Quy định mới đối với thực phẩm hữu cơ xuất khẩu vào thị trường EU là một trong những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 8-11/12. (Nguồn: Ecohealth) |
7 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 2 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt gần 3,72 tỷ USD. Cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ,... là những mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch trên 2 tỷ USD trong năm 2020.
Giá trị xuất khẩu nhóm nông sản và lâm sản chính tương đương tháng 10, trong đó, nông sản đạt khoảng 1,6 tỷ USD; lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD; thủy sản đạt 800 triệu USD (giảm 12,9%) và chăn nuôi đạt 33 triệu USD (giảm 11,5%).
Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 16,76 tỷ USD, giảm 0,5%; chăn nuôi ước đạt 297 triệu USD, giảm 18,5%; thủy sản ước đạt khoảng 7,75 tỷ USD, giảm 0,9%; lâm sản chính đạt trên 11,65 tỷ USD, tăng 15,0%.
Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19, một số mặt hàng vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu gạo đạt trên 2,8 tỷ USD (tăng 10,4%); rau đạt 621 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 874 triệu USD (tăng 2,3%), xuất khẩu tôm thu về gần 3,4 tỷ USD (tăng 9,7%); quế đạt 222 triệu USD (tăng 37,2%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 10,9 tỷ USD (tăng 14,1%); mây, tre, cói thảm đạt 545 triệu USD (tăng 26,1%).
Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng còn lại của năm, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp nhằm cân bằng thương mại nông lâm thủy sản, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thương mại; phổ biến quy định thị trường, chính sách trong thúc đẩy thương mại nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...).
Giá gạo Việt xuất khẩu đang tốt nhất trong lịch sử
Theo báo cáo tình hình sản xuất và thương mại hết tháng 11 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đa số các mặt hàng xuất khẩu nông, thủy sản trong tháng 11 đều tăng tốt. Đặc biệt, gạo là một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch lẫn giá xuất khẩu đều tăng mạnh.
Bình quân giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 534 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 10 và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 11 tháng của năm, gạo cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, giá bình quân lên đến 496 USD/tấn.
Ngoài nhu cầu dự trữ gạo của các quốc gia do dịch bệnh Covid-19, theo Bộ Công Thương, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng do chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh tại các mặt hàng gạo thơm, cao cấp hơn. Từ giữa tháng 7 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan, Ấn Độ để vươn lên dẫn đầu thế giới.
Cập nhật đến ngày 7/12, trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam dao động ở mức 493 - 497 USD/tấn, cao hơn so với các nhà cung cấp khác trong khu vực như gạo Thái Lan có giá từ 475 - 485 USD/tấn, gạo Ấn Độ từ 366 - 370 USD/tấn.
Thạch đen Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc
Chiều 8/12, tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại nông sản hai nước, người đứng đầu hai cơ quan này đã ký kết Nghị định thư xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc.
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), các chuyên gia của Trung Quốc đã sang Lạng Sơn để kiểm tra khu vực sản xuất, đóng gói và các biện pháp bảo quản thạch đen tại địa phương này.
Lạng Sơn hiện có diện tích trồng thạch đen lớn nhất cả nước với khoảng 2.000 ha cho sản lượng trên 10.000 tấn/năm, doanh thu khoảng 200-250 tỷ đồng/năm. Việc mở cửa được sản phẩm này sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng hay một số tỉnh phía Nam cũng có thể phát triển loại cây trồng này.
Được biết, Trung Quốc cũng đã đồng ý và chỉ đạo cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành các biện pháp đánh giá, thẩm định trực tuyến hoặc qua video đối với sản phẩm tổ yến của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đang có đề nghị Trung Quốc xem xét mở cửa thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm sầu riêng, khoai lang, bưởi, chanh leo từ Việt Nam. Các đề xuất của Việt Nam đang được các cơ quan chức năng xem xét để sớm ký nghị định thư trong thời gian tới.
