📞

Xuất khẩu ngày 5-8/10: Hàng dệt may nguy cơ bị EAEU áp biện pháp phòng vệ ngưỡng; ô tô nhập thấp kỷ lục, giá rau quả Việt sang Nga tăng 32%

Hải An 06:45 | 08/10/2021
Hàng dệt may Việt Nam có nguy cơ bị EAEU áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng; nhập khẩu ô tô tháng 9/2021 thấp kỷ lục, giá rau quả chế biến sang Nga tăng 32,8%… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 5-8/10.
Xuất khẩu ngày 5-8/10: Mặt hàng dệt may có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. (Nguồn: Báo Đấu thầu)

Khuyến cáo doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi xuất khẩu sang EAEU

Bộ Công Thương vừa đưa ra khuyến cáo tới doanh nghiệp Việt Nam việc Bộ mới nhận được công hàm số 14-575 của Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) thông báo các mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) vượt mức ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2021 trong 7 tháng năm 2021 theo quy định tại Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU (VN-EAEU FTA).

Cụ thể, nhóm đồ lót mã HS 6107, 6108, 6207, 6208, 6112 đạt 175% mức ngưỡng quy định; nhóm váy, đầm, quần áo phụ nữ (mã HS 6104.41, 6104.42, 6104.43, 6104.44, 6104.49, 6204.42, 6203.43, 6204.44, 6204.49) đạt 105% mức ngưỡng quy định.

Ngoài ra, nhóm bộ comple, áo jacket, áo khoác thể thao, quần dài mã HS 6103 41, 6103 42, 6103 43, 6103 49, 6104 51, 6104 52, 6104 53, 6104 59, 6104 61, 6104 62, 6104 63, 6104 69, 6203 41, 6203 42, 6203 43, 6203 49, 6204 51, 6204 52, 6204 53, 6204 59, 6204 61, 6204 62, 6204 63, 6204 69 đạt 100% mức ngưỡng quy định.

Theo Điều 2.10 của VN-EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. Theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế theo chế độ tối huệ quốc (MFN) trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.

Hiện tại, theo Quyết định số 85 ngày 6/7/2021 của Hội đồng EEC về việc áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, có hiệu lực từ ngày 7/8/2021, 2 nhóm hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam không được hưởng mức thuế ưu đãi 0% theo VN-EAEU FTA khi xuất khẩu sang thị trường EAEU trong vòng 6 tháng do vượt ngưỡng quy định cho năm 2020.

Theo đó, nhóm váy, đầm, quần áo phụ nữ mã HS 6104.41.000.0, 6104.42.000.0, 6104.43.000.0, 6104.44.000.0, 6104.49.000.0, 6204.42.000.0, 6204.43.000.0, 6204.44.000.0, 6204.49.100.0, 6204.49.900.0 theo mã HS của EAEU; nhóm hàng dệt may mã HS 6110.

Nhập khẩu ô tô chạm đáy

Số lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam tháng 9 vừa qua thấp kỷ lục, nhiều doanh nghiệp bán xe hy vọng tháng 10 sức mua sẽ tăng trở lại.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2021 mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu chỉ đạt 6 nghìn chiếc, trị giá đạt 160 triệu USD.

Lượng nhập khẩu ô tô giảm 38,1% về lượng và và giảm 27,9% về trị giá so với tháng trước.

Ước tính đến hết tháng 9/2021, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 112 nghìn chiếc, trị giá đạt 2,51 tỷ USD.

Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 8/2021 đạt 7,3 nghìn chiếc, trị giá đạt 185 triệu USD, giảm 49,3% về lượng và và giảm 35,6% về trị giá so với tháng 7.

Số liệu đã dẫn cho thấy lượng xe nhập khẩu các tháng 7, 8 và 9 liên tục giảm, lượng xe về cảng tháng 9 đã chạm đáy kể từ đầu năm.

Đại dịch bùng phát trong quý III năm nay là nguyên nhân chính, khiến lượng tồn kho tăng lên, kế hoạch nhập khẩu bị hãng xe mạnh tay cắt giảm.

