năm trước
Một số nhóm mặt hàng của doanh nghiệp FDI sản lượng và xuất khẩu đều giảm 10%, dự báo tháng 6 có thể vẫn giảm vì thị trường một số nước tiêu thụ lớn hàng điện tử có chỉ thị giảm nhập khẩu một số mặt hàng.
Các biện pháp phong toả, phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến sản xuất của Việt Nam, giảm nhu cầu hàng hoá cũng như giảm khả năng cung ứng nguyên liệu cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Thuỷ sản Việt Nam "rộng cửa" vào RCEP nhờ quy tắc xuất xứ nới lỏng
Sau hơn 5 tháng có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã và đang ngày càng mở ra không ít cơ hội cho thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, điểm lưu ý cho DN thuỷ sản là phải tìm hiểu, tuân thủ tốt quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối cũng như giám sát, đảm bảo chặt chẽ chất lượng hàng xuất khẩu.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản mang về kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó XK sang các nước thành viên RCEP chiếm thị phần lớn (trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam).
Khẳng định thuỷ sản Việt còn nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường RCEP, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh: “Với mặt hàng hàng thủy sản, các FTA trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, nhưng RCEP cho phép con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi. Hiệp định RCEP giúp DN có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng”.
Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhiều tiềm năng cho thuỷ sản Việt trong khối RCEP. Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt trong nước của Trung Quốc hiện đạt 64 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu tiêu dùng lên tới 67,3 triệu tấn/năm. Thời gian qua, kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc tăng mạnh, năm 2021 là 3,6 triệu tấn, giá trị 15 tỷ USD, tăng gấp đôi so với những năm 2015-2016.
Đáng chú ý, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2022 có sự khởi sắc đáng kể, đạt hơn 530 triệu USD, tăng tới 100% so với cùng kỳ năm trước, với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: cá tra, cá basa, tôm đông lạnh.
“Quy mô thị trường Trung Quốc lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, trong khi đó Việt Nam lại có đường biên giới với Trung Quốc nên còn nhiều dư địa cho DN mở rộng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này”, ông Nông Đức Lai nhận định.
Tương tự, thuỷ sản Việt hiện cũng có nhiều cơ hội tại thị trường Malaysia. Bà Trần Lê Dung, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia phân tích: đây là đất nước hồi giáo nên nhu cầu tiêu thụ hàng thuỷ sản khá lớn. Hiện thuỷ sản Việt Nam đang chiếm 8,8% thị phần tại Malaysia sau Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan. Bốn tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Malaysia đã tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là con số rất ý nghĩa, cho thấy xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tại Malaysia có triển vọng tăng trưởng rõ rệt. Đặc biệt, RCEP tạo điều kiện cho Malaysia hội nhập sâu hơn vào nền thương mại, đầu tư tự do toàn cầu nhờ xoá bỏ 90% thuế quan giữa các nước thành viên. Do vậy, thông qua cửa ngõ Malaysia, thuỷ sản Việt Nam có thể tiếp cận nhiều thị trường khác”, bà Trần Lê Dung nói.