Trước đó, theo số liệu của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng trong tháng 11, giá trị xuất khẩu rau và trái cây đã đạt 186 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 11 tháng đầu năm 2016 lên mức 2,178 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. (Nguồn: SGGP) |
Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu các loại rau và quả của Việt Nam, chiếm 70,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đứng sau Trung Quốc, các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản cũng đang tiêu thụ khá nhiều rau quả Việt Nam, chiếm khoảng trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm nay, rau quả vẫn còn nhiều dư địa để khai thác xuất khẩu nên kỳ vọng kim ngạch có thể lên hơn 2 tỉ USD, tăng hơn 10% so với năm 2015 (năm 2015 đạt mức 1,85 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với năm 2014, tương đương mức tăng hơn 28%).
Như vậy, tính đến thời điểm này, chỉ còn 10 ngày nữa là hết năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt mục tiêu đề ra.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu rau quả nói chung, đặc biệt là mặt hàng trái cây có sự gia tăng nhanh chóng. Năm 2005, rau quả đã xuất khẩu và có mặt ở 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt kim ngạch trên 235 triệu USD. Đến năm 2015, số thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam đã tăng lên hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng 123% so với năm 2014 và tăng 782% so với năm 2005.
Xuất khẩu rau quả tăng trưởng khả quan và trở thành động lực quan trọng để thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp nói chung, trong đó là ngành hàng rau quả, đồng thời giúp nông dân tăng thêm thu nhập.
Hơn nữa, bên cạnh những thị trường truyền thống, ngành rau quả cũng đã tích cực phát triển mở rộng thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zeland... Năm nay, vải thiều, xoài của Việt Nam đã đến được thị trường Australia, Mỹ và thanh long Việt Nam cũng sắp có mặt tại Australia.
Việc rau quả Việt Nam ngày càng được chấp nhận tại nhiều thị trường trên thế giới chứng tỏ chất lượng sản phẩm đã ngày càng được gia tăng. Điều này đồng nghĩa nhận thức của người dân trong việc tổ chức sản xuất với các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.