Gạo Việt đang có thế mạnh so với gạo Thái Lan, Ấn Độ tại thị trường Bắc Âu. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Chìa khóa xuất khẩu gạo Việt vào thị trường Bắc Âu
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây vào Bắc Âu là mặt hàng gạo.
Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thuỵ Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Do tác động tích cực của Hiệp định EVFTA, mặt hàng gạo của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên thị trường như gạo Ấn Độ, Thái Lan.
Bên cạnh đó, Thương vụ cũng đã tích cực xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nhập khẩu gạo Việt Nam để được hưởng lợi thuế quan.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, thị trường gạo Bắc Âu khá nhỏ. Ngoài việc cạnh tranh các loại gạo thông thường với Thái Lan và Campuchia, các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu thị trường ngách, đối với những loại gạo có ít cạnh tranh hơn. Ví dụ, trong thời gian vừa qua, Thương vụ đã thành công trong việc bước đầu đưa gạo Japonica vào thị trường Thụy Điển.
Tin liên quan |
Tín hiệu vui cho gạo Việt Nam tại thị trường EU |
Hiện nay, doanh nghiệp khu vực này thường mua gạo Japonica từ các nước trồng gạo trong khu vực EU như Tây Ban Nha, Italy, hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ.
Tuy nhiên, gạo Japonica Việt Nam chất lượng không thua kém gạo cùng loại của Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý nhưng giá chỉ từ 1/3-1/2. Do vậy, khi được giới thiệu và nhập khẩu thử, các doanh nghiệp đều hào hứng với loại gạo này của Việt Nam.
“Hiệp định EVFTA công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý với một số loại gạo của Việt Nam. Gạo ST24, ST25 được giải thưởng gạo ngon thế giới. Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu đưa các loại gạo này vào thị trường Bắc Âu với thương hiệu Gạo đặc sản Việt Nam”, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển chỉ rõ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cố gắng tạo ra nhiều loại sản phẩm độc đáo, kết hợp một giống lúa độc đáo với các phương pháp sản xuất hữu cơ, bền vững và tác động đến kinh tế xã hội. Đồng thời nhận thức rằng thị trường cho loại gạo đặc sản này còn rất nhỏ và đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Gạo đặc sản có chứng nhận hữu cơ hoặc thương mại công bằng cũng sẽ làm tăng giá trị sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường Bắc Âu.
Kiểm tra xem địa điểm sản xuất lúa gạo có những lợi thế cụ thể để sản xuất gạo thơm hoặc đặc sản, chẳng hạn như khí hậu hoặc thổ nhưỡng. Điều kiện địa phương có thể khiến sản phẩm trở thành gạo đặc sản và kể những câu chuyện gắn với sản phẩm.
Trung Quốc tăng nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam
Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam”, diễn ra sáng 8/6, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết: trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt hơn 1,4 USD, giảm 17% so với 5 tháng đầu năm 2021.
Đặc biệt, xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2022 sang thị trường Trung Quốc đạt chỉ 625 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác vẫn tăng, đáng chú ý, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hoa Kỳ tăng 52%.
Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc khiến tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm 2022 giảm sâu.
Đáng chú ý, theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong thời gian qua, trong bối cảnh các mặt hàng rau quả nói chung sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, thì riêng mặt hàng trái chuối đã biểu hiện bước phát triển vượt bậc. Trong 5 tháng 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742 nghìn tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Philippines với 28%.
Lý giải về nguyên nhân Trung Quốc gia tăng nhập khẩu trái chuối từ thị trường Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên cho hay, Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn các nước khác, đây là một yếu tố vô cùng thuận lợi.
Trong khi đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng, dẫn đến sự gia tăng về thị phần nhập khẩu.
Mặt khác, ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh do phải sử dụng các loại giống kháng bệnh.
Khẳng định Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với nông sản nói chung và trái cây nói riêng, Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực. Để gia tăng thị phần nhập khẩu của thị trường này, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, các mặt hàng nông sản Việt Nam cần cải thiện chất lượng.
“Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách “Zero-Covid” trong thời gian từ cuối năm nay đến đầu năm sau, khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả mới có thể tăng lên. Còn hiện nay, chính sách này vẫn sẽ gây khó khăn cho rau quả của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực”, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Cơ hội "vàng" cho cá tra Việt Nam từ cuộc khủng hoảng lương thực EU
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đã khởi sắc trở lại sau hơn ba năm ảm đạm.