So sánh số liệu sản xuất và nhập khẩu (CKD + CBU) với doanh số tiêu thụ do các hãng xe báo cáo, lượng tồn kho tháng 7/2021 lên đến 19.352 xe, tăng gấp ba lần so với lượng tồn kho tháng 6 (6.838 xe).

Xuất khẩu sang Indonesia tăng 44,2%

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sang Indonesia trong 8 tháng đầu 2021 của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch 2,51 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu thống kê ghi nhận, trong 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 8 tháng đầu năm nay sang Indonesia (với tổng giá trị kim ngạch đạt 1,81 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu) thì có 8 nhóm có giá trị kim ngạch tăng trưởng.

Sự tăng trưởng mạnh nhất ghi nhận ở nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với mức tăng 127,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị kim ngạch là 328,38 triệu USD. Tiếp đến là chất dẻo nguyên liệu, xơ, sợi dệt các loại với các mức tăng và giá trị kim ngạch tương ứng là 107,5%, đạt 201,93 triệu USD và 91,2%, đạt 78,43 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia trong tháng 8/2021 đạt 624,44 triệu USD, giảm 9,5% so với tháng 7/2021.

Trong số 10 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất từ Indonesia trong kỳ có tới 7 nhóm có giá trị kim ngạch giảm. Trong đó, ô tô nguyên chiếc và phụ tùng ô tô là nhóm hàng có giá trị kim ngạch giảm nhiều nhất, tương ứng với các mức giảm lần lượt là 55,7%, đạt 381,75 triệu USD và 39,5%, đạt 137,6 triệu USD.

Bên cạnh đó, 3 nhóm hàng có giá trị nhập khẩu tăng trưởng là: Than các loại tăng 30,4%, đạt giá trị 935,32 triệu USD; sắt thép các loại tăng 8,6%, đạt 300,35 triệu USD và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 17% và đạt giá trị kim ngạch 169,75 triệu USD.

Tính chung, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 từ Indonesia đạt giá trị 4,39 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng năm trước.

Rau quả chế biến Việt Nam xuất khẩu sang Nga tăng giá

Giá trung bình hàng rau quả chế biến Nga nhập khẩu từ Việt Nam đạt 1.011,2 USD/tấn, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan Nga cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, trị giá nhập hàng rau quả chế biến (mã HS 20) của Nga đạt 599 nghìn tấn, trị giá 746,4 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Giá nhập khẩu hàng rau quả chế biến bình quân đạt 1.246,0 USD/tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá trung bình hàng rau quả chế biến Nga nhập khẩu từ Việt Nam đạt 1.011,2 USD/tấn, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020. (Nguồn: KT&DB)

Nga nhập hàng rau quả chế biến nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng và trị giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm trong 7 tháng đầu năm 2021, đạt 119 nghìn tấn, trị giá 110,9 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Giá nhập khẩu hàng rau quả chế biến bình quân từ Trung Quốc ở mức thấp, đạt 935,2 USD/tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là các thị trường như Belarus, Ba Lan, Iran…

Việt Nam là thị trường cung hàng rau quả chế biến lớn thứ 6 cho Nga, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ chiếm 5% tổng lượng nhập khẩu, cho dù lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm 2021.

Đáng chú ý, giá trung bình hàng rau quả chế biến Nga nhập khẩu từ Việt Nam đạt 1.011,2 USD/tấn, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam là đối tác ký FTA đầu tiên với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Nga là thành viên với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm, trong đó 59,3% được xóa bỏ. Đây là cơ hội tốt đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, trong đó có rau quả chế biến là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sang Nga.

7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam cung cấp nhiều nhất chủng loại hàng rau quả chế biến (mã HS 2008) cho Nga, đạt 84 nghìn tấn, trị giá 149,8 triệu USD, tăng 6,3% về lượng và tăng 10,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

(tổng hợp)