Với nền văn hóa đậm đà bản sắc cùng những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển, Việt Nam đang sở hữu những tài sản quý giá thuộc “sức mạnh mềm”, cần được phát huy, tạo thêm xung lực mới để gia tăng “sự nhận diện Việt Nam” trên phạm vi toàn cầu.
Nhân dịp đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tham dự Khóa họp 42 của Đại Hội đồng UNESCO, tham dự các sự kiện văn hóa đặc sắc, nổi bật là lễ khai mạc Ngày Việt Nam tại Pháp 2023, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã chia sẻ về ý nghĩa những nỗ lực ngoại giao văn hóa trên đất Pháp.
Các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam trong chương trình “Ngày Việt Nam tại Pháp”, ngày 6/11. (Nguồn: TTXVN) |
Xin Đại sứ chia sẻ ý nghĩa và những điểm nhấn nổi bật của sự kiện Ngày Văn hóa Việt Nam tại Pháp lần này?
Ngày Văn hóa Việt Nam tại Pháp được tổ chức lần này là sự kiện quan trọng, nhân năm kỷ niệm những cột mốc lớn trong quan hệ hai nước, đó là năm thập kỷ quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược, góp phần nâng cao dấu ấn cho sự phát triển đáng tự hào của quan hệ Việt Nam - Pháp.
Các hoạt động phong phú được triển khai từ đầu năm tới ở hai nước trên cả lĩnh vực chính trị, trao đổi của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mạo đầu tư, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo... cùng với hàng hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, giao lưu hội họa, điện ảnh, thể thao đến trao đổi trên lĩnh vực di sản, bảo tồn - bảo tàng, ẩm thực phản ánh được sự phát triển phong phú và sâu đậm của quan hệ hai nước.
Ngày Văn hóa Việt Nam là dịp để các hai bên tiếp tục hun đúc cho tình hữu nghị và tạo sức bật cho hợp tác song phương. Thời điểm tổ chức sự kiện mang ý nghĩa lớn, chỉ vài tuần sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp E. Macron. Có thể nói, đây cũng là bước triển khai đầu tiên của một trong những nội dung được Lãnh đạo cấp cao nhất trí tại cuộc điện đàm, đó là tăng cường giao lưu nhân dân, một trong năm trụ cột của Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Thông điệp mà Đại sứ muốn nhắn gửi thông qua sự kiện có ý nghĩa này là gì?
Quan hệ Việt Nam - Pháp đã có một sự tích lũy quan trọng cả về lượng cũng như về chất. Chúng ta đang chứng kiến sự hưởng ứng rất lớn của các đối tác và bạn bè tại Việt Nam cũng như Pháp đối với các hoạt động sôi nổi trong khuôn khổ năm kỷ niệm này, các kết quả tích cực, nội hàm phong phú là những nền tảng quan trọng cho các đối tác hai bên tiếp tục đưa các kết nối của mình và phát triển sâu rộng hơn.
Nhận thức chung giữa hai nước về tầm nhìn của mối quan hệ Đối tác chiến lược tạo cho chúng ta niềm tin vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Pháp trong tương lai.
Trên tinh thần đó, sự kiện Ngày Việt Nam tại Pháp 2023 tiếp tục khẳng định sự đánh giá cao đối với chặng đường phát triển đầy tự hào trong quan hệ hai nước, đồng thời nhấn mạnh thông điệp mong muốn hai nước Việt Nam và Pháp nỗ lực tăng cường hợp tác để mở đường cho quan hệ vươn tới những tầm cao mới.
Chia sẻ về Ngày Việt Nam tại Pháp, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, sự kiện mang “một Việt Nam tươi đẹp, thanh bình, mến khách, phát triển năng động, giàu truyền thống văn hóa” đến gần gũi hơn với bạn bè và người dân Pháp. |
“Đêm di sản Việt Nam” hay Ngày văn hoá Việt Nam tại Saintes… là những sự kiện ngoại giao văn hóa nổi bật trong năm qua mà Đại sứ quán tổ chức thành công trên đất bạn, vì sao Đại sứ lại lựa chọn văn hóa là một trong những trọng tâm triển khai trong năm đặc biệt này của quan hệ hai nước?
Văn hóa là thế mạnh của Việt Nam, luôn là “tài sản” lớn của dân tộc và của đối ngoại. Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 xác định ngoại giao văn hóa góp phần đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định; bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế quốc gia.
Xác định đây là phạm trù nằm trong năm trụ cột của Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp luôn nhận thức và nỗ lực triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm góp phần giữ gìn và nâng cao hình ảnh dân tộc Việt Nam, là một dân tộc gần gũi với nhân dân Pháp, một dân tộc giàu lòng nhân ái, quả cảm trong đấu tranh giành độc lập, tự do, đồng thời rất năng động, sáng tạo và thành công trong xây dựng, phát triển đất nước, đang hội nhập mạnh mẽ với khu vực và quốc tế.
Với bề dày quan hệ truyền thống, dân chúng Pháp có thiện cảm với con người và đất nước Việt Nam, luôn ủng hộ các hoạt động giao lưu hợp tác giữa hai nước thời gian qua ở mọi hình thức, cấp độ, cả ở trung ương và địa phương.
