Xuất khẩu rau quả có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. (Nguồn: Fitness) |
Trung Quốc đứng đầu thị trường nhập khẩu rau quả Việt
Theo TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2020 và tháng 1/2021, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2020 với 56,3% thị phần.
Tiếp đến là thị trường Mỹ, đạt 168,8 triệu USD (chiếm 5,2%, tăng 12,5%); Thái Lan đạt 157,2 triệu USD (chiếm 4,8%, tăng 109,7%); Hàn Quốc đạt 143 triệu USD (chiếm 4,4%, tăng 8,5%); Nhật Bản đạt 127,7 triệu USD (chiếm 3,9%, tăng 4,3%).
Thông tin thêm về các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Toản cho hay, năm 2020, thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất là Campuchia (tăng 142%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Lào (giảm 45,5%).
“Diễn biến dịch Covid-19 khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam, đặc biệt là khó khăn về việc thay đổi thị hiếu và thủ tục nhập khẩu bị siết chặt do dịch bệnh. Doanh nghiệp cần tăng cường giám sát chất lượng hàng hoá, tránh vi phạm quy định của các nước về tiêu chuẩn, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm để quá trình thông quan không bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Xe ô tô nhập khẩu giảm 52,7% tháng cận Tết
Theo Báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2021, Việt Nam nhập khoảng 6.000 xe hơi nguyên chiếc, giảm hơn 52,7% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hơn 191 triệu USD.
So với tháng 1/2020, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam tăng hơn 1.500 chiếc, tuy nhiên, so với tháng 12/2020, xe nhập về tháng 1/2021 giảm mạnh trên 6.600 chiếc.
Lượng xe nhập giảm mạnh chủ yếu do mất nguồn cung từ hai thị trường xe nhập lớn nhất là Thái Lan và Indonesia, các mẫu xe của hai đối tác lớn này về Việt Nam năm 2020 giảm đến 40%, nhiều mẫu xe trước đây có doanh số cao, cạnh tranh tốt trên thị trường hiện rơi vào cảnh bị cạnh tranh bởi xe lắp ráp hoặc mất doanh số, ế ẩm.
Năm 2020, doanh số bán toàn thị trường xe hơi Việt chưa đạt 400.000 xe, con số thấp hơn kỳ vọng và chưa bứt phá so với năm 2020. Điều này cho thấy thị trường xe năm 2021 còn nhiều khó khăn, thách thức.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2020, xe nhập về nước đạt 105.200 chiếc, giảm hơn 34.200 chiếc so với cùng kỳ, trong đó, chỉ có gần 75.600 xe con, giảm hơn 26.800 xe con.
Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá 8,05% ống đồng của Việt Nam
Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng (mã HS: 7411.10.1030; 7411.10.1090; 7407.10.1500; 7419.99.5050, 8415.90.8065; 8415.90.8085) có xuất xứ từ Việt Nam.
Theo kết luận sơ bộ, DOC cho rằng, ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá tại Mỹ với biên độ 8,05%. Biên độ này thấp hơn nhiều so với cáo buộc ban đầu của nguyên đơn (110%) và thuế chống bán phá giá mà Mỹ đang áp dụng với mặt hàng ống đồng của Trung Quốc (mức thuế cao nhất là 60%).
Căn cứ kết luận nêu trên, Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ với thuế suất tương ứng là 8,05%.
DOC cũng cho biết, do bối cảnh dịch Covid-19, DOC sẽ không tiến hành thẩm tra tại chỗ. Thay vào đó, DOC sẽ thẩm tra các thông tin làm căn cứ ra quyết định cuối cùng dựa trên các phương thức thay thế khác.
DOC sẽ thông báo thời hạn để các bên liên quan có thể nộp ý kiến bình luận bằng văn bản. Đồng thời các bên liên quan cũng có thể yêu cầu tổ chức phiên điều trần bằng cách gửi yêu cầu bằng văn bản tới DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo kết luận sơ bộ.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ống đồng của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2019 và 2020 lần lượt là 151,1 triệu USD và 183,9 triệu USD, tương ứng 20.400 tấn và 24.900 tấn.
Canada áp thuế chống bán phá giá thép cốt bê tông Việt Nam
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngày 4/2, Cơ quan Hải quan và Biên giới Canada (CBSA) đã có thông báo kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cốt bê tông nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Vụ việc này đã được CBSA ra quyết định khởi xướng điều tra ngày 22/9/2020.
Kết luận sơ bộ, CBSA cho rằng, thép cốt bê tông nhập khẩu từ các nước bị điều tra đã bán phá giá vào thị trường Canada. Đối với Việt Nam, CBSA sơ bộ kết luận biên độ phá giá là từ 3,7% đến 15,4% tùy nhà sản xuất, xuất khẩu cụ thể; các nước khác từ 4,5% đến 28,4%.
Trong thời kỳ điều tra (1/6/2019 đến 30/6/2020), kim ngạch xuất khẩu thép cốt bê tông của Việt Nam đi Canada là xấp xỉ 66,5 nghìn tấn, tương đương khoảng 30 triệu USD.
Trên cơ sở kết luận sơ bộ nói trên, Canada sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời tương ứng với mức biên độ bán phá giá.
Theo đó, bản báo cáo, phân tích dữ liệu để đưa ra kết luận sơ bộ nêu trên sẽ được công bố trên trang tin của CBSA trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra kết luận sơ bộ. Kết luận cuối cùng về phá giá và về thiệt hại của vụ việc dự kiến được ban hành lần lượt vào ngày 5/5/2021 và ngày 4/6/2021.
Thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu có liên quan của Việt Nam tiếp tục hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra của Canada. Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội thép Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu và các bên liên quan theo dõi vụ việc và có các hành động cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Xuất khẩu gạo tháng 1/2021 giảm 29,5% so với cùng kỳ
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1 năm 2021 ước đạt 280 nghìn tấn với giá trị đạt 154 triệu USD, giảm 29,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 1/2021, giá gạo Việt Nam tăng nhẹ 3 USD/tấn so với cuối tháng 12/2020, lên 503 USD/tấn và duy trì mức này đến hết tháng.
Giá gạo 5% của Ấn Độ có xu hướng tăng nhẹ dần đều trong tháng từ mức 384 USD/tấn lên 388 USD/tấn vào cuối tháng. Giá gạo Thái Lan cũng tăng lên nhưng với biên động cao hơn từ mức 513 USD/tấn vào đầu tháng lên 523 USD/tấn vào cuối tháng.
Nguồn tin Reuters cho hay, nhập khẩu gạo từ Bangladesh có thể tăng vọt trong niên vụ 2020/21 so với mức 100 nghìn tấn của niên vụ trước do nguồn cung hạn chế làm giá nội địa tăng cao.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.