📞

Xuất nhập khẩu 20-23/10: Điểm sáng xuất siêu, nhập khẩu ô tô tiếp tục tăng, ngành da giày ‘vui trở lại’

Hoàng Nam 08:30 | 23/10/2020
TGVN. Cả nước xuất siêu đạt 17,32 tỷ USD, doanh nghiệp da giày có đơn hàng trở lại, nửa đầu tháng 10 nhập hơn 7.200 ô tô nguyên chiếc,… là những tin chính trong bản tin xuất nhập khẩu ngày 20-23/10.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/10 đạt 413,18 tỷ USD, tăng 2,3%, tương ứng tăng 9,27 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019. (Nguồn: Vietship)

Cán cân thương mại xuất siêu trên 17 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất siêu tiếp tục được duy trì đến giữa tháng 10, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10 đạt 24,64 tỷ USD, giảm 8,5% (tương ứng giảm 2,29 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2020.

Tính chung, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/10 đạt 413,18 tỷ USD, tăng 2,3%, tương ứng tăng 9,27 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Trong kỳ 1 tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 798 triệu USD, qua đó, nâng mức xuất siêu của cả nước tính đến hết ngày 15/10 lên 17,32 tỷ USD.

Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc khi các doanh nghiệp tận dụng khá tốt các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau hơn 2 tháng EVFTA được thực thi.

Điển hình, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).

Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.

Doanh nghiệp xuất khẩu da giày có đơn hàng trở lại

Sau khi suy giảm mạnh trong quý I và quý II/2020, từ tháng 9 tới nay, nhiều doanh nghiệp da giày đã có dấu hiệu phục hồi sản xuất, thậm chí có một số doanh nghiệp đã đàm phán được đơn hàng đến hết năm nay.

Ông Trần Ngọc Anh - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và giày da An Thịnh cho biết, hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng cho tới tháng 2/2021. Trong tháng 10, nhà máy hoạt động khoảng 70% công suất, song từ tháng 11 trở đi, khi lượng nguyên vật liệu về đủ, các nhà máy sẽ phải tăng ca để đảm bảo tiến độ đơn hàng. Với tình hình đơn hàng và tiến độ sản xuất như hiện nay, ước tính doanh nghiệp có thể đạt được 80 - 90% mục tiêu kế hoạch năm.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH giày Liên Phát cũng cho biết, công ty đã có đơn hàng đến hết quý IV2020. Mặc dù lượng đơn hàng hiện nay mới chỉ đáp ứng được 60 - 70% công suất nhà máy, song đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh tình hình thị trường còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 2 tháng thực thi EVFTA (từ ngày 1/8), giày dép nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Tổ chức ủy quyền đã cấp C/O mẫu EUR.1 cho ngành giày dép với kim ngạch đạt khoảng 391 triệu USD.

Hiện nay, ngành da giày đang triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh để có thể áp ứng các đơn hàng cho các đối tác EU những tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.

Nhập khẩu hơn 7.200 ô tô nguyên chiếc

Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong nửa đầu tháng 10, cả nước nhập khẩu 7.225 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch 148 triệu USD.

Trong đó, dòng ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có số lượng nhập khẩu lớn nhất với 5.647 chiếc, tổng kim ngạch 103,8 triệu USD. Ô tô tải nhập khẩu số lượng nhiều thứ hai với 1.251 chiếc, kim ngạch hơn 30 triệu USD, còn lại là xe trên 9 chỗ ngồi, ô tô chuyên dụng.

Như vậy, sau khi chạm đáy với 3.552 xe vào tháng 6, những tháng gần đây hoạt động nhập khẩu ô tô khởi sắc trở lại. Trong đó, tháng 7 tăng lên 4.781 chiếc; tháng 8 tiếp tục tăng 8.836 chiếc và đạt 12.670 xe trong tháng 9 vừa qua.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/10, cả nước nhập khẩu 73.685 ô tô nguyên chiếc, tổng kim ngạch hơn 1,6 tỷ USD. Đáng chú ý, có hai quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia là những thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lớn nhất của Việt Nam.

10 tháng, hàng container qua cảng biển tăng 12%

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 10 tháng năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt gần 576,5 triệu tấn. Trong đó, lượng hàng container thông qua cảng đạt gần 18 triệu Teus, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng tháng 10, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt gần 58 triệu tấn, giảm 2%, trong đó, hàng container đạt gần 1,8 triệu Teus, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, thống kê trong 9 tháng đầu năm của Cục Hàng hải Việt Nam, dù hoạt động hàng hải vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng một số khu vực cảng biển vẫn có khối lượng hàng hóa tăng cao như cảng biển Quảng Trị tăng hơn 61% do mới phát sinh hàng xuất khẩu gỗ dăm sang Trung Quốc và hàng cát, thạch cao chở ra Ninh Bình; khu vực Quảng Ngãi tăng hơn 33% (khối lượng hàng khô và hàng nhập khẩu tăng tới gần 464%).

Bên cạnh đó, một số khu vực cảng biển có mức tăng hàng hóa container mạnh như: Khu vực Mỹ Tho tăng 263%, Thanh Hóa tăng 31%, Quy Nhơn tăng 28%, Vũng Tàu tăng 20%.

Xuất khẩu thủy sản 2020 có thể đạt 8,4 tỷ USD

Với những triển vọng tích cực vào những tháng cuối năm, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe kỳ vọng, năm 2020 xuất khẩu thủy sản có thể cán mốc 8,4 tỷ USD.

Theo đánh giá của VASEP, do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh. Tuy nhiên, sang quý III xuất khẩu đã phục hồi và tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2,4 tỷ USD. Riêng trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu đạt 790 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường xuất khẩu, trong 9 tháng, thủy sản Việt Nam có mặt tại 154 thị trường, trong đó, 6 thị trường lớn nhất gồm Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và ASEAN, chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu.

Nhận định về diễn biến thị trường trong thời gian qua, ông Trương Đình Hòe cho biết, 9 tháng năm 2020, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6 tỷ USD, riêng mặt hàng tôm tăng trưởng 10,5% so với năm ngoái và đạt mức 2,7 tỷ USD, cá tra hơn 1 tỷ USD.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng do các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là từ phía người nuôi đã làm tốt việc nắm bắt tình hình, nên nguồn nguyên liệu không bị thiếu hụt, đáp ứng được yêu cầu thị trường, trong khi nhiều quốc gia khác không đủ khả năng cung ứng cho thị trường.

Tổng Thư ký VASEP cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phục hồi và tăng trưởng tốt. Mặc dù sức mua của thị trường không tăng, thậm chí giảm nhiều, nhưng do nguồn cung trên thị trường giảm nên giá cả cũng nhích lên. Đồng thời, doanh nghiệp Việt tập trung chuyển hướng xuất khẩu cho hệ thống bán lẻ, phục vụ nhu cầu thiết yếu người tiêu dùng, nên kết quả xuất khẩu trong 9 tháng qua có những triển vọng khả quan.

Ngoài ra, EVFTA cũng tạo ra luồng gió mới, tạo tâm lý tích cực. Tính từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU và Anh đạt khoảng 263 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2 tháng năm trước.

Với những triển vọng tích cực nói trên, Tổng Thư ký VASEP kỳ vọng năm 2020 xuất khẩu thủy sản có thể cán mốc 8,4 tỷ USD, trong đó mặt hàng tôm có thể tăng 10%, đạt khoảng 3,8 tỷ USD.

(tổng hợp)