Tn hiệu tích cực từ xuất khẩu rau quả quý I/2021 là thông tin đáng chú ý trong bản tin xuất khẩu ngày 30/3-2/4. (Nguồn: Công Thương) |
Thông tin Trung Quốc cấm nhập khẩu ớt từ Việt Nam là không chính xác
Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương vừa nhận được hình ảnh “văn bản” của Hải quan Thâm Quyến thông báo về việc cấm nhập khẩu ớt của Việt Nam từ ngày 1/4/2021 theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Ngay sau khi nhận được hình ảnh này, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã khẩn trương làm việc, xác minh thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu).
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu khẳng định hình ảnh “văn bản” trên là giả mạo, không phải do phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành.
Ngoài ra, nội dung trong hình ảnh “văn bản” trên có nhiều lỗi về thể thức và ngôn ngữ, nhận định sơ bộ có dấu hiệu chỉnh sửa hình ảnh.
Tuy vậy, theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, hoạt động xuất khẩu ớt đi thị trường Trung Quốc từ tháng 5/2020 cũng đang gặp vướng mắc về kiểm nghiệm, kiểm dịch.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất phương án tháo gỡ các vướng mắc nêu trên nhằm đưa hoạt động xuất khẩu sản phẩm ớt Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trở lại bình thường.
Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu rau quả
Bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam vẫn diễn ra khá sôi động trong 3 tháng đầu năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 3/2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 380 triệu USD, tăng 6,3% so với tháng 3/2020. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Về thị trường, hàng rau quả xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021, đạt 352,83 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 62,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.
Các thị trường khác như: Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… cũng có tín hiệu khả quan. Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Australia và Malaysia tăng rất mạnh. Trị giá xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 12,87 triệu USD, tăng 43,1%; thị trường Australia đạt 11,9 triệu USD, tăng 30,6%; thị trường Malaysia đạt 9,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Các chuyên gia đánh giá, từ đầu năm 2021, ngành hàng rau quả của Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng lớn khác, như: Ai Cập, Kuwait, Ukraine, Senegal... Đây kỳ vọng sẽ là những thị trường giúp ngành hàng rau quả Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Đà Nẵng xử lý hơn 800 vụ buôn lậu, gian lận thương mại
Ngày 31/3, tại buổi làm việc với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 389 TP. Đà Nẵng đã báo cáo kết quả thực hiện các chuyên đề, kế hoạch cùng những thuận lợi, khó khăn trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thời gian qua.
Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Trịnh Mạnh Cường đánh giá cao những thành tích đạt được của Ban chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng; đồng thời, lưu ý các lực lượng tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều thủ đoạn buôn lậu trên địa bàn thành phố.
Cụ thể như dùng hóa đơn giả để hợp thức hóa hàng nhập lậu; lợi dụng việc doanh nghiệp nhập khẩu được phân luồng xanh nhập lậu hàng gia dụng, điện tử; mua bán, sử dụng xe ô tô biển ngoại giao, biển nước ngoài không đúng quy định, không nộp thuế; vận chuyển hàng lậu qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh; làm giả nhãn hiệu các loại hàng hóa đắt tiền...
Trong đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Tân Sửu vừa qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra 819 vụ, xử lý hành chính 613 vụ với tổng số tiền phạt, truy thu thuế và bán hàng thanh lý gần 20 tỷ đồng; tạm giữ và tịch thu nhiều hàng hóa có giá trị ước tính hơn 16 tỷ đồng.
Hải quan giám sát chặt chẽ, xử lý các lô hàng cá tầm nhập khẩu
Ngày 30/3, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu; hàng hóa chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
Đây là một trong những nội dung được Tổng cục Hải quan chỉ đạo tới các Cục hải quan địa phương để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ cá tầm nhập khẩu, kịp thời ngăn chặn việc nhập khẩu cá tầm không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiến hành điều tra, xác minh, xử lý đối với các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vi phạm Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Tiêu hủy cá tầm nhập lậu. (Nguồn: Vietnamplus) |
Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan hải quan lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu ngay tại cửa khẩu; không cho phép doanh nghiệp đưa hàng về kiểm dịch tại các địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp đến khi có kết quả giám định của các đơn vị liên quan để đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Qua thời gian theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trường thủy sản 1 đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cho thấy thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan (cá tầm Siberia, tên khoa học: Acipenser baerii).
Cơ hội để hàng Việt thâm nhập thị trường Singapore
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, Singapore là một thị trường tiêu dùng tương đối nhỏ (chỉ 6 triệu dân) nhưng lại tập trung nhiều công ty đa quốc gia và là một trung tâm thông tin, thương mại, tài chính, trung tâm logistics lớn của khu vực và toàn cầu.
Hiện nay, có đến 21/25 nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới có trụ sở tại Singapore, đồng thời đây cũng là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn, là cửa ngõ rất quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Xuất khẩu hàng vào Singapore, ngoài phục vụ người tiêu dùng bản địa, các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội lớn hơn là tiếp cận được những đối tác, người mua, khách hàng quốc tế đang hiện diện tại nước này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, tham gia vào thương mại điện tử (TMĐT), doanh nghiệp có độ tương tác cao với người tiêu dùng để có thể linh hoạt điều chỉnh sản xuất theo thị hiếu; không bị đọng vốn vì thanh toán trực tiếp, chi phí ban đầu bỏ ra thấp, toàn quyền kiểm soát thương hiệu.
Hiện ở Singapore, có rất nhiều sàn TMĐT đang hoạt động như Shopee, Lazada, Amazon.sg, Qoo10, Ezbuy, Ebay. Hầu hết các sàn đều cho phép đóng gói và kiện toàn dịch vụ từ nước ngoài. Chi phí phải trả cho các sàn giao dịch TMĐT là 7,5% giá trị giao dịch, không kể chi phí vận chuyển.
Để đưa hàng vào thị trường Singapore nói chung và hệ thống các sàn TMĐT ở Singapore nói riêng, doanh nghiệp Việt Nam có thể tự thành lập công ty ở Singapore hoặc tìm được nhà nhập khẩu Singapore và nhà nhập khẩu tự làm các thủ tục nhập khẩu, đưa hàng vào hệ thống bán lẻ/ TMĐT.
Hiệp định UKVFTA sẽ có hiệu lực từ 1/5/2021
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời cùng Vương quốc Anh trong ký kết và thực hiện các thủ tục để Hiệp định UKVFTA có hiệu lực sớm nhất.
Đặc biệt, việc Chính phủ Việt Nam mới đây đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định UKVFTA sẽ giúp Hiệp định có hiệu lực chính thức trong thời gian sớm (Hiệp định đang có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021).
Việt Nam sẽ hoàn tất quy trình thông báo về việc phê duyệt Hiệp định cho phía Vương quốc Anh trong tháng 3/2021 để Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 1,024 tỷ USD, tăng 20,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, Hiệp định UKVFTA đã tạo ra động lực quan trọng trong việc phục hồi trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm nay.