Thống kê sơ bộ trong tháng 11, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 49,62 tỷ USD, giảm 3,8% so với tháng trước. (Nguồn: Lao Động) |
Rươi Việt Nam lần đầu "xuất ngoại" sang Trung Quốc
Rươi, một đặc sản được coi là “lộc trời” ở những vùng nước lợ như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình… lần đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo Chi cục Hải quan Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, lô hàng rươi đầu tiên đã được xuất khẩu sang Trung Quốc qua Móng Cái. Tính đến nay, lượng rươi xuất khẩu sang Trung Quốc qua địa bàn Móng Cái đạt trên 250 tấn, trị giá trên 38 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Nga, Chi cục phó Chi cục Hải quan Móng Cái, mặt hàng rươi xuất khẩu đều là rươi sống, đóng trong các hộp xốp do các tư thương thu gom từ phía trong nội địa chuyển sang.
Cũng theo bà Chi, từ năm nay, phía Trung Quốc mới đưa rươi vào trong danh sách các mặt hàng thủy sản được nhập khẩu qua đường biên mậu. Đây là kết quả của các cuộc đàm phán, làm việc giữa các lực lượng chức năng và chính quyền hai bên trong thời gian qua. Hiện, các đơn vị liên quan phía Trung Quốc cũng đang xem xét để đưa thêm một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam vào danh mục hàng được nhập khẩu.
Hiện, giá rươi mua lẻ tại các chợ tại Việt Nam dao động từ 350.000-500.000 đồng/kg.
Xuất nhập khẩu đạt gần 490 tỷ USD
Thông tin của Tổng cục Hải quan cho biết, thống kê sơ bộ trong tháng 11, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 49,62 tỷ USD, giảm 3,8% so với tháng trước.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 25,14 tỷ USD, giảm 7,8% và tổng trị giá nhập khẩu là 24,48 tỷ USD, tăng nhẹ 0,7%. Đáng chú ý, tổng trị giá xuất nhập khẩu có thuế của cả nước trong tháng 11 đạt 10,44 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng trước. Trị giá nhập khẩu có thuế đạt 10,01 tỷ USD, tăng 8%.
Lũy kế đến hết tháng 11, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đã đạt 489,55 tỷ USD, tăng 3,6% (tương ứng tăng 16,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 254,85 tỷ USD, tăng 5,4% và tổng trị giá nhập khẩu là 234,7 tỷ USD, tăng 1,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11 thặng dư 661 triệu USD.
Như vậy, tính chung trong 11 tháng, cán cân thương mại của Việt Nam đã thặng dư 20,15 tỷ USD, gần gấp đôi con số thặng dư 10,76 tỷ USD của 11 tháng năm trước, cao nhất từ trước đến nay.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 254,93 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,05 tỷ USD, tăng 1,6; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,88 tỷ USD, tăng 7,1%. Trong 11 tháng, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, ở góc độ ngành hàng, trong 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung với kim ngạch ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 44,5%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 14,1%...
Trái lại, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng khác sụt giảm do tác động của dịch Covid-19 như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 3,4%; hàng dệt và may mặc giảm 10,5%; giày dép các loại giảm 9,8%; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù giảm 17,9%...
Về thị trường, 11 tháng qua, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Xuất khẩu cà phê thu về hơn 2,32 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2020, cả nước xuất khẩu trên 1,34 triệu tấn cà phê, thu về hơn 2,32 tỷ USD, giá trung bình 1.733 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 10/2020, cả nước xuất khẩu cà phê, thu về 168,73 triệu USD giảm 8,4% về lượng, giảm 10,3% kim ngạch và giảm 2,1% về giá so với tháng 9/2020.
Xuất khẩu cà phê trong tháng 10/2020 sang đa số các thị trường lớn sụt giảm so với tháng 9/2020, trong đó, giảm mạnh ở một số thị trường: Mỹ, Italy, Nga...
Tuy nhiên, vẫn có một số thị trường xuất khẩu cà phê lại tăng trong tháng 10/2020 như, Anh tăng 156% về lượng và tăng 103% về kim ngạch, Malaysia tăng 58% về lượng và tăng 245% về kim ngạch… Tính chung cả 10 tháng đầu năm, Đức, Đông Nam Á, Mỹ là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,1%; 12,6% và 9,3%.
Trong 10 tháng năm 2020, xuất khẩu cà phê sang các thị trường chủ đạo tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ như: Đức tăng 1% cả về lượng và kim ngạch, đạt 196.870 tấn, tương đương 303,9 triệu USD; Nhật Bản tăng 13,6% về lượng và tăng 16,5% kim ngạch, đạt 90.832 tấn, tương đương 159,07 triệu USD; Italy tăng 5% về lượng và tăng 3,8% kim ngạch, đạt 124.569 tấn, tương đương 196,05 triệu USD.