Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine đến nay, Mông Cổ đã trải qua hơn một năm đầy khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Ảnh minh họa. (Nguồn: News.MN) |
Ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội
Mông Cổ phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu nhiều mặt hàng chiến lược từ Nga. Cụ thể, 28% hàng hóa của Ulaanbaatar đến từ Moscow, đặc biệt là các sản phẩm dầu mỏ. Chính vì thế, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga khiến Mông Cổ gặp không ít khó khăn trong việc nhập khẩu xăng dầu từ láng giềng phía Nam. Trước tình hình đó, để giảm chi phí nhập khẩu và ổn định nguồn cung, Ulaanbaatar đã miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiên liệu diesel đến tháng 7/2023. Chính quyền Mông Cổ thỏa thuận với các nhà cung cấp năng lượng Nga để bảo đảm nguồn cung ổn định các sản phẩm dầu mỏ chính cho đến năm 2027.
Lạm phát toàn cầu do xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng lớn đến kinh tế Mông Cổ. Đó là chưa kể tới các chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng liên quan đến Covid-19 và chính sách zero-Covid của Trung Quốc đã khiến chi phí vận chuyển các sản phẩm tiêu dùng chính như lúa mỳ hay dầu gia tăng, nguồn cung bị gián đoạn. Điều này đã góp phần đẩy lạm phát nước này lên 16,1% vào tháng 6/2022, mức cao nhất kể từ năm 2014. Trong đó, tăng giá các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm và xăng dầu chiếm tới 9,2%.
Giá nhiên liệu và lương thực tăng cao đã làm tăng chi phí nhập khẩu, gây thêm áp lực lên cán cân thanh toán của Ulaanbaatar. Năm 2022, giá trị nhập khẩu xăng dầu tăng 52% vào năm 2022, trong khi lượng dầu chỉ tăng 3,9%. Điều này đã gây ra tác động tiêu cực đối với dự trữ ngoại hối của Mông Cổ. Cụ thể, từ tháng 2 đến cuối năm ngoái, dự trữ ngoại hối nước này giảm 7,7% và đồng Togrog của Mông Cổ mất giá 20,1%.
Để đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng, Ngân hàng Trung ương Mông Cổ đã thắt chặt chính sách tiền tệ trong suốt năm 2022 và tăng lãi suất chính sách lên 13%, đồng thời để chính sách tài khóa mở rộng.
Có thể nói, tác động từ xung đột Nga-Ukraine và Covid-19 đã gây ra khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mông Cổ trước sự gián đoạn nguồn cung, thiếu hụt nhân lực và nhu cầu tiêu dùng giảm. Đặc biệt, những công ty sản xuất và thương mại đã gặp nhiều thách thức do việc vận chuyển qua Nga bị đình trệ đáng kể, hoạt động nhập khẩu, quá cảnh từ Trung Quốc bị chậm lại, giá nguyên liệu thô và vận chuyển tăng vọt.
Xung đột không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, các doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến từng hộ gia đình. Trong khi lạm phát gia tăng, lương hưu, phúc lợi xã hội và tiền lương không thay đổi. Do đó, tác động này gây áp lực lên các hộ gia đình có thu nhập thấp, phụ thuộc vào phúc lợi, cũng như nhóm người dễ bị tổn thương.
Trước tình hình xung đột Nga-Ukraine “chưa thấy hồi kết”, kinh tế thế giới, trong đó có Mông Cổ, tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề, và các gia đình, nông dân cũng như doanh nghiệp nước này vẫn sẽ bị “kẹt” trong nhiều khó khăn. |
Áp lực trong chính sách đối ngoại
Theo một số chuyên gia, do những ràng buộc về kinh tế, lịch sử và địa lý với nước láng giềng lớn, Ulaanbaatar khó có thể giảm sự phụ thuộc vào Moscow.
Vì vậy, chính quyền Mông Cổ mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga và luôn giữ thái độ trung lập trước tình hình ở Ukraine khi liên tục từ chối chỉ trích Nga trong các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) về Ukraine.
Trong đối thoại chiến lược hồi tháng Tám năm ngoái với Mỹ, Mông Cổ đã nêu quan điểm của mình: “Các tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc về chủ quyền và tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, cũng như không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”. Cả hai đều bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở Ukraine.
Tháng 9/2022, phát biểu trước ĐHĐ LHQ, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh cũng khẳng định cả Nga và Ukraine phải tìm giải pháp hòa bình cho xung đột. Tuy nhiên, trong tất cả các cuộc bỏ phiếu của LHQ về chiến dịch quân sự của Moscow, Mông Cổ luôn bỏ phiếu trắng.
Tuy nhiên, chính quyền Ulaanbaatar cũng không chỉ trích lệnh trừng phạt các nước phương Tây áp đặt lên Nga, dù những biện pháp này đã ảnh hưởng không ít đến nền kinh tế Mông Cổ. Ví dụ, trừng phạt đối với các ngân hàng Nga đã khiến việc thanh toán các mặt hàng Mông Cổ nhập khẩu từ Moscow trở nên khó khăn.
Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 ngày 21/9/2022. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, Mông Cổ cũng quan ngại về viễn cảnh Chiến tranh Lạnh có thể xảy ra khi Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau, trước sự cạnh tranh gia tăng với các nước phương Tây.
Chia sẻ với tạp chí Time tháng 4/2021, cựu Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj Tsakhia cho biết: “Chúng tôi đang đứng trước nhiều thách thức để giữ vững nền dân chủ của mình... Mông Cổ vẫn đang nỗ lực cho sự sống còn và phát triển của đất nước”.
Vì vậy, trong những năm gần đây, bên cạnh việc củng cố quan hệ với “hàng xóm” có chung nhiều lợi ích sát sườn, Mông Cổ thúc đẩy chính sách “các nước láng giềng thứ ba”, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia phương Tây khác.
Năm ngoái, Mông Cổ tổ chức các cuộc tham vấn song phương thường niên lần thứ 15 và cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên với Mỹ, nhằm tăng cường quan hệ với Đối tác chiến lược này tại thủ đô Ulaanbaatar.
Ngoài ra, trong nửa cuối năm 2022, Tổng thống Khurelsukh đã thăm Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi ông Luvsannamsrain Oyun-Erdene - Thủ tướng nước này đã công du tới Đức để đẩy mạnh quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như tận dụng tối đa chính sách đối ngoại đa dạng của mình.