📞

Xuất khẩu ngày 3-7/1: Tìm cách đưa nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển; bưởi Việt Nam sắp 'lên kệ' thị trường Mỹ

Vân Chi 08:30 | 07/01/2022
Bưởi Việt Nam sắp "lên đường" sang Mỹ, Việt Nam thu hàng triệu USD từ lá tre, đưa nông sản "vượt biển" sang thị trường Trung Quốc... là những vấn đề nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 3-7/1.
Bưởi Việt Nam sẽ sớm có mặt tại thị trường Mỹ. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Bưởi Việt Nam sắp có mặt tại Mỹ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây thông tin, Bộ này đã nhận được thông báo từ các cơ quan chức năng Mỹ về hoàn thành thẩm định các thủ tục và chính thức cho phép nhập khẩu trái bưởi từ Việt Nam. Dự kiến trong khoảng 2 tháng nữa, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu trái bưởi đi Mỹ.

"Các doanh nghiệp có nhu cầu và khả năng xuất khẩu trái bưởi tươi đi Mỹ cần phối hợp với các đơn vị kiểm dịch động thực vật của Việt Nam hoàn tất hồ sơ để sớm xuất khẩu loại quả này đi Mỹ", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thành Nam lưu ý.

Quả bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trước đó, Mỹ đã cấp phép nhập khẩu 6 loại quả tươi từ Việt Nam, gồm: xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Các hoa quả khác có thể được xuất khẩu ở dạng đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến (đóng hộp, sấy khô).

Các cơ quan Chính phủ cũng đang tích cực đàm phán để phía Mỹ cấp phép thêm cho hoa quả tươi của Việt Nam, sau trái bưởi sẽ là các loại trái cây khác, trong đó có dừa tươi.

Theo Cục Trồng trọt, cả nước có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 950.000 tấn. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng có gần 13.000 ha với sản lượng trên 170.000 tấn, trung du miền núi phía Bắc có hơn 30.000 ha với sản lượng 220.000 tấn. Riêng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32.000 ha với sản lượng khoảng 340.000 tấn. Từ nay đến hết quý I/2022, cả nước sẽ thu hoạch khoảng 140.000 tấn bưởi.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá, Mỹ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt khi có tới 332 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả.

Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng năm 2020, Mỹ vẫn nhập khẩu tới 14,1 tỷ USD trái cây, tăng nhẹ so với 2019.

Việt Nam thu hàng triệu USD từ lá tre, sắn

Trên các trang thương mại điện tử nước ngoài như Alibaba, lá tre của Việt Nam bán sỉ với số lượng từ 100 kg có giá 3-5 USD/kg, (khoảng 70.000-120.000 đồng/kg), tuỳ số lượng đặt mua. Còn giá bán lẻ từ 7-10 USD/kg, tức lên tới 230.000 đồng.

Năm nay dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng lá tre xuất ngoại vẫn tăng so với 2020. Số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 11 tháng đầu năm, xuất khẩu lá tre đạt 2,02 triệu USD, tăng gần 1% so với cùng kỳ. Đây cũng là mặt hàng tăng trưởng dương duy nhất trong nhóm mặt hàng lá cây xuất khẩu đi các thị trường thế giới năm 2021.

Ngoài ra, lá sắn của Việt Nam cũng được thu mua với kim ngạch 11 tháng đạt 1,24 triệu USD. Tuy nhiên, dịch Covid-19 phức tạp khiến giá trị kim ngạch của mặt hàng này giảm 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, tháng 6-8, bệnh khảm lá sắn bùng phát mạnh ở Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc khiến nguồn hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Theo các cơ sở xuất khẩu, lá sắn tươi được bán tại nhà dân với giá 1.200-1.500 đồng/kg. Còn giá bán ở thị trường lên tới 15.000-20.000 đồng/kg cho số lượng 100 kg. Riêng với giá bán lẻ có thể lên tới 30.000-50.000/kg.

Xuất khẩu 95 tấn trái cây sấy dẻo sang các thị trường lớn

Ngày 5/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai đã phối hợp TP. Long Khánh tổ chức lễ ra quân xuất khẩu nông sản chế biến tỉnh Đồng Nai đầu năm 2022.

Theo đó, Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Lương Gia (KCN Long Khánh, TP Long Khánh) xuất 5 container hàng tương đương khoảng 95 tấn trái cây sấy dẻo vào thị trường EU, Nga, Hàn Quốc và Trung Đông. Đây là những thị trường xuất khẩu trái cây chế biến lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, đồng thời là thị trường thuộc nhóm những nước có kim ngạch lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Ông Hồ Quốc Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty Lương Gia - cho biết, sản phẩm của công ty chủ yếu là các mặt hàng trái cây nhiệt đới sấy từ các loại trái cây tươi ngon, sẵn có tại Việt Nam như xoài, đu đủ, thanh long, ổi, thơm, chanh dây...

