Xuất khẩu ngày 7-10/9:Trung Quốc nhập khẩu trở lại thanh long và chuối của Việt Nam. (Nguồn: VTV) |
Thủy sản Việt Nam đang ‘thắng lớn’ ở châu Âu
Tờ Sputnik (Nga) dẫn nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 485,3 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Với kết quả hết sức khả quan này, Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư của Việt Nam bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.
Theo Sputnik, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng tôm, cá ngừ, cá basa, surimi, nghêu, sò, mực, bạch tuộc, ốc của Việt Nam vào thị trường EU tăng cao, thắng lớn về giá nhờ tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây chính là đòn bẩy đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU tăng mạnh, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19.
Bộ Công Thương nhận định, những tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở thị trường châu Âu ngày càng phục hồi mạnh mẽ, cùng nhiều ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ EVFTA sẽ tạo đà thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường EU.
Xuất khẩu cà phê sang Anh giảm đáng kể
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, do chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng và xu hướng tiêu dùng của người dân Anh, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Anh sụt giảm đáng kể.
Hiện xuất khẩu cà phê của Việt Nam dưới dạng thô hoặc chế biến sơ, trong khi cơ cấu tiêu dùng cà phê ở Anh chủ yếu là cà phê hòa tan, chiếm 41% thị phần, cao hơn rất nhiều so với bình quân 17% thị phần tại châu Âu.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật tuần (3-9/9): Nga cảnh báo khủng hoảng tài chính toàn cầu; FDI vào Trung Quốc tăng; Anh mất động lực phục hồi |
Kim ngạch nhập khẩu cà phê của Anh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 100,3 nghìn tấn, trị giá 424,62 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, Anh tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, ngoại trừ Việt Nam và Honduras.
Thống kê cho thấy, nhập khẩu cà phê của Anh từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 16,4 nghìn tấn, trị giá 29 triệu USD, giảm 48,4% về lượng và giảm 49,3% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Ngoài ra, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh giảm từ 27,32% trong 6 tháng đầu năm 2020, xuống 16,35% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Năm 2020, Anh nhập khẩu cà phê từ thị trường Việt Nam với trị giá gần 1 tỷ USD nhưng đây là thị trường có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước.
Do vậy, nhằm xuất khẩu cà phê sang Anh ổn định, các chuyên gia khuyến nghị, ngành cà phê Việt Nam cần đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này.
Xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng khá
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 26,2 tỷ USD, tính chung 8 tháng đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,8%.
Thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%. Thị trường ASEAN đạt 18,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,9%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,6%.
Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt mức rất cao, giá trị xuất khẩu cũng gần gấp đôi so với thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc.
Một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ như: Dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện.
Đơn cử như mặt hàng dệt may, Mỹ luôn là một trong những thị trường xuất khẩu chính. Kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Mỹ năm 2020 đạt 14 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam. 8 tháng của năm và cả năm 2021, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam.
Trung Quốc nhập khẩu trở lại thanh long và chuối của Việt Nam
Ngày 9/9, tại cuộc họp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, vừa qua, Tổ công tác 970 đã làm việc với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh về vấn đề thông quan cửa khẩu phía Bắc.
Theo đó, đối với quả chuối, hiện nay chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) cho thông quan qua cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc), nhưng số lượng chưa bằng được so với trước.
Còn quả thanh long, Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu trở lại qua cặp cửa khẩu này. Tuy nhiên, hai bên đang tiếp tục đàm phán và thống nhất các biện pháp kiểm dịch để thông quan chính thức trở lại.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị 19 tỉnh, thành phố phía Nam bám sát tình hình thực tế, tranh thủ thời cơ để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt thông tin để có kế hoạch phù hợp đưa hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng ùn tắc.
| PGS. TS Đào Thế Anh: Hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi sang trang mới, bình đẳng, cùng có lợi |
Xuất khẩu tôm trong nửa đầu tháng 8 lao dốc
Kim ngạch xuất khẩu tôm trong nửa đầu tháng 8/2021 của Việt Nam đi hầu hết các thị trường chính đều sụt giảm mạnh. Trong đó, so với cùng kỳ năm 2020, 5 thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam lớn nhất gồm Mỹ giảm 23,3%; các thị trường thuộc khối CPTPP giảm 4,9%;EU giảm 47,1%, Trung Quốc và Hongkong (Trung Quốc) giảm 38,8%; Hàn Quốc giảm 25,3%.
Kim ngạch xuất khẩu tôm trong nửa đầu tháng 8/2021 của Việt Nam đi hầu hết các thị trường chính đều sụt giảm mạnh. (Nguồn: CT) |
Xét về loại sản phẩm, tôm chân trắng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu tháng 8/2021 giảm 33%; tôm sú giảm 16,4%; tôm đỏ giảm 75,2% và tôm hùm giảm đến 92,8%.
Dù vậy, nhờ kết quả xuất khẩu tăng trưởng đạt được trong 7 tháng đầu năm, nên tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2021, kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn đạt giá trị lớn nhất, gần 621,5 triệu USD, tăng trưởng 28,6%; tiếp theo sau là thị trường các nước trong khối CPTPP đạt hơn 608 triệu USD, tăng 11%; EU xếp thứ 3 với doanh số 335,7 triệu USD, tăng 18,1%.
Tháng 8/2021, đồng bằng sông Cửu Long cùng một số tỉnh Đông Nam Bộ chịu sự tác động khá căng thẳng từ Covid-19. Trong lĩnh vực thủy sản, một số nhà máy chế biến tôm và cá tra phải đóng cửa vì dịch lây lan mạnh trên địa bàn, một số sản xuất '3 tại chỗ'.
Theo khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được '3 tại chỗ'; khoảng 30-40% doanh nghiệp không đủ thực hiện '3 tại chỗ' đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện '3 tại chỗ'.
Cũng theo VASEP, với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%.
2 đại gia xuất khẩu tôm của Việt Nam là Minh Phú và Fimex VN cho biết, sản lượng sản xuất của họ đã sụt giảm trong tháng 8 vì dịch bệnh.
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (3-9/9): Nga cảnh báo khủng hoảng tài chính toàn cầu; FDI vào Trung Quốc tăng; Anh mất động lực phục hồi Nga cảnh báo khủng hoảng tài chính toàn cầu; Anh mất động lực phục hồi, việc làm ở Mỹ giảm, Hàn Quốc khó khăn, FDI ... |
| Sống chung với đại dịch Covid-19: 'Phao cứu sinh' của nền kinh tế toàn cầu? Theo tờ Financial Times của Anh, chiến lược 'Không Covid-19' của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trở nên khó duy trì ... |