Các hoạt động văn hóa hội đoàn, tình cảm đoàn kết, tương thân tương ái, nhân đạo luôn thu hút được số lượng lớn người tham gia. Như vậy, quảng bá văn hóa kết hợp giao lưu nhân dân tạo cơ sở thuận lợi cho việc thúc đẩy vai trò và hình ảnh Việt Nam tại Pháp.
“Văn hóa sẻ chia” là chủ đề của dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hai nước, thể hiện ngay trong logo 50 năm quan hệ ngoại giao, theo Đại sứ, vì sao văn hóa lại có tầm quan trọng như vậy trong “bắc cầu” quan hệ song phương?
Pháp là địa bàn có nhiều lợi thế để triển khai ngoại giao văn hóa, có nhiều chất liệu, sân chơi để thể hiện. Pháp và người dân Pháp luôn coi trọng và đề cao văn hóa, ưa thích khám phá nên việc tiếp cận mọi vấn đề bằng khía cạnh văn hóa là phương thức cuốn hút và dễ đạt đến thành công.
Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là cộng đồng lớn, gắn bó với quê hương, hướng về đất nước nên các hoạt động văn hóa, hội đoàn do chính kiều bào ta tại Pháp tổ chức dễ huy động được sự tham gia của nhiều người.
Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, một trong hai Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, trong nhiều năm qua đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp và châu Âu. Vietnam Airlines có đường bay thẳng và khai thác nhiều chuyến bay trong tuần cũng tạo điều kiện kết nối hai nước. Trong thời gian qua Đại sứ quán đã triển khai được hàng loạt các hoạt động phong phú, đa dạng, trải rộng trên khắp các vùng miền của nước Pháp, tạo được hiệu ứng lan tỏa tới nhiều tầng lớp nhân dân, đối tác phía bạn.
Có thể nói, công tác ngoại giao văn hóa tại địa bàn đã tranh thủ phát huy sự gần gũi về văn hóa, mối thiện cảm giữa hai dân tộc để tiến hành các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam liên tục trong năm, thu hút được sự quan tâm lớn của người dân Pháp, kết hợp được cả quảng bá hình ảnh Việt Nam, đồng thời góp phần tăng cường nền tảng xã hội có tính lan tỏa cho quan hệ Việt Nam - Pháp và mở rộng, khai thác hiệu quả hơn hệ thống đối tác phong phú giữa hai nước.
Màn trình diễn múa rồng gây ấn tượng với nhiều quan khách tại sự kiện Sắc màu văn hóa Việt Nam tại trụ sở UNESCO. (Nguồn: TTXVN) |
Từ những thực tiễn triển khai đó, Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của ngoại giao văn hóa hiện nay?
Vai trò của ngoại giao văn hóa được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cụ thể là “đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, việc quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường sức mạnh mềm, trở thành trọng tâm của tất cả các quốc gia, góp phần nâng cao vị thế. Như trên đã nói, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 của chúng ta cũng đã nhấn mạnh điều này.
Với nền văn hóa đậm đà bản sắc cùng những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển, Việt Nam đang sở hữu những tài sản quý giá thuộc “sức mạnh mềm”, cần được phát huy, tạo thêm xung lực mới để gia tăng “sự nhận diện Việt Nam” trên phạm vi toàn cầu.
Đây là chính là nhiệm vụ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, liên tục đổi mới, sáng tạo các hình thức quảng bá hình ảnh cho đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy phối hợp với nhiều đối tác ngày càng đa dạng.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Ngày 6/11 tại trụ sở UNESCO ở thủ đô Paris, Pháp đã diễn ra “Đêm Văn hóa Việt Nam - Sắc màu Việt” trước thềm Khóa họp 42 của Đại Hội đồng UNESCO. Sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo của gần 200 đại sứ, đại diện các nước thành viên và lãnh đạo UNESCO. Tại sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh vai trò của di sản văn hóa là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo, cầu nối giao lưu và hiểu biết giữa các dân tộc, nền tảng để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Tôn trọng và bảo vệ di sản văn hóa của mỗi quốc gia sẽ tăng cường sự đoàn kết, giảm bạo lực và xung đột, thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững. |
| Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với cộng đồng quốc tế Chiều 5/10, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị sơ kết ... |
| Lan toả di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cộng đồng quốc tế Trong bối cảnh hiện nay, lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ... |
| Dấu mốc mới trong hành trình ngoại giao di sản ”Việc quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà được ghi danh là minh chứng sống động, khẳng định một đóng góp cụ thể nữa ... |
| Đại sứ quán Việt Nam tổ chức chiếu phim kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Qatar Giới thiệu những nét đẹp của văn hóa Việt Nam đến công chúng Qatar và bạn bè quốc tế, buổi chiếu phim đã gây ấn ... |
| Ấn tượng ‘Đêm văn hóa Việt Nam’ tại Budapest, Hungary Buổi biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hoá “Đêm văn hoá Việt Nam” đã diễn ra thành công tốt đẹp, khép lại với nhiều ... |