📞

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Chiến sự căng thẳng, 2 tiểu đoàn bị xóa sổ; Khả năng đàm phán bằng 0, Nga-Thổ-Iran sẽ làm gì?

Thế Việt 06:44 | 30/09/2020
TGVN. Tình hình chiến sự giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đang diễn ra hết sức căng thẳng.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev bác bỏ khả năng đàm phán với Armenia. (Nguồn: Karar)

Ngày 29/9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo, 2 tiểu đoàn của lực lượng vũ trang Armenia đã bị loại khỏi vòng chiến đấu ở Nagorno-Karabakh.

Theo Bộ này, các cuộc tấn công bằng pháo của Azerbaijan đã xóa sổ các vị trí của tiểu đoàn 1, trung đoàn bộ binh cơ giới số 5 Lực lượng vũ trang Armenia, nằm gần khu dân cư Gasangai ở vùng Terter, cũng như tiểu đoàn 1, trung đoàn bộ binh cơ giới số 6 đóng ở hướng Talysh.

“Kẻ thù, bị tổn thất nặng nề, đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm phương tiện để sơ tán người chết và bị thương”, Văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo.

Trước đó, đại diện Bộ Quốc phòng Armenia Artsun Hovhannisyan cho biết, 137 xe bọc thép của Lực lượng vũ trang Azerbaijan đã bị phá hủy ở Nagorno-Karabakh kể từ khi xung đột nổ ra.

Ngoài ra cùng ngày, Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan cho biết, một chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một cường kích Su-25 của Armenia trên không phận Armenia, phi công máy bay cường kích đã thiệt mạng. Tuy nhiên, Ankara bác bỏ thông tin này.

Tronng khi đó, cùng ngày, phát biểu với kênh truyền hình Rossiya 1 của Nga, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nói không biết gì về thông tin trên: "Chỉ mới đây tôi mới được thông báo về thông tin này... Các phản lực F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào cuộc chiến".

Tổng thống Aliyev nói thêm, vai trò của Ankara trong khu vực chỉ mang tính chất "ổn định", không can dự lập tức vào năng lực của một bên xung đột: “Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho chúng tôi sự hỗ trợ về mặt tinh thần. Chúng tôi cảm ơn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vì sự đoàn kết và hỗ trợ”.

Bên cạnh đó, ông Aliyev cũng cho hay: “Tình hình tại mặt trận đang căng thẳng. Chúng tôi buộc phải có phản ứng tương xứng với kẻ xâm lược để bảo vệ quốc gia, người dân và đất đai của chúng tôi”.

Tổng thống Azerbaijan đã bác bỏ bất kỳ khả năng đàm phán nào với nước láng giềng Armenia về khu vực Nagorno-Karabakh, đồng thời khẳng định những đòi hỏi của Yerevan là không thể chấp nhận được.

Trước đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng cho hay, không khí hiện nay không phù hợp cho các cuộc đàm phán với Azerbaijan.

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 29/9, phát biểu tại cuộc họp báo định kỳ ở Tehran, người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei cho hay: "Chúng tôi tin tưởng cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng Azerbaijan và Armenia có thể được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể hỗ trợ hai nước này xóa bỏ bất đồng một cách hòa bình trên cơ sở các nghị quyết của Liên hợp quốc".

Ông Rabiei cũng nói thêm, Iran thường xuyên lên tiếng tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan và Armenia nói riêng và chủ quyền quốc gia của tất cả các nước nói chung.

Cùng ngày, trong tuyên bố được các nước thành viên nhất trí thông qua tại các cuộc họp khẩn về cuộc xung đột này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi các lực lượng Armenia và Azerbaijan "ngừng giao tranh ngay lập tức, giảm thiểu căng thẳng và trở lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa mà không có sự trì hoãn" tại vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh, sau 3 ngày đụng độ đẫm máu.

(theo Reuters, AFP)