📞

Xung đột Armenia-Azerbaijan: 12 hệ thống phòng không tan tành, đồng loạt ban bố thiết quân luật, HĐBA họp khẩn

Thế Việt 06:41 | 29/09/2020
TGVN. Ngày 28/9, Reuters cho biết, các cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt với việc cả hai bên liên tiếp cáo buộc đối phương tấn công bằng pháo nhằm vào các mục tiêu ở Nagorno-Karabakh.
Hình ảnh chụp một khẩu pháo của lực lượng Azerbaijan đang tấn công vào các vị trí của lực lượng Armenia hôm 28/9. Bạo lực giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát hôm Chủ nhật tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (Nguồn: Anadolu)

Phía Azerbaijan báo cáo, 5 dân thường, cùng là thành viên trong một gia đình, qua đời trong các đợt pháo kích do Armenia tiến hành trong khi một số nguồn tin Azerbaijan nói 500 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng hoặc bị thương, song phía Armenia chưa xác nhận.

Theo thống kê của GuardianReuters, chiến sự nổ ra từ sáng 27/9 đã khiến ít nhất 39 người tử vong.

Azerbaijan xác nhận bị mất 1 trực thăng trong khi tuyên bố đã tiêu diệt 12 hệ thống phòng không của Armenia, đồng thời giành quyền kiểm soát 6 ngôi làng, một đồi chiến lược ở Nagorno-Karabakh.

Theo Sputnik, hai nước đã lần lượt ban bố tình trạng thiết quân luật và chưa bên nào cho thấy thái độ sẵn sàng lùi bước, bất chấp kêu gọi của cộng đồng quốc tế.

Phản ứng trước sự thù địch leo thang này, các nguồn tin ngoại giao cùng ngày cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến sẽ tổ chức những cuộc thảo luận khẩn cấp theo hình thức họp kín trong ngày 29/9 để bàn về vấn đề Nagorno-Karabakh.

Theo các nguồn tin, Đức và Pháp đã yêu cầu tổ chức cuộc họp trên, các quốc gia châu Âu khác hiện giữ cương vị thành viên tại HĐBA LHQ - gồm Bỉ, Anh, Estonia - đều ủng hộ động thái này.

Trước đó, Nga, Mỹ, Iran, Tây Ban Nha, EU và nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Nagorno-Karabakh, đồng thời kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn.

Giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đã bùng phát. Hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng pháo hạng nặng.

Nagorno-Karabakh là khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

(theo Reuters, Sputnik)