EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô xuất khẩu. (Nguồn: Báo Công Thương) |
EU đưa ra 9 cảnh báo về an toàn thực phẩm với rau quả Việt Nam
TS. Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) - cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm thay đổi các biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch.
So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất, với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Xếp tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ. Chia theo nhóm lĩnh vực, có 319 trong tổng số 504 thông báo liên quan đến các thay đổi liên quan đến thực vật, chiếm khoảng 63%. Đây cũng là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.
Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, mỗi thị trường sẽ có một bộ tiêu chuẩn cũng như đối tượng quan tâm khác nhau. Ví dụ, Nhật Bản có 5 bộ luật, 3 quy định về chất lượng an toàn thực phẩm, Hoa Kỳ có 4 quy định khung, còn ASEAN lại chủ yếu quan tâm đến các vấn đề kiểm dịch động vật.
Phân tích một số cảnh báo của thị trường EU đối với sản phẩm rau quả tươi và đã chế biến, ông Ngô Xuân Nam cho biết từ tháng 1-6/2022, trên toàn thế giới có 2.251 cảnh báo đối với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU, trong đó chỉ có 40 (chiếm 1,77%) cảnh báo đối với hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam, riêng mặt hàng rau quả có 9 cảnh báo, chiếm 22,5% tổng số cảnh báo đối với Việt Nam.
Kết quả tổng hợp cho thấy các cảnh báo tập trung vào vi phạm dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định của EU, chỉ có 1 cảnh báo vi phạm cảm quan, 1 cảnh báo vi phạm aflatoxin... trong quá trình sơ chế, chế biến.
Ông Nam nhấn mạnh, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô xuất khẩu. “Vừa qua, tại phiên họp thứ 83 Ủy ban về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) - WTO, chúng tôi đã làm việc với EU về vấn đề này. Phía bạn cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản”, ông Nam nói.
Chanh leo xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cần đáp ứng quy định gì?
Chiều 7/7, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị Công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc và tập huấn các quy định liên quan.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật), chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 6.000 ha với sản lượng 300.000-400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía bắc, Tây Nguyên… Việt Nam có bộ chanh leo tương đối phong phú, nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm.
Ngoài ăn tươi, các sản phẩm chế biến từ chanh leo cũng được người tiêu dùng các thị trường ưa chuộng. Châu Âu đang là đối tác lớn nhất nhập khẩu chanh leo của Việt Nam.
Tin liên quan |
Đề xuất 4 giải pháp hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc |
Từ năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật đã khởi động quá trình đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong gần 6 năm qua, hai bên đã phối hợp tích cực để xúc tiến quá trình phân tích nguy cơ dịch hại và trao đổi thông tin, đi đến thống nhất về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo nhập khẩu vào Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2022.
Chanh leo là quả thứ mười của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, cùng với thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Theo thỏa thuận về yêu cầu kiểm dịch thực vật, trước mắt Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), bao gồm: Hữu Nghị quan, Pò Chài, Ga Đường sắt Bằng Tường, Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, ngoài các yêu cầu về kiểm dịch thực vật trước xuất khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo phải được đăng ký và phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật, thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép và lưu trữ hồ sơ, giám sát sinh vật gây hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh phòng chống dịch Covid-19… Đặc biệt, cán bộ kỹ thuật phải được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.
Để đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật sẽ thống nhất cấp mã số các vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình nhập khẩu quả chanh leo của Việt Nam để làm cơ sở cho các bước tiếp theo, tiến tới ký kết Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc, góp phần phát triển thương mại giữa hai nước.
Tiếp theo thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi hồ sơ để đưa quả chanh leo sang thị trường Australia và Mỹ.
Cửa khẩu Kim Thành II thông quan trở lại từ 6/7
Từ ngày 6/7, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) diễn ra bình thường. Như vậy, sau hơn 1 ngày tạm dừng, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) được nối lại.
Theo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai, thời gian thông quan qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành dự kiến kéo dài đến 22h. Việc thông quan nhằm giải quyết hàng hóa đang nằm tồn ở khu vực cửa khẩu như: ván bóc, tinh bột sắn, thanh long, vải thiều….
