Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp. |
Ngày 3/11, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York (Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 78 đã họp phiên toàn thể để thảo luận về Báo cáo công tác năm của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).
Chủ tịch Tòa Công lý quốc tế, Thẩm phán Joan Donoghue cho biết trong năm 2023, Tòa đã ban hành 4 bản án, 20 lệnh về thủ tục, và xem xét 2 yêu cầu cho ý kiến tư vấn. Hiện nay Toà đang thụ lý gần 20 vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực luật pháp quốc tế như phân định biển, biên giới lãnh thổ, quan hệ ngoại giao, nhân quyền, môi trường...
Ngoài ra, Tòa cũng tiếp tục rà soát thủ tục và phương pháp làm việc, ghi nhận việc ban hành một số sửa đổi có lồng ghép vấn đề giới tính vào Nội quy của Toà.
Đại diện của gần 100 quốc gia đã tham gia phát biểu tại phiên họp. Hầu hết các phát biểu đều đánh giá cao sự đóng góp của Tòa án đối với hòa bình, an ninh quốc tế, góp phần giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và đưa ra ý kiến tư vấn về khía cạnh pháp lý của nhiều vấn đề được quốc tế quan tâm, gần đây nhất là việc yêu cầu Tòa án đưa ra ý kiến tư vấn liên quan đến Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH).
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định sự đa đạng của các vấn đề đang được Toà xem là minh chứng rõ ràng cho tính phổ quát và thẩm quyền chung của Toà.
Sự củng cố luật pháp quốc tế là nền tảng quan trọng cho việc cùng tồn tại hoà bình giữa các quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và thực hiện nghiêm túc quyết định, bản án của các cơ quan tài phán quốc tế.
Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh một chức năng cốt lõi khác của Toà là cung cấp ý kiến tư vấn theo quy định của Hiến chương LHQ nhằm làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý liên quan đến các vấn đề lớn được cộng đồng quốc tế quan tâm, trong đó có vấn đề BĐKH. Việt Nam cho rằng các tiến trình này có thể tạo ra tác động sâu sắc đến cách giải thích các nghĩa vụ môi trường theo luật pháp quốc tế.
Cụ thể, Toà cần làm rõ nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng khác biệt” cũng như nghĩa vụ hợp tác, bao gồm cả thông qua chuyển giao công nghệ xanh và trách nhiệm trong trường hợp vi phạm các nghĩa vụ đó. Đại diện Việt Nam nhấn mạnh ý kiến tư vấn của Toà sẽ góp phần củng cố những nỗ lực chung nhằm ứng phó với BĐKH.
Ngày 29/3/2023, Đại hội đồng LHQ đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết yêu cầu Toà án Công lý quốc tế đưa ra ý kiến tư vấn về trách nhiệm của quốc gia đối với BĐKH. Nghị quyết được đệ trình theo sáng kiến của Vanuatu và Nhóm nòng cốt gồm 18 nước, trong đó có Việt Nam. Nhóm mong muốn tận dụng vai trò của Toà án để làm rõ nghĩa vụ của các nước trong việc gây ra những hệ quả tiêu cực của BĐKH đối với nhiều nước, nhất là các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. |
Tòa án Công lý quốc tế là cơ quan tư pháp chính của LHQ, được thành lập năm 1945 theo Hiến chương LHQ. ICJ có chức năng giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia và đưa ra kết luận tư vấn về vấn đề pháp lí theo yêu cầu của Đại hội đồng, Hội đồng bảo an hoặc cơ quan khác của LHQ. ICJ có 15 thẩm phán đại diện cho các hệ thống pháp luật chính của thế giới, được bầu với nhiệm kỳ 9 năm bởi Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an. |