Bản tin xuất nhập khẩu 17-19/10: Bưởi tươi Việt Nam rộng đường sang Chile. (Nguồn: Asie.vn) |
Ngành mía đường gặp khó
Ngày 16/10, thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, vụ ép 2019-2020, sản lượng nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ đạt 7.662.235 tấn mía, trong khi kế hoạch dự kiến của các nhà máy lên đến 9.750.475 tấn, thấp nhất kể từ niên vụ 1999-2000.
Cả nước hiện có 29 nhà máy hoạt động, sản lượng đường sản xuất là 913.397 tấn, giảm 405.979 tấn, tương đương 34,58% so với vụ trước. Trong đó, đường sản xuất từ mía là 767.954 tấn, còn lại từ đường thô nhập khẩu là 145.443 tấn.
VSSA nhìn nhận, từ cuối năm 2019, khi bắt đầu vào vụ ép mía 2019-2020, với dự báo thiếu nguồn cung đường trong năm 2020, giá đường có xu hướng tăng vào đầu vụ và việc tiêu thụ hàng tồn kho của vụ trước sẽ thuận lợi.
Tuy nhiên, bước vào năm 2020, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho ngành đường và dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu giảm sút, giá đường giảm, việc tiêu thụ trở nên khó khăn. Trong lúc đó, việc nhập khẩu đường đã bùng nổ với lượng nhập rất lớn.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam là chủ yếu (89,94%).
Quyền Chủ tịch VSSA Cao Anh Đương cho biết, tính đến 9 tháng đầu năm nay, lượng đường nhập khẩu tới trên 1 triệu tấn, trong đó 90% là đường Thái Lan, vượt sản lượng sản xuất trong nước.
"Một lượng lớn đường từ đầu năm đã tràn ngập thị trường khiến nguồn cung dư thừa trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp, dẫn đến giá đường trên thị trường duy trì ở mức thấp, thấp hơn giá thành sản xuất. Đường sản xuất từ mía hầu như không tiêu thụ được", ông Đương nói.
Bưởi tươi Việt Nam có thêm thị trường xuất khẩu mới
Chile mới thông báo về việc thiết lập các yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với quả bưởi tươi (Citrus maxima) từ Việt Nam.
Theo đó, lô hàng xuất khẩu sang Chile phải có chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Trong đó, phải ghi rõ lô hàng không có động vật chân khớp, là các loài có tên khoa học sau: Eutetranychus orientalis, Ferrisia virgata, Maconellicoccus hirsutus, Prays citri, P. endocarpa, Citripestis sagittiferella. Ngoài ra, lô hàng phải được xử lý chiếu xạ 150 Gy để kiểm soát các loại ruồi đục trái như Bactrocera cucurbitae, Bactrocera dorsalis, được xác nhận trong giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Đại diện Phòng Hợp tác quốc tế - Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đây là thông báo "mở cửa thị trường" của Chile đối với bưởi tươi Việt Nam. Trước đó, Chile đã mở cửa cho thanh long Việt Nam và cũng yêu cầu lô hàng phải được xử lý chiếu xạ và phải được cấp chứng thư xuất khẩu.
Văn phòng SPS Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Sản lượng sắt thép xuất khẩu tăng hơn 44%
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2020 cả nước xuất khẩu gần 7 triệu tấn sắt thép, thu về trên 3,65 tỷ USD, giá trung bình 522,2 USD/tấn, tăng 44,4% về lượng, tăng 16% kim ngạch nhưng giảm 19,7% về giá so với 9 tháng đầu năm 2019.
Riêng tháng 9/2020 xuất khẩu 1,04 triệu tấn sắt thép, đạt 544,21 triệu USD, giá trung bình 523,4 USD/tấn, giảm 10,6% về lượng, giảm 5,8% về kim ngạch nhưng tăng 5,4% về giá so với tháng liền kề trước đó.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam, chiếm 36,2% trong tổng lượng và chiếm 28,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước, đạt 2,53 triệu tấn, tương đương 1,04 tỷ USD, tăng mạnh 1.732% về lượng nhưng giảm 17% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Thứ 2 là thị trường Campuchia chiếm 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 1,18 triệu tấn, tương đương 625,09 triệu USD, giá 529 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp đến thị trường Thái Lan chiếm 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 0,53 triệu tấn, tương đương 297,65 triệu USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu sắt thép sang đa số thị trường sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giảm mạnh ở các thị trường: Ai Cập giảm 96% cả về lượng và kim ngạch, Saudi Arabia giảm 90% về lượng và giảm 89% kim ngạch, Mỹ giảm 56% về lượng và giảm 51% kim ngạch, tương đương 130,93 triệu USD.
Điểm sáng là thị trường Brazil tăng mạnh 196% về lượng và tăng 145% về kim ngạch, đạt 12,55 triệu USD. Tiếp sau là các thị trường Đức, Philippines tăng cả về sản lượng và kim ngạch.
Nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc giảm mạnh
Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu gần 936 triệu USD rau quả, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt giá trị gần 241 triệu USD, giảm 31,46 % so với cùng kỳ năm 2019 nhưng Trung Quốc đã trở lại vị trí số 1 về thị trường cung cấp rau quả cho Việt Nam sau 6 năm bị soán ngôi bởi Thái Lan (2014-2019).
Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan giảm đến 87%, chỉ đạt 55,9 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu rau quả từ: Mỹ, Australia, New Zealand, Nam Phi, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia…
| TGVN. Tổng cục Hải quan chỉ đạo về tái xuất phế liệu, xuất khẩu khẩu trang y tế tăng trở lại trong bối cảnh dịch ... |
| TGVN. Xuất khẩu cà phê sụt giảm, thủy sản có tiềm năng phục hồi nhờ EVFTA, giá lúa gạo tiếp tục ổn định... là những ... |
| TGVN. Trung Quốc tăng kiểm soát chất lượng, xuất khẩu nông sản gặp khó, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng, điểm sáng xuất ... |