📞

Y phục: Thông điệp ẩn ý

08:51 | 04/01/2017
"Trong xã hội ngày một ảo, thời trang đang trở thành thứ ngôn ngữ toàn cầu. Dù bạn có tin hay không, các bộ cánh luôn là một trong những yếu tố gây ấn tượng đầu tiên và mãi mãi".

Đó là nhận định của Cory Roche, nhà tạo mẫu đẳng cấp tại Hollywood. Thật vậy, Roche hoàn toàn có lý khi các chính trị gia ngày nay luôn coi trọng trang phục của mình bởi chúng có thể ẩn chứa nhiều hàm ý sâu xa.

Đồng tình với quan điểm trên, tiến sĩ Rebecca Arnold, giảng viên Viện Courtauld cũng nhận định, trong kỷ nguyên mạng xã hội, sự chú ý tới ngoại hình của các chính trị gia và các nhân vật có vai vế đang ngày một tăng lên.

Hoàng hậu Michiko trong một buổi gặp với Hoàng hậu Silvia của Thụy Điển năm 2007. (Nguồn: Duli Mahkota)

Trong con mắt mọi người, đệ nhất phu nhân Mỹ Michell Obama luôn là một tín đồ thời trang sành điệu, tinh tế. Mỗi trang phục bà khoác lên người khi tham gia bất cứ sự kiện nào đều là tâm điểm chú ý, được giới truyền thông “mổ xẻ” nhiệt tình. Nào là bộ áo dài không tay đậm chất nữ tính nhưng vẫn bảo đảm nét truyền thống Nhật Bản mà nhà thiết kế Tadashi Shoji tạo riêng cho bà trong bữa tiệc Nhà Trắng chiêu đãi vợ chồng Thủ tướng Shinzo Abe. Đến chiếc váy tím Narciso Rodriguez mà Michell mặc khi tiếp phu nhân Tổng thống đắc cử Donald Trump, được ví như sự chia sẻ nỗi buồn với nhiều người dân nước này khi bà Hillary Clinton thất cử. Màu tím đậm ấy dường như còn thể hiện sự hy vọng của vị Đệ nhất phu nhân với các nỗ lực lưỡng đảng trong chính quyền mới, bởi màu tím chính là màu của sự pha trộn giữa màu đỏ (đại diện cho đảng Cộng hòa) và màu xanh biển (đại diện của đảng Dân chủ).

Còn với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, dù không giành được thắng lợi trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng có lẽ, bà cũng được an ủi phần nào khi gu thời trang mang thông điệp sâu xa của mình được giới mộ điệu đánh giá ngày một “sành” hơn.

Vẫn trung thành với phong cách quần dài, áo vest, nhưng màu sắc và kiểu dáng trang phục của bà đã có những thay đổi đáng kể. Không còn những bộ đồ cứng nhắc, tạo sự nhàm chán, màu sắc phục trang của Hillary trở nên tươi mới hơn, đầy hàm ý. Ví như bộ vest trắng  muốt bà mặc trong buổi tranh luận thứ ba với ứng viên Donald Trump cho thấy sự tự tin, coi mình là một nguồn sáng dẫn dắt, làm nổi bật phần màu trắng trên lá quốc kỳ Mỹ, hay tượng trưng cho quyền được bầu cử của nữ giới… Hillary cũng ấn tượng hơn với bộ suit đỏ sang trọng của Ralf Lauren lừng danh, như một thông điệp của quyền lực và sự quyết tâm.

Có câu “Y phục xứng kỳ đức”. Điều này giống như một chân lý, đặc biệt với người phụ nữ cao tuổi quyền quý như hoàng hậu Nhật Bản Michiko. Dù đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, ở Hoàng hậu vẫn toát lên những nét quyền uy mà gần gũi, thể hiện qua mỗi trang phục bà mang trên mình.

Xuất phát điểm không phải là con nhà quý tộc, khi còn là sinh viên, cô gái trẻ Shoda Michiko lựa chọn cho mình phong cách giản dị, nhẹ nhàng. Song khi trở thành người của Hoàng gia Nhật Bản, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, mỗi lần xuất hiện trước công chúng, Hoàng hậu vẫn lựa chọn cho mình những phục trang phù hợp nhất. Đó có thể là bộ kimono truyền thống, hay áo choàng cape cùng sơ mi phong cách quân đội khi đi thăm dân chúng khiến ranh giới địa vị như bị xóa nhòa. Người dân xứ sở mặt trời cảm thấy bậc “Mẫu nghi thiên hạ” của họ thật thân quen mà không giảm sút đi sự kính trọng bà.

Với gu thời trang xuất sắc, các trang phục hiện đại của phương Tây còn được Hoàng hậu phối khéo léo với chiếc quạt giấy truyền thống, tạo nên một cuộc giao thoa văn hóa thời trang. Thật tinh tế và đáng ngưỡng mộ!

Nguyên thủ các nước APEC trong trang phục truyền thống của Hàn Quốc. (Nguồn: ilbe)

Song, không chỉ phụ nữ là tín đồ thời trang. Các chính trị gia nam cũng không chịu “kém cạnh”. Mỗi “bộ cánh”, thậm chí đôi giày họ mang trên người, ngoài sự đẳng cấp, còn toát lên những cá tính riêng, ngụ ý riêng.

Chẳng hạn, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair thích mang loại nửa ủng, nửa giày, kiểu cổ điển. Đây như một sự khẳng định tinh thần Anh ngấm sâu vào trong máu vị cựu nguyên thủ. Đôi giày cũng cho thấy tính cách thẳng thắn và xuất thân từ một gia đình trung lưu, nơi tình yêu lao động luôn được đề cao của Tony Blair.

Hay sự xuất hiện của Tổng thống Bush trong khi diễn ra đại hội đảng Cộng hòa năm 2004, với một đôi ủng đen, thêu chữ cái đầu tên mình và hình quốc kỳ Mỹ, thực sự gây chú ý bởi đó như một sự ngợi ca khéo léo, chủ nhân của đôi giày đang được sự ủng hộ rất nhiều từ bạn bè từ thời còn học phổ thông.

Các nguyên thủ quốc gia còn đặc biệt gây ấn tượng khi mặc cùng một loại đồng phục tới dự một sự kiện quan trọng. Khác với vẻ lịch lãm thường thấy qua các bộ complet, mỗi lần tới Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), các nguyên thủ các nền kinh tế thành viên đều mặc những trang phục mang màu sắc của nước chủ nhà. Lúc là tấm áo khoác da ở Canada, khi lại “duyên dáng” trong chiếc áo bằng lụa màu tím pha đen, cổ dài của Bắc Kinh hay áo dài của Việt Nam.

Truyền thống đó của APEC được duy trì suốt từ năm 1993. Nó thể hiện nhiều thông điệp lý thú về sự tôn trọng truyền thống của nước đăng cai, sự gắn kết giữa các thành viên trong tổ chức. Khoác lên mình cùng một loại trang phục, khoảng cách giữa các quốc gia như được thu hẹp hơn. Và các vị đứng đầu nhà nước, trong những bộ đồng phục như vậy, dường như cũng trở nên bình dị, đời thường hơn.

(theo daibieunhandan.vn)