Xuất khẩu ngày 6-9/7: Tôm Việt giữ vị thế số 1 tại nhiều thị trường. (Nguồn: CT) |
Áp thuế chống bán phá giá tạm thời với sorbitol từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1719/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm sorbitol có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu dao động từ 39,63% - 68,50% dựa trên kết quả tính toán cụ thể.
Theo Bộ Công Thương, Bộ đã bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra từ tháng 12/2020 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 9/2020.
Kết quả điều tra cho thấy, lượng nhập khẩu sorbitol bị bán phá giá đã tăng trong giai đoạn từ 1/4/2017 đến 31/3/2020, là nguyên nhân chính gây ra sức ép đáng kể cho hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như sản lượng; hiệu suất sử dụng công suất, tồn kho, thị phần, lượng bán hàng và doanh thu bán hàng trong nước, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản, khả năng huy động vốn; dòng tiền...
Trong giai đoạn điều tra, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt so với thời gian trước đó.
Trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào quý III/2021.
Sorbitol hay còn gọi là đường đơn, Molecula formula, Glucitol, được làm từ đường glucose tinh chế dưới nhiệt độ và áp suất cao, hydro hóa với nickel, thường được dùng trong ngành thủy sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.
5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm trên 58% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tin liên quan |
Trung Quốc-Australia: Cuộc chạy đua 'ngoại giao vaccine', vòng nước rút Bắc Kinh có hụt hơi? |
Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực 6 tháng đầu năm 2021, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm: Điện thoại và linh kiện chiếm tỷ trọng cao nhất với 25,1 tỷ USD, tương đương 15,9%; nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước tính đạt 23,7 tỷ USD, chiếm 15,1%;
Nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng ước tính đạt 17 tỷ USD, chiếm 10,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 15,2 tỷ USD, chiếm 9,7%; mặt hàng giầy, dép đạt 10,4 tỷ USD.
Tôm Việt giữ vị thế số 1 tại nhiều thị trường
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 6/2021 đạt khoảng 402 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm lên 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành tôm, những thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đều gia tăng lượng nhập khẩu tôm Việt. Chính vì thế, xuất khẩu sang các thị trường này đều tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng bình quân 45%/tháng, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng trưởng 17%, Hàn Quốc tăng 10%, một số quốc gia tại châu Âu tăng từ 15 - 60%.
Hiện nay, tôm Việt Nam đang đứng vị trí số 1 tại hầu hết các thị trường, với kim ngạch vượt trội các quốc gia khác.
Tuy nhiên, tại Mỹ - thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới (chiếm 30% kim ngạch nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam), tôm Việt Nam chỉ chiếm 8,5% thị phần, đứng sau Ấn Độ, Indonesia và Ecuador.
Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam và các quốc gia vẫn đang phải ứng phó dịch bệnh, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt như hiện nay là bởi lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: FTA giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA),…
EU gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) vừa ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu.
Theo đó, EC kết luận ngành sản xuất nội địa Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục bị thiệt hại nghiêm trọng nếu không gia hạn biện pháp; các nhà sản xuất thép EU vẫn đang thực hiện điều chỉnh để thích nghi với sự gia tăng nhập khẩu thép.
Vì vậy, EC quyết định gia hạn thời gian áp dụng biện pháp tự vệ theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu thêm 3 năm và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2024.
Kết luận nêu rõ, EC tiếp tục duy trì cách thức phân bổ hạn ngạch kết hợp giữa phân bổ hạn ngạch riêng theo từng nước và hạn ngạch chung cho các nước còn lại. Thuế trong hạn ngạch là 0%, trong khi thuế ngoài hạn ngạch là 25%.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Việt Nam tiếp tục bị áp dụng TRQ chung với các nước khác theo từng quý đối với các sản phẩm thép nhóm 2 là thép tấm cán nguội; nhóm 5 là thép mạ, phủ, tráng; nhóm 9 là thép tấm không gỉ; nhóm 24 là ống thép đúc.
Đối với các nhóm sản phẩm thép khác, Việt Nam được loại trừ theo tiêu chí nước đang phát triển có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%). Trường hợp thị phần nhập khẩu một nhóm sản phẩm thép khác từ Việt Nam vào EU vượt quá 3%, nhóm này sẽ bị đưa vào danh sách áp dụng TRQ trong các lần rà soát hành chính hàng năm.
Vì thế, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu thép phải theo dõi lượng nhập khẩu để biết mức hạn ngạch còn lại khi xuất khẩu sang EU.
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (2-8/7): Trung Quốc dùng 9/71 vaccine Covid-19 nội địa; Myanmar tổ chức đấu thầu dự án điện mặt trời |
Nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt tăng 45%
Cục Xuất Nhập khẩu dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 5/2021, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 71,4 nghìn tấn, trị giá 138,08 triệu USD, tăng 70,3% về lượng và tăng 117,1% về trị giá so với tháng 5/2020.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 307,42 nghìn tấn, trị giá 602,45 triệu USD, tăng 17,7% về lượng và tăng 45% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga, Mỹ, Ấn Độ, Hà Lan và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.
Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ thị trường Nga đạt 45,75 nghìn tấn, trị giá 97,49 triệu USD, tăng 493,2% về lượng và tăng 437,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Ở chiều ngược lại, tháng 5/2021, Việt Nam xuất khẩu được 1,55 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 6,19 triệu USD, giảm 27,6% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với tháng 4/2021.
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan…
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (2-8/7): Trung Quốc dùng 9/71 vaccine Covid-19 nội địa; Myanmar tổ chức đấu thầu dự án điện mặt trời Fed có thể tăng lãi suất; Trung Quốc dùng 9/71 vaccine sản xuất trong nước; Myanmartổ chức đấu thầu quốc tế các dự án điện ... |
| Khi Mỹ vẫn là ‘thỏi nam châm’ với doanh nghiệp Trung Quốc và hành động mạnh tay của Bắc Kinh Quyết định của Bắc Kinh có thể khiến kế hoạch IPO ở Mỹ của bất kỳ công ty Trung Quốc nào cũng sẽ buộc phải ... |
| Bất động sản mới nhất: Giá nhà phố tăng vọt; 'khai tử' 7 dự án tại Vân Đồn; thuê căn hộ dịch vụ Cầu Giấy đắt nhất Hà Nội Giá nhà phố, biệt thự tại TP. Hồ Chí Minh tăng vọt nhưng thanh khoản giảm 51%; Quảng Ninh hủy chủ trương quy hoạch 7 ... |