Trước đó, ngày 4/7, hoạt động thông quan buộc tạm dừng do phía Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 trên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Thống kê của Hải quan cửa khẩu Kim Thành cho thấy, từ ngày 27/6 đến 3/7, đã có hơn 3.000 tấn trái cây gồm: vải thiều, thanh long, chuối, xoài được xuất sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 25 phương tiện vận chuyển trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Thị trường Thụy Điển đang rộng mở
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thụy Điển trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 489,5 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng: sản phẩm từ sắt thép; điện thoại các loại và linh kiện; giày dép; hàng dệt may; nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng thủy sản; sản phẩm mây tre cói và thảm…trong đó xuất khẩu đạt trị giá cao nhất là nhóm mặt hàng: điện thoại các loại và linh kiện trị giá 147,2 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2022, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 30% tỷ trọng xuất khẩu.
Tin liên quan |
Nhiều dư địa cho chè Việt Nam tại thị trường Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á |
Đứng thứ hai là nhóm hàng sản phẩm từ sắt thép đạt 52,9 triệu USD, tăng 189,8%, chiếm 10,8% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là nhóm hàng dệt may, đạt 48,8 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 9,9% tỷ trọng xuất khẩu.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 35,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 28,6%; giày dép tăng 18,1%; hàng thủy sản tăng 24,9%.
Thụy Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa của Việt Nam, khi mà các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hoàn toàn tương thích với nhu cầu nhập khẩu của Thụy Điển.
Mặc giá gạo thế giới “nhảy múa”, gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn trụ vững
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, bước sang tháng 7/2022, giá gạo xuất khẩu tăng, giảm trái chiều tại một số quốc gia. Trong đó, nếu như gạo 5% tấm có dấu hiệu hồi phục, thì giá gạo 25% tấm và 100% tấm của Thái Lan và Pakistan lại tiếp tục lao dốc, trong đó gạo Pakistan giảm mạnh nhất: Giảm 8 USD/tấn đối với gạo 25% tấm, giảm 4 USD/tấn đối với gạo 100% tấm.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định ở mức lạc quan, trong khi nhiều loại gạo của các nước "lao dốc". (Nguồn: Báo Người Lao động) |
Tuy nhiên, sau phiên giảm sâu tới 25 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, thì bước sang đầu tháng 7, loại gạo này của Pakistan đã tăng 9 USD/tấn, bán ra với giá 388 USD/tấn.
Gạo Thái Lan cũng đang biến động thất thường với những đợt điều chỉnh tăng, giảm khó dự đoán. Ngày 4/7/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan đang được chào bán với giá 413 USD/tấn (tăng 1 USD/tấn), nhưng gạo 100% tấm bị điều chỉnh giảm 2 USD/tấn, bán ra với giá 387 USD/tấn.
Ngược với sự “nhảy múa” của giá gạo Thái Lan và Pakistan, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ổn định và hiện đang tiếp tục dẫn đầu thị trường: Gạo 5% tấm xuất khẩu với giá 418 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 5 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan 30 USD/tấn; gạo 25% tấm của Việt Nam xuất khẩu với giá 403 USD/tấn, tương đương gạo Thái Lan, cao hơn gạo Pakistan 35 USD/tấn; gạo 100% tấm của Việt Nam xuất khẩu với giá 383 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan 17 USD/tấn nhưng thấp hơn gạo Thái Lan 4 USD/tấn.
Các thương nhân dự báo, xuất khẩu gạo sẽ sôi động hơn từ nửa cuối năm 2022, khi nhu cầu thu mua gạo dự trữ của nhiều quốc gia tăng cao.
| Bloomberg tin 'cường quốc xuất khẩu' Việt Nam sẽ vượt mục tiêu tăng trưởng; xuất khẩu cá tôm tăng trưởng ấn tượng; chanh leo Việt ... |
| Xuất khẩu “tăng tốc”, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu; Việt Nam sẽ thành cứ điểm xuất khẩu nhờ "cú bứt tốc ngoạn ... |