Các sản phẩm của đơn vị đã có mặt trên các hệ thống, siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, đáp ứng được những thị trường khó tính nhất như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga.

Cũng tại buổi lễ, ông Cao Tiến Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho biết, hằng năm Đồng Nai xuất khẩu hàng triệu tấn nông sản tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng trong năm 2021, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, rau quả, trái cây chế biến là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, có giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh của địa phương.

Mới đây, Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

"Sở hoan nghênh, ủng hộ các doanh nghiệp phối hợp các địa phương và các đơn vị trực thuộc triển khai chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn", ông Sỹ nói.

3 tỉnh hợp lực đưa thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển

Sáng 6/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố đã tổ chức diễn đàn chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho trái thanh long xuất khẩu cũng như tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Theo thông tin của các địa phương ở Nam Trung Bộ và ĐBSCL, hiện nay, thanh long đang bước vào vụ thu hoạch, sản lượng rất lớn. Trong đó riêng tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang có tới khoảng 300.000 tấn cần tìm đầu ra.

Lâu nay, hầu như thị trường tiêu thụ thanh long của Việt Nam là xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng hiện nay, nhiều cửa khẩu ở phía Bắc đã thông báo tạm dừng thông quan do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu để thực hiện chính sách Zero Covid. Chỉ còn một số cửa khẩu còn hoạt động nhưng chủ yếu thông quan hàng thô, hạn chế tối đa với mặt hàng tươi đông lạnh, thủy sản, nhất là trái cây.

Ngày 5/1, nhiều cửa khẩu lớn ở Lạng Sơn, Quảng Ninh đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp, chủ xe container ở khu vực phía Nam dừng hoặc hạn chế đưa hàng ra các cửa khẩu phía Bắc.

Tại diễn đàn, ông Đặng Đình Long - CEO của Công ty Logistics Mega A cho biết, hiện nay trái thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ khó khăn ở các cửa khẩu đường bộ, còn nếu xuất theo đường biển vẫn rất thuận lợi.

Song nan giải nhất hiện nay là các doanh nghiệp xuất khẩu đang thiếu vỏ container nghiêm trọng (nhất là container đông lạnh) để đưa thanh long sang Trung Quốc cũng như các thị trường khác qua đường biển.

Ông Long đề xuất Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết nối với Bộ Giao thông Vận tải và các hiệp hội logictics để cùng ngồi lại với các hãng tàu của Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc… để "setup" một cách công khai về sản lượng thanh long cần gửi đi, cần làm rõ ràng với chủ hãng tàu có thể cung cấp bao nhiêu tàu một tuần, mỗi tàu có được bao nhiêu container…

Chủ trì và phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cũng đề nghị các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An hợp lực để xúc tiến xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc qua đường biển.

Được biết, từ ngày 22-25/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tổ chức một diễn đàn kết nối chuyên đề với các tham tán thương mại tại châu Âu để đẩy mạnh đưa nông sản Việt Nam sang châu Âu, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân, các nhà sản xuất có thể nắm được thị trường châu Âu hiện nay cần sản phẩm nào, yêu cầu chất lượng cụ thể ra sao...

Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU đã có một năm khá thành công trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. (Nguồn: Cafe F)

Xuất khẩu hạt điều sang EU tăng hơn 16% so với cùng kỳ

Năm 2021, ngành điều Việt Nam chịu ảnh hưởng do tình trạng thiếu nhân công diễn ra đã ảnh hưởng đến nhân lực sản xuất toàn ngành, cộng với chi phí cước vận tải biển tăng cao và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển. Mặc dù vậy, năm 2021 ngành điều Việt Nam vẫn ghi nhận kết quả xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 16,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang EU đã đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung toàn ngành.

Thuế suất đối với các sản phẩm chế biến từ hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam giảm về 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Mức giảm này rất quan trọng vì trước khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của mặt hàng hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam dao động từ 7-12%.

Việc EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh dịch Covid-19 và biến động thị trường phức tạp, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn.

Theo ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2021 sang thị trường EU đạt 135 nghìn tấn, trị giá 816 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với năm 2020. Mức tăng trưởng khả quan trên là nhờ nhu cầu hạt điều của EU tháng cuối năm đạt mức cao theo yếu tố chu kỳ, nhằm phục vụ kỳ nghỉ lễ giáng sinh và đón chào năm mới.

Với kết quả đạt được trong năm 2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU đã có một năm khá thành công trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong khâu sản xuất, thông quan và giá cước phí tăng.

Bộ Công Thương cũng nhận định, triển vọng xuất khẩu năm 2022 được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 15% về lượng và tăng 10% về trị giá so với năm 2021, đạt trên 155 nghìn tấn, trị giá 900 triệu USD. Nhận định trên dựa trên yếu tố cung - cầu, giá xuất khẩu có xu hướng phục hồi từ cuối năm 2021.

(tổng hợp)