📞

Xứng danh “Thành phố vì hòa bình”

08:08 | 11/10/2014
Là người đầu tiên nhận tin vui Hà Nội được vinh danh là “Thành phố vì Hòa Bình”, ông Trịnh Đức Dụ, Đại sứ Việt Nam tại UNESCO (1996-1999) đã chia sẻ về quá trình vận động bình chọn cũng như ý nghĩa của danh hiệu này đối với Hà Nội...
Đại sứ Trịnh Đức Dụ (trái) tại Lễ trình Thư ủy nhiệm tới Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor (giữa) ngày 26/3/1996.

Cơ duyên nào đưa Hà Nội đến với danh hiệu này, thưa ông?

Giải thưởng Thành phố vì Hòa bình được UNESCO đề ra và phát động nhân dịp Hội nghị về nhà ở được tổ chức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 1996. Sau đó, được Đại hội đồng UNESCO khóa 29 thông qua vào cuối năm 1997. Giải thưởng được trao hai năm một lần cho năm thành phố tiêu biểu đại diện cho năm khu vực trên thế giới.

Cuối năm 1998, khi nhận được thông báo của UNESCO về Giải thưởng này, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã nghiên cứu và kiến nghị với Thành phố Hà Nội nên tham gia ứng cử vào đầu năm 1999 vì đây là danh hiệu rất ý nghĩa. Dù xét thấy tiêu chí cho giải thưởng này rất cao, nhưng khi ấy lãnh đạo Thành phố Hà Nội vẫn quyết tâm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam làm đề nghị trình với Chính phủ. Sau khi nhận được sự đồng ý của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Thành phố Hà Nội đã bắt tay hoàn thiện hồ sơ để gửi cho UNESCO.

Xin ông cho biết những tiêu chí rất cao của giải thưởng này?

Theo quy chế, Giải thưởng UNESCO Thành phố vì Hòa bình sẽ được xét và trao cho năm thành phố tiêu biểu, đại diện cho năm châu lục: châu Á – Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông - Arab, châu Mỹ Latinh - Caribbean và châu Âu. Thành phố đạt giải thưởng phải là thành phố có các thành tích tiêu biểu về các hoạt động trong các lĩnh vực như: thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục công dân và thế hệ trẻ; giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề về đô thị hóa và xử lý môi trường sinh thái.

Trong quá trình vận động bình chọn, Hà Nội gặp khó khăn gì khi tham gia tranh cử cùng với rất nhiều thành phố khác?

Hà Nội ứng cử vào Giải thưởng UNESCO - Thành phố vì Hòa bình trong bối cảnh đất nước ta lúc bấy giờ có những mặt thuận lợi, nhưng cũng có những khó khăn. Công cuộc đổi mới của đất nước đã thu được thành tựu quan trọng về các mặt. Ta đã gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và ký Hiệp định hợp tác với EU. Tuy nhiên, tình hình quốc tế khi đó rất căng thẳng và phức tạp do việc Mỹ và NATO tiến hành cuộc không kích đánh Kosovo (Nam Tư cũ) gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới. Tại UNESCO, tình hình tài chính gặp khó khăn và chính trị phức tạp với việc Mỹ và một số nước rút khỏi UNESCO từ nhiều năm trước.

Đối với Hà Nội, công cuộc xây dựng kiến thiết Thủ đô đã đạt được thành tựu quan trọng, nhưng còn biết bao công việc còn phải giải quyết như phát triển kinh tế- xã hội và văn hóa giáo dục, xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở - đường xá giao thông, thực hiện đô thị hóa và các vấn đề về nhà ở, môi trường, tệ nạn xã hội…

Một điều đặc biệt khó khăn khi số lượng các nước tham gia ứng cử vào Giải thưởng năm 1998-1999 rất đông. Có tới 70 hồ sơ ứng cử. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 10 ứng cử viên là Việt Nam, Philippines, Australia, New Zealand, Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Hàn Quốc. Các nước đều hết sức tích cực vận động tranh thủ sự ủng hộ cho ứng cử viên nước mình. Vì vậy, việc vận động, tranh thủ đối với hồ sơ tranh cử của Hà Nội cần phải tiến hành hết sức khéo léo.

Tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành gặp gỡ, vận động các nước thông qua các đại sứ quán tại Hà Nội, đồng thời ta tích cực hưởng ứng hoạt động về Năm văn hóa Hòa bình của UNESCO, chọn Hà Nội là nơi phát động Năm Quốc tế văn hóa Hòa Bình và Thập kỷ quốc tế về văn hóa hòa bình phi bạo lực và vì trẻ em trên thế giới.