Cụ thể, tính đến nửa đầu tháng 5/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường này đạt 76,8 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hà Lan là thị trường có sức hút mạnh nhất, chiếm 31,7% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU.
Chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, bà Tạ Hà phân tích: Ảnh hưởng lan truyền của chiến sự Ukraine đã được cảm nhận rõ trên toàn thế giới. Từ việc làm rung chuyển thị trường năng lượng đến thúc đẩy cuộc khủng hoảng tị nạn gia tăng ở châu Âu.
Các chuyên gia cảnh báo, cuộc xung đột này có thể gây ra nhiều tác động lớn hơn, bao gồm cả việc châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lương thực cận kề.
Cho tới nay, Hà Lan vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam. (Nguồn: VnEconomy) |
Trong khi đó, EU là đối tác thương mại chính của sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủy sản với Nga và Ukraine. Cho nên giờ đây Liên minh châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa về an ninh lương thực. Dự báo giá lương thực ở châu Âu sẽ tăng lên mức chưa từng có.
Hơn nữa, việc nhiều quốc gia EU và Mỹ đang “trừng phạt” cá minh thái của Nga - vốn là sản phẩm cạnh tranh mạnh với cá tra cũng khiến cho nguồn cung cá thịt trắng của khu vực này bị giảm đáng kể. VASEP cho rằng, đây là cơ hội để doanh nghiệp cá tra quay lại thị trường này sau nhiều năm bị chững lại.
Theo bà Tạ Hà, cho tới nay, Hà Lan vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm cá tra đa dạng sang thị trường này, trong đó có sản phẩm GTGT như: Cá tra tẩm bột chiên đông lạnh, cá tra cắt khúc đông lạnh; cá tra fillet cắt miếng (Cubes) đông lạnh, cá tra phile cuộn đông lạnh; cá tra phile cắt nugget đông lạnh, cá tra phi lê cuộn hoa hồng đông lạnh, cá tra tẩm bột hương bia chiên đông lạnh, philê cá tra organic đông lạnh.
Hiện nay, ngoài Hà Lan, doanh nghiệp cá tra đang xuất khẩu cá tra đông lạnh sang Đức, Tây Ban Nha, Bỉ… với chiều hướng khả quan và tích cực.
Chanh leo Việt Nam được "cấp visa" sang Trung Quốc
Trung Quốc vừa chấp thuận cho chanh leo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sau thời gian dài đàm phán.
Thông tin trên vừa được ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết. Đây sẽ là bước tiến giúp hoạt động tiêu thụ nông sản này tích cực hơn.
Tin liên quan |
Chanh leo Việt Nam sắp có mặt tại thị trường Australia |
Tại diễn đàn kết nối nông sản 970 mới đây, ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, cho hay tỉnh này vừa đưa chanh leo vào danh sách một trong 4 cây ăn quả chủ lực của tỉnh và có diện tích lớn nhất cả nước với 4.000 ha. Đến 2025, tỉnh này định hướng phát triển cây chanh leo lên 20.000 ha, trở thành thủ phủ chanh leo lớn nhất cả nước.
Theo Cục Trồng trọt, chanh leo nằm trong top 10 loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021.
Năm năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đã tăng hơn 300%. Xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam chỉ đứng sau Brazil, Peru, Ecuador.
Hiện, chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như: Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ. Bộ đang đàm phán mở cửa thị trường cho chanh leo quả tươi vào các thị trường lớn khác như Australia, Nhật Bản, Thái Lan.
Năm nay, sản lượng chanh leo ước tính đạt 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk. Đây là cây trồng được các địa phương đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận mỗi ha chanh leo lên tới 350-400 triệu đồng.
Bên cạnh chanh leo, sầu riêng cũng đang được Trung Quốc dự thảo nghị định thư, dự kiến ký trong năm nay. Với thị trường Mỹ, quả bưởi cũng đang hoàn tất các bước cuối cùng để được xuất khẩu.
| Trung Quốc: Xuất khẩu hết thời bùng nổ, tiền 'chảy' sang các đối thủ cạnh tranh tại Đông Nam Á Sau hai năm đạt mức xuất khẩu kỷ lục, các nhà sản xuất Trung Quốc lo lắng khi người tiêu dùng đang hạn chế chi ... |
| Thêm cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu sang Italy Tối 7/6, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Kết nối DN sản ... |