Gian hàng hoa tươi Việt Nam tại một siêu thị Nhật Bản. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Hoa nhập khẩu Việt Nam "được lòng" người tiêu dùng Nhật Bản
Trong những năm gần đây, xuất khẩu hoa của Việt Nam đang có xu hướng tăng. Chỉ tính riêng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hoa của Việt Nam đã đạt 61,8 triệu USD, tăng 27% so với năm 2020.
Một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của hoa Việt Nam là Nhật Bản. Tại đây, nhiều loại hoa của Việt Nam đã tìm được chỗ đứng và được người tiêu dùng khá ưa chuộng.
bà Kaori Sato, Trưởng phòng các sản phẩm trồng trọt, Công ty Bán lẻ AEON, chia sẻ: “Khoảng 40% hoa trong siêu thị này (AEON Mall Makuhari ở tỉnh Chiba) là hoa nhập khẩu. Các loại hoa nhập khẩu từ Việt Nam được người Nhật Bản ưa chuộng nên doanh số bán hàng của chúng tôi rất tốt.”
Ông Hiroshi Yamasaki, nhân viên văn phòng ở Tokyo, cho biết thường mua hoa để tặng cho người thân và bạn bè. Ông đặc biệt thích các bông hoa của Việt Nam vì rất tươi và đẹp.
Các số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Hải quan Nhật Bản cho thấy trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hoa của Nhật Bản là 65,3 tỷ yen (tương đương 528 triệu USD), trong đó nhập khẩu hoa từ Việt Nam là 45 triệu USD, chiếm 8,52%, đứng thứ 4 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ xuất khẩu hoa sang Nhật Bản.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, các loại hoa mà Nhật Bản nhập khẩu nhiều từ Việt Nam là hoa cẩm chướng, hoa cúc, hoa ly, hoa lan và hoa hồng. Đây là các loại hoa Việt Nam đang trồng và xuất khẩu rất nhiều.
Mặc dù thị phần của Việt Nam tại thị trường hoa Nhật Bản đã tăng trưởng khá nhanh trong thời gian gần đây nhưng theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng cho hoa Việt Nam tại thị trường này vẫn còn rất lớn. Bà Sato chia sẻ: “Tôi nghĩ xuất khẩu hoa Việt Nam sang Nhật Bản có thể tăng trong thời gian tới. Hiện nay, Nhật Bản nhập khẩu khá nhiều hoa từ Malaysia, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn cung và chất lượng hoa của Malaysia không ổn định. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cơ hội cho hoa Việt Nam tại thị trường Nhật Bản còn rất lớn.”
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cảnh báo việc thâm nhập vào thị trường Nhật Bản đã khó nhưng việc duy trì chỗ đứng còn khó hơn nhiều. Vì vậy, các nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu hoa Việt Nam cần nỗ lực để đảm bảo chất lượng hoa theo đúng cam kết với đối tác như chiều dài của cành, số lượng bông và kích thước của bông hoa…
Bên cạnh đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm dịch thực vật và về sử dụng hóa chất để bảo quản hoặc tạo màu cho hoa của Nhật Bản.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, nhấn mạnh: “Đối với hoa trang trí cũng như các loại nông sản nhập khẩu, Nhật Bản yêu cầu rất cao về độ an toàn với sức khỏe của người dân. Vì thế, các hóa chất để ngâm bảo quản cho hoa tươi lâu hoặc các chất tạo màu cho hoa phải đảm bảo an toàn theo quy định của Nhật Bản. Các yêu cầu đó rất nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng hoa Việt Nam cần phải lưu ý vấn đề này".
Xuất khẩu hàng hóa vượt 120 tỷ USD, xuất siêu cao
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 4, xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 33,32 tỷ USD, giảm 4% so với tháng trước.
Trong thành tích xuất khẩu chung, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 24,23 tỷ USD, giảm 6,2%, cao hơn mức giảm bình quân chung của cả nước.
Tháng 4 có tới 8 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại, máy vi tính, máy móc, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, thủy sản. Trong đó 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên.
Lũy kế hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 16,5%), đạt 122,48 tỷ USD. Chiều ngược lại, tháng 4, kim ngạch nhập khẩu đạt 32,47 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng nước ta chi 119,95 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế hết tháng 4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 242,43 tỷ USD. Tháng 4, cán cân thương mại thặng dư khoảng 850 triệu USD, tính chung trong 4 tháng Việt Nam xuất siêu 2,53 tỷ USD.
Bộ Công Thương cho biết, để giữ nhịp tăng trưởng, lãnh đạo bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới
Đồng thời, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung.
Tạo lợi thế cho thanh long Việt tại thị trường Australia và New Zealand
Ngày 12/5, Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Long An, cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand và Cơ quan Thương vụ tại Australia phối hợp tổ chức Hội thảo “Tư vấn xuất khẩu quả thanh long sang thị trường Australia và New Zealand” bằng hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, thương mại nông sản và mở cửa thị trường trong triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và New Zealand.
Việt Nam mong muốn New Zealand chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam xây dựng thương hiệu quốc tế, chuỗi giá trị để thương mại hóa toàn cầu cho quả thanh long, theo mô hình thành công của trái kiwi của New Zeland được toàn thế giới biết đến.
Tin liên quan |
Thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang thị trường Australia và New Zealand |
Tại Hội thảo, Giám đốc nhập khẩu của các công ty MG Marketing và Healthy & Fresh của New Zealand chia sẻ thông tin về các yêu cầu kiểm dịch, bảo vệ thực vật và an toàn sinh học, các kênh phân phối trái cây tại New Zealand, tình hình tiêu thụ thanh long tại các siêu thị bán buôn, bán lẻ.
