Mỹ cam kết gửi thêm các hệ thống pháo có độ chính xác cao cho Ukraine. (Nguồn: AFP) |
Tiếp lực để Ukraine trụ vững
Ngày 20/7, Mỹ cam kết gửi thêm các hệ thống pháo có độ chính xác cao cho Kiev, ngay sau khi Moscow tuyên bố chiếm đóng lãnh thổ của Ukraine bên ngoài khu công nghiệp miền Đông Donbass.
Tuyên bố được đưa ra khi Ủy ban châu Âu kêu gọi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Khối này cũng nhất trí ban hành lệnh cấm vận đối với vàng xuất khẩu của Nga, song Kiev cho rằng đây không phải là biện pháp phù hợp.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Washington sẽ gửi thêm 4 Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), vốn tăng cường đáng kể năng lực của Kiev trên chiến trường trong những tuần gần đây nhờ bắn trúng các mục tiêu của Nga từ xa.
Ông Austin nói với các phóng viên: “Ukraine cần hỏa lực và đạn dược để trụ vững trước sự càn quét này và chống trả”, nói thêm rằng đợt viện trợ này sẽ nâng tổng số HIMARS gửi cho Kiev lên 16.
Vài giờ trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố quân đội của Moscow sẽ không chỉ tập trung vào 2 khu vực miền Đông là Luhansk và Donetsk. Ông giải thích: “Địa lý hiện nay đã khác. Vấn đề không chỉ nằm ở Donetsk và Luhansk, mà còn cả khu vực Kherson, Zaporizhzhia và một số vùng lãnh thổ khác”.
Ngày 19/7, Mỹ cho biết Nga “bắt đầu triển khai một chiến dịch có thể coi là một kịch bản sáp nhập” - viện dẫn các khu vực mà ông Lavrov đã đề cập.
Kể từ khi xung đột nổ ra hôm 24/2, các lực lượng Nga đã dần tiến tới các khu vực trên và đối mặt với sự kháng cự quyết liệt từ Ukraine.
Vừa qua, Tổng thống Ukraine Zelensky bày tỏ hy vọng rằng yêu cầu viện trợ các hệ thống chống tên lửa của Kiev sẽ sớm được hồi đáp. Ông nói: “Tôi hy vọng câu trả lời cho các yêu cầu của chúng tôi sẽ không đến lâu”.
Một binh sĩ Ukraine gọi điện đàm với đồng đội tại căn cứ địa ở Kharkov. (Nguồn: the Guardian) |
Chưa thể có đàm phán hòa bình?
Nga đã có bước tiến chậm rãi ở phía Đông sau khi thất bại trong việc chiếm đóng thủ đô Kiev và bị đẩy lùi khỏi thành phố lớn thứ hai là Kharkov. Tuy nhiên, theo giới chức địa phương, Nga đã tiến hành nhiều đợt pháo kích liên tiếp vào Kharkov.
Vừa qua, một chiến dịch phản công của Ukraine ở phía Nam đã giúp Kiev lấy lại một vài vùng lãnh thổ, chủ yếu nhờ các hệ thống pháo tầm xa do phương Tây cung cấp.
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine là một yếu tố khiến Moscow quyết định tập trung ra ngoài khu vực miền Đông, đồng thời khẳng định tham vọng mở rộng vùng chiếm đóng nếu việc viện trợ này vẫn tiếp diễn.
Ông Lavrov cũng bác bỏ ý định tiếp tục đàm phán hòa bình với Ukraine, nhấn mạnh rằng các vòng đàm phán trước đó cho thấy Kiev không sẵn sàng thỏa thuận một cách “nghiêm túc”. Ông cho biết: “Việc này không có ý nghĩa nào trong hoàn cảnh hiện tại”.
Tuy nhiên, các phái đoàn Nga và Ukraine được kỳ vọng sẽ đến Istanbul trong những ngày tới để đàm phán về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen. Ngày 20/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hy vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận “trong tuần này”.
Trừng phạt đổi lấy trừng phạt
Phương Tây đã đáp trả chiến dịch quân sự của Nga bằng nhiều gói trừng phạt nặng nề, trong khi Nga cũng cắt nguồn cung khí đốt cho phương Tây, đe dọa nguy cơ khủng hoảng cung ứng và giá cả.
Trong gói trừng phạt mới nhất ngày 20/7, EU nhắm vào vàng xuất khẩu và đóng băng các tài sản của ngân hàng lớn nhất tại Nga là Sberbank.
Brussels cũng yêu cầu các thành viên EU giảm phụ thuộc 15% vào khí đốt tự nhiên nhằm hạn chế nguồn cung từ Nga, vốn chiếm 40% nhiên liệu nhập khẩu của EU trong năm ngoái. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng các biện pháp trên là chưa đủ. Ông nói: “Nga phải trả một cái giá đắt hơn, qua đó buộc họ phải tìm kiếm giải pháp hòa bình”.
Bình luận về việc Nga cắt nguồn cung khí đốt, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: “Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí”, đồng thời coi việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt là “một kịch bản nhiều khả năng xảy ra” và “châu Âu cần sẵn sàng cho điều này”.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng khí đốt cung ứng cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, vừa được đóng trong 10 ngày để bảo trì, có thể sẽ bị cắt giảm hơn nữa.
Nga, nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, đã bác bỏ cáo buộc của phương Tây về việc sử dụng nguồn cung năng lượng làm "vũ khí" ép buộc, đồng thời khẳng định nước này luôn là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.
Ngày 20/7, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ không cung cấp dầu cho thị trường thế giới nếu bị áp mức giá bán thấp hơn chi phí sản xuất.
Do tác động kinh tế từ cuộc xung đột, chính phủ Ukraine cho biết sẽ yêu cầu các nhà đầu tư cho phép nước này hoãn thanh toán nợ nước ngoài trong 2 năm. Lãnh đạo nhóm các chủ nợ cho biết họ đã nhất trí với đề xuất này, đồng thời thúc giục các trái chủ có động thái tương tự.
| Xung đột Nga-Ukraine: Khối Nam Mỹ cự tuyệt mong muốn phát biểu của ông Zelensky, Trung Quốc hối đình chiến lập tức Ngày 20/7, khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đã bác đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được phát biểu tại Hội nghị ... |
| Lầu Năm Góc nói Nga 'tính toán sai lầm', Đệ nhất phu nhân Ukraine đến Mỹ đề nghị cung cấp thêm vũ khí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 20/7 nhận định, xung đột ở Ukraine đang ở vào giai đoạn quan trọng và phương Tây ... |