Xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá mạnh, vượt kế hoạch đề ra. (Nguồn: Reatimes) |
Gạo Việt đón tin vui
Tuần trước, giá gạo xuất khẩu tại các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á đều giảm trong do các thương nhân Việt Nam và Thái Lan đang phải cố gắng cạnh tranh với mức chào hàng tương đối thấp của Ấn Độ.
Tuy nhiên, gạo Việt Nam lại đón tin vui. Mới đây Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã chính thức niêm yết giao dịch gạo thô (ZRE) liên thông với Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago. Đây là lần đầu tiên, mặt hàng gạo được niêm yết giao dịch trên thị trường giao dịch hàng hóa tập trung tại Việt Nam.
Việc MXV niêm yết giao dịch gạo được cho sẽ tạo ra một kênh thông tin, cái nhìn toàn cảnh về thị trường gạo thế giới.
Từ đó, giá gạo sẽ được công khai và cập nhật nhanh chóng. Người nông dân tránh gặp tình trạng thao túng giá, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Việt Nam cũng sẽ đánh giá được chính xác về cung và cầu của mặt hàng này, giúp họ có lợi thế khi tham gia đàm phán chốt giá xuất khẩu với các đối tác nước ngoài.
Xuất khẩu nông sản bội thu
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đóng góp vào thành công đó, có những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tăng cao gồm: cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm… Trong đó, cao su, chè, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng cũng như trị giá xuất khẩu
Về mặt thị trường, 4 thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc được duy trì tốt.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm nay khoảng 6,7 tỷ USD (tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 27,9% tổng trị giá xuất khẩu).
Tiếp đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 4,75 tỷ USD (tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 19,6% tổng trị giá xuất khẩu).
Xoài Việt được ưa chuộng tại Australia
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết từ đầu mùa đến nay, Thương vụ Việt Nam tại Australia liên tục thực hiện các hoạt động kết nối giao thương đối với sản phẩm xoài thương hiệu Việt.
Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm, xuất khẩu xoài từ Việt Nam sang Australia tăng trưởng mạnh lên đến 36,7% so vời cùng kỳ, đạt 275.000 USD.
Từ ngày 28/6 đến hết tháng 7 năm 2021, Chương trình xúc tiến “Ẩm thực xoài xanh, phong vị quê hương” được Thương vụ Việt Nam tại Australia triển khai với nhiều hoạt động ấn tượng.
Theo kế hoạch, chương trình lần này có 5 tấn xoài xanh Việt Nam vừa cập bến Australia do Công ty Dalat Import-export (Melbourne) nhập khẩu và phân phối cùng với Công ty Asean produce Pty và một số lô hàng khác dự kiến cập bến sẽ ra mắt người tiêu dùng.
Trong đó, 25 tấn xoài do Công ty Rồng Đỏ xuất khẩu sang thị trường này sẽ đồng hành cùng Chương trình xúc tiến "Ẩm thực xoài xanh, phong vị quê hương” tại Australia với mục tiêu xây dựng và ấn định vị thế của thương hiệu xoài xanh Sơn La.
Hiện các cửa hàng, siêu thị tại khu vực Melbourne, Sydney đang bán xoài xanh Việt Nam với giá 15 -17 AUD/kg (khoảng 250.000 - 290.000 đồng).
Điện thoại - mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 6/2021 đạt 2,7 tỷ USD, giảm 24,7% so với tháng trước và là tháng ghi nhận mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại, linh kiện đã sụt giảm trong 3 tháng liên tiếp kể từ tháng 4. Tháng 5/2021, xuất khẩu nhóm hàng này đã mang về cho thị trường Việt Nam 3,7 tỷ USD, giảm 3%. Còn tháng 4, nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD.
Điện thoại, linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dù ghi nhận mức sụt giảm trong 3 tháng liên tiếp nhưng mặt hàng này vẫn là nhóm hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất.
Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu hàng điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi xuất khẩu điện thoại sụt giảm thì kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lại tăng nhẹ. Theo Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu trong tháng 6/2021 ước tính đạt 4 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng ước tính đạt 23,7 tỷ USD, tăng 22,07% so với cùng kỳ năm trước.
Hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ ngày 01/8/2018 - 31/7/2019.
Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VINH HOAN CORP - Đồng Tháp) và Công ty cổ phần Nam Việt (NAVICO - An Giang) đã được hưởng mức thuế suất là 0%.
Theo VASEP, đây là tin vui đối với hai doanh nghiệp trên và cũng là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ nửa cuối năm 2021. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khác (trừ các trường hợp doanh nghiệp có mức thuế suất riêng biệt) xuất khẩu cá tra sang Mỹ chịu mức thuế chống bán phá giá bằng mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Ngoài ra, theo kết quả kế thừa từ kỳ xem xét POR15, Công ty cổ phần Thủy sản NTSF (Cần Thơ) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ hưởng mức thuế suất là 0,15 USD/kg. Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (Cần Thơ) vẫn hưởng mức thuế 0,19%.
Với kết quả thuế chống bán phá giá của kỳ xem xét này, doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã bỏ bớt được áp lực tại các thị trường lớn; đồng thời, giảm tải cho các thị trường xuất khẩu khác vẫn đang bị ảnh hưởng của khủng hoảng Covid-19. Đây cũng là điều kiện tốt thúc đẩy khối lượng hàng cá tra sang Mỹ trong thời gian tới.