Các công ty đều đánh giá cao tiềm năng sản phẩm thanh long của Việt Nam, nhưng cũng nhấn mạnh yếu tố then chốt quyết định sự thành công trên thị trường New Zealand là việc đáp ứng thời gian giao hàng nhanh, đảo bảo sự ổn định chất lượng giữa các lô hàng, khả năng bảo quản đúng quy cách để kéo dài tuổi thọ sản phẩm trong quá trình vận chuyển đường biển dài ngày.
Công tác quảng bá và xây dựng thương hiệu chỉ đạt kết quả mong muốn nếu sản phẩm duy trì độ tươi khi tới tay người tiêu dùng.
Thanh long là loại quả xuất khẩu thành công nhất vào New Zealand với mức tăng trưởng kim ngạch ấn tượng, đạt gần 678.000 NZD trong năm 2020, tăng 76% so với năm 2019.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thanh long vào New Zealand giảm xuống chỉ còn 336.000 NZD, chủ yếu do giá cước vận chuyển tăng quá cao và khan hiếm tàu biển.
Từ năm 2013, Chính phủ New Zealand tài trợ cho Việt Nam Dự án hỗ trợ phát triển Giống cây ăn quả cao cấp.
Viện Nghiên cứu Cây trồng và Lương thực New Zealand, Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam và Phân viện Cơ điện Nông nghiệp sau thu hoạch là các đơn vị triển khai dự án.
Đẩy mạnh xuất khẩu mắc ca vào thị trường Trung Đông
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã làm việc với các doanh nghiệp lớn tại Dubai để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mắc ca Việt Nam vào thị trường Trung Đông.
Đó là kết quả đầu tiên trong chuyến công tác của đoàn công tác Hiệp hội Mắc ca Việt Nam do ông Huỳnh Ngọc Huy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, làm trưởng đoàn đang tham dự lễ ra mắt Hiệp hội Mắc ca thế giới (WMO) và tham dự Hội nghị hạt và quả khô quốc tế (INC World ) lần thứ 39 diễn ra từ ngày 10 - 13/5 tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE).
Hiệp hội mắc ca Việt Nam là 1/7 thành viên tham gia sáng lập WMO và tham dự các hoạt động tại INC World lần thứ 39 với tư cách là thành viên của WMO và INC World.
INC World lần thứ 39 là sự kiện quốc tế được tổ chức hàng năm, thu hút và hội tụ hơn 1.000 đại biểu quốc tế bao gồm các chuyên gia, nhà cung cấp, doanh nghiệp, khách hàng... trong ngành công nghiệp hạt quả khô từ hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Sự kiện này là cơ hội để ngành mắc ca Việt Nam được tiếp cận và học hỏi các tổ chức về hạt quả khô đến từ các quốc gia trên thế giới.
Theo ông Huỳnh Ngọc Huy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, ngay sau tổ chức buổi lễ ra mắt đã có cuộc họp trực tiếp đầu tiên tại Dubai. Các thành viên của WMO thảo luận và đi đến thống nhất sẽ cùng nhau đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá mắc ca trên toàn thế giới nhằm gia tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ loại cây này.
Bên cạnh đó, WMO đồng thời tiến hành xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mắc ca trên toàn thế giới.
HSBC chỉ ra hai yếu tố cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam
Theo báo cáo Vietnam at a glance mới đây của Ngân hàng HSBC, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ nhờ xuất khẩu điện tử nở rộ.
Sau khi ghi nhận tốc độ tăng mạnh mẽ 13% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 4 lại tăng hơn gấp đôi lên 25% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tăng trưởng diễn ra toàn diện trên mọi ngành hàng, gần 40% tăng trưởng là nhờ các đơn hàng điện tử tăng mạnh ở mức 33% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, HSBC cũng lưu ý những cơn gió ngược chiều cản trở thương mại đang mạnh dần lên làm dấy lên nỗi băn khoăn xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ như vậy đến bao giờ.
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ nhờ xuất khẩu điện tử nở rộ. (Nguồn: VnEconomy) |
Cụ thể, khả năng phục hồi trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam mạnh mẽ hơn so với các nước khác trong khu vực, phần nào cho thấy lực đẩy kể từ sau khi Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, những cơn gió ngược chiều cản trở thương mại đang mạnh dần lên.
Một mặt, tác động của Covid-19 lên tiêu dùng hộ gia đình giảm bớt, nhu cầu trên thế giới dần dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ.
Một yếu tố khác chính là Trung Quốc. Nhiều người vẫn tranh luận rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ những gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc khi có thêm doanh nghiệp nhiều khả năng muốn đa dạng hóa nguồn sản xuất hàng.
Tuy nhiên, HSBC cho rằng cần lưu ý rằng bản thân Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc, thể hiện rõ trong giai đoạn Covid-19 mới xuất hiện đầu năm 2020.
Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đã tỏa sáng trong nhiều năm, nền tảng sản xuất của Việt Nam lại phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu rất nhiều. Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%).
Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở Trung Quốc sẽ gây ra khó khăn cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai. Cụ thể, làm thế nào để đảm bảo nguyên liệu trong bối cảnh giãn cách phòng chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất ở địa phương.
"Trong khi xuất khẩu của Việt Nam đang rất tốt, kết quả rực rỡ này lại nhắc chúng ta không quên nền sản xuất của Việt Nam có độ phụ thuộc rất cao vào nhập khẩu nguyên liệu", HSBC lưu ý.
| Cơ hội cho ngành hàng gia vị, rau quả Việt sang Liên minh châu Âu (EU); gạo Việt áp đảo gạo Thái; dồn dập đơn ... |
| Một năm dự báo "bùng nổ" của xuất khẩu Việt Nam, Bồ Đào Nha ưa chuộng cá ngừ Việt Nam; 7 tỷ USD hàng Việt ... |