Tại hội nghị, hai bên đồng ý để các cơ quan liên quan của hai nước thiết lập đường dây nóng nhằm phối hợp kịp thời xử lý những vướng mắc trong thương mại, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hai bên; đồng ý nâng cao việc tăng cường chống buôn lậu, kiểm dịch động vật để phòng chống dịch bệnh động vật xuyên biên giới, nâng cao năng lực kiểm dịch của hai bên.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc trên toàn cầu, đứng đầu trong ASEAN. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên đã ký 13 văn kiện nhằm thúc đẩy thương mại nông sản hai nước.
Sản phẩm hữu cơ xuất khẩu vào EU phải đáp ứng yêu cầu mới
Từ ngày 1/1/2021, nếu muốn xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ trong đó gồm cả ngũ cốc, đậu và hạt có dầu vào các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), các nhà sản xuất phải tuân thủ một bộ quy tắc mới do EU quy định.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia) cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) ra quy định mới này nhằm đảm bảo tính cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm hữu cơ; ngăn chặn gian lận xuất xứ và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng ở EU đối với hàng nhập khẩu. Quy định mới không chỉ kiểm soát việc sử dụng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm, mà còn có liên quan đến việc quản lý đất và sản xuất thực phẩm.
Bộ quy tắc đơn nhất cũng sẽ áp dụng cho các nông dân ngoài EU xuất khẩu sản phẩm hữu cơ của họ sang thị trường EU. Quy định mới về các sản phẩm hữu cơ sẽ áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến và đã được chế biến được sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sản phẩm đã được chế biến chỉ có thể được dán nhãn hữu cơ khi ít nhất 95% thành phần nông sản là hữu cơ.
Quy định mới được cho là mang lại sự công bằng cho các nhà sản xuất nông nghiệp châu Âu, nhưng là một thách thức lớn đối với các nhà sản xuất hữu cơ nhỏ ở các nước đang phát triển vì họ có thể sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu.
Các nhà sản xuất hữu cơ ở các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức khác nhau so với các nhà sản xuất châu Âu. Nhiều loại cây ngũ cốc, hạt và hạt có dầu ở các nước đang phát triển được sản xuất trên quy mô lớn ở các vùng cận nhiệt đới (đậu tương, vừng, hạt chia). Những loại khác ở vùng cận biên và nghèo (hạt diêm mạch quinoa, hạt kê fonio). Những vùng này sẽ có các vấn đề khí hậu và bệnh thực vật khác nhau. Các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, chất lượng nước và vận hành không thể so sánh được với những tiêu chuẩn trung bình của nông dân châu Âu.
Một vấn đề đáng quan tâm khác của các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển là việc gian lận xuất xứ. Điều này khá phổ biến đối với một số sản phẩm tốt cho sức khỏe như hạt chia. Chứng nhận và công nhận thực phẩm hữu cơ đã trở thành một ngành kinh doanh. Các nhà sản xuất không tin rằng quy định mới sẽ thay đổi điều này.
Nhưng các quy tắc hữu cơ vẫn rất rõ ràng. Các nhà sản xuất được chứng nhận không được phép sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu trái phép nào trên cây trồng của họ. Các quy định mới khiến họ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo duy trì đa dạng sinh học và chất lượng đất. Họ cũng phải ngăn ngừa sâu bệnh, các tác động tiêu cực đến môi trường và ô nhiễm các sản phẩm hoặc chất phi hữu cơ.
| Xuất khẩu ngày 5-7/12: Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đặc sản rươi lần đầu 'xuất ngoại' TGVN. Rươi Việt Nam lần đầu "xuất ngoại" sang Trung Quốc, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, xuất ... |
| Dù cho Covid-19, xuất khẩu bứt tốc cùng EVFTA TGVN. Không chỉ tạo thêm động lực mới, trong bối cảnh dịch Covid-19, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu ... |
| Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục 11 tháng đầu năm TGVN. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng ... |