Bấy giờ, do điều kiện tài chính hạn chế, ta không cử được các đoàn đi sang trụ sở UNESCO và đến các nước để vận động như bây giờ, cho nên Phái đoàn đại diện thường trực của ta bên cạnh UNESCO lúc đó với biên chế hai cán bộ đã tập trung cao độ vào công tác vận động tranh thủ Ban lãnh đạo của UNESCO và lãnh đạo các tổng vụ chuyên môn của UNESCO, đặc biệt là vận động, tranh thủ sự ủng hộ của nhà văn Hy Lạp Katerina Stenou, Tổng Thư ký chấp hành của Giải thưởng UNESCO - Thành phố vì Hòa bình, ông Federico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO và Vụ trưởng Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, người Nhật Bản trong bối cảnh Nhật Bản đang vận động tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO. Vào thời điểm nước rút, tôi cũng có các cuộc gặp các vị lãnh đạo của UNESCO và bạn bè để vận động.

Chúng tôi đã căn cứ vào các tiêu chí của giải thưởng để vận động, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ về tình cảm và chính trị của họ dành cho Việt Nam thông qua việc trình bày với bạn bè quốc tế về bản chất và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta, về truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội và về những cố gắng to lớn của Hà Nội trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô về các mặt sau mấy chục năm chiến tranh.

Cảm xúc của ông ra sao khi đón nhận tin vui Hà Nội trở thành “Thành phố vì Hòa bình”?

Tôi còn nhớ rất rõ vào sáng ngày 6/7/1999, ngày cuối cùng xét các hồ sơ tranh giải thưởng tại trụ sở tổ chức UNESCO ở Paris. Từ 9 giờ sáng, chúng tôi đã ngồi bên ngoài phòng họp của UNESCO cùng đại diện của nhiều nước khác để chờ đợi kết quả. Tâm trạng của người chờ đợi thường rất hồi hộp, đứng ngồi không yên. Tôi có nói với bà Katerina Stenou là nếu có kết quả xét chọn, bà vui lòng thông báo ngay bằng điện thoại cho tôi.

Khoảng 12 giờ trưa, tôi nhận được điện thoại của bà Katerina Stenou: “Tôi rất vui thông báo cho Ngài Đại sứ và chúc mừng Thành phố Hà Nội đã được bình chọn là một trong năm thành phố trên thế giới nhận Giải thưởng UNESCO – Thành phố vì Hòa bình”.

Với niềm vui khôn tả, ngay lập tức tôi điện thoại thông báo tin vui về cho Lãnh đạo Thành phố Hà Nội và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, lúc đó ở Hà Nội mới đang là sáng sớm.

Sau đó, ngày 13/7/1999, Tổng Giám đốc của UNESCO đã gửi thư thông báo chính thức cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên mời ông sang Bolivia để nhận giải thưởng.

Ngày 16/7/1999, tại Thủ đô La Paz của Bolivia, UNESCO đã tổ chức trao giải thưởng cho các thành phố được xét chọn. Ngoài Hà Nội, có bốn thành phố khác được vinh danh là: Zuk Mikael, Lebanon (Khu vực Trung Đông - Arab); Timbuktu, Mali (châu Phi); Quito, Ecuador (châu Mỹ Latinh và Caribbean); Delft của Hà Lan (châu Âu).

Tổng Giám đốc UNESCO đã trao cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Giải thưởng UNESCO – Thành phố vì Hòa bình gồm một giấy chứng nhận về Giải thưởng, một biểu tượng (Logo) cùng một ngân phiếu trị giá 25.000 USD, trước sự có mặt và chứng kiến của đông đảo các nhà hoạt động văn hóa, trí thức, chính trị và giới báo chí trên khắp thế giới.

Sau 15 năm, danh hiệu này mang lại giá trị gì cho Thủ đô?

Việc Thành phố Hà Nội được UNESCO chọn là một trong năm thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận Giải thưởng UNESCO – Thành phố vì Hòa bình có ý nghĩa chính trị đối ngoại lớn. Như vậy, từ đây trở đi, bên cạnh danh hiệu “Thành phố anh hùng” được Nhà nước trao tặng vì truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường, Hà Nội lại có thêm một danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình” do UNESCO trao tặng.

Đây là một vinh dự, một niềm tự hào không những đối với Hà Nội, mà còn đối với cả nước ta. Đây là sự ghi nhận của quốc tế về bản chất đúng đắn và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Danh hiệu này góp phần nâng cao vị trí, uy tín của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế và ở khu vực, góp phần quảng bá, giới thiệu cho thế giới về Hà Nội, qua đó để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế của Hà Nội với các nước về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, dịch vụ…

Về đối nội, Giải thưởng góp phần nâng cao hơn nữa niềm tự hào dân tộc của người dân Hà Nội, cổ vũ động viên nhân dân đóng góp vào việc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh.

Sau 15 năm, Hà Nội có bước tiến rất lớn, đạt nhiều thành tựu quan trọng về các mặt, bộ mặt Hà Nội đã thay đổi hẳn so với trước. Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng so với những tiêu chí của UNESCO, Thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt và luôn xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”.

PHẠM THUẬN (thực hiện)