TS. Nguyễn Văn Đáng chia sẻ góc nhìn về quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. |
Kỳ vọng vào chính sách nghiêm khắc
Ngày 27/6 vừa qua, với 357/448 đại biểu tán thành, Quốc Hội đã thông qua quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Sau nhiều tranh luận, quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng sự an toàn cho mọi cá nhân khi tham gia giao thông.
Trên thực tế, với những người có ý thức và khả năng tự kiểm soát cao thì việc uống một chút rượu, bia cũng không ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông. Tuy nhiên, ở bất kỳ quốc gia nào, một trong những yếu tố có liên hệ mật thiết với các vụ tai nạn giao thông đường bộ là việc lái xe sau khi lạm dụng rượu, bia. Mối liên hệ này được củng cố với không ít vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra khi người lái xe trong tình trạng “say xỉn”.
Vì thế, trên phạm vi toàn cầu, mặc dù tình trạng tai nạn giao thông đường bộ là hệ quả tổng hợp từ nhiều yếu tố nhưng việc kiểm soát nồng độ cồn với những người lái xe vẫn được coi là một biện pháp cần thiết. Tại một số nước phát triển, uống rượu, bia rồi lái xe thậm chí sẽ bị coi là hành vi thiếu văn hóa, chứ không đơn giản chỉ là biểu hiện không tuân thủ luật giao thông đường bộ.
Chẳng hạn tại Mỹ, chính quyền các Bang đều kiểm soát rất chặt chẽ ảnh hưởng của các chất kích thích đến việc lái xe. Cá nhân sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc nếu bị phát hiện đang lái xe với nồng độ cồn hoặc một số chất gây nghiện khác vượt quá tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng đến khả năng làm chủ hành vi tham gia giao thông. Cũng vì thế, đã uống rượu, bia thì dứt khoát không lái xe hoặc ngược lại đã trở thành phản ứng tự giác của tuyệt đại đa số người dân Mỹ.
So với nhiều nước khác, thực hiện quy định mới ban hành ở nước ta cũng đồng nghĩa với việc cấm tuyệt đối cá nhân lái xe tham gia giao thông khi trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn. Chính vì sự nghiêm khắc như vậy cho nên đến nay phản ứng chính sách này vẫn gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn xã hội.
Thói quen tùy tiện
Đặt trong bối cảnh một xã hội đang phát triển như nước ta, việc không cho phép lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ gây ra những tác động kinh tế - xã hội nhất định. Khá nhiều người sẽ buộc phải thay đổi những thói quen bấy lâu nay với rượu, bia.
Tâm lý thận trọng hơn, hạn chế sử dụng rượu, bia của những người lái xe cũng có thể khiến các nhà sản xuất, kinh doanh rượu và bia, các dịch vụ ăn uống, du lịch, giải trí… bị ảnh hưởng nhất định về doanh thu.
Tuy nhiên, nhìn nhận về tác động chính sách thì không chỉ quan tâm đến khía cạnh kinh tế. Trong dài hạn, quy định nghiêm khắc về nồng độ cồn khi lái xe sẽ có thể tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực trên phạm vi cộng đồng. Bởi lẽ, do những đặc điểm thuộc về trình độ phát triển xã hội, truyền thống văn hóa, tâm lý cá nhân, thói quen hành vi, cũng như sự chưa hoàn thiện của các quy định quản lý, việc tiếp cận và sử dụng rượu, bia ở nước ta hiện nay vẫn có thể thực hiện rất dễ dàng.
"Nhìn về tương lai phát triển của đất nước, cấm tuyệt đối hành vi lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn không chỉ hướng tới mục tiêu cụ thể là gia tăng sự an toàn khi tham gia giao thông. Quan trọng hơn, quy định mới sẽ góp phần vun đắp ý thức xã hội về tôn trọng lợi ích chung, sự kỷ luật và văn minh". |
Nếu việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu, bia tại các nước phát triển được quản lý rất chặt chẽ thì ở nước ta hiện nay, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào và bất kỳ ai cũng có thể mua và uống rượu, bia.
Sự cảm tính và dễ dãi với rượu, bia khiến việc lạm dụng rượu, bia rất dễ xảy ra. Thậm chí, cho đến hiện nay nhiều người vẫn tồn tại một quan niệm: năng lực uống rượu, bia còn được coi là “có bản lĩnh”, một tiền đề cho khả năng hòa nhập và thành công trong công việc.
Quy định “zero nồng độ cồn khi lái xe” thể hiện sự không ủng hộ với việc sử dụng rượu, bia tùy tiện. Vì thế, từ nay trở đi, bất cứ khi nào có ý định uống rượu, bia thì cá nhân đều phải xem xét mình có lái xe hay không. Những rào cản pháp luật dần dần sẽ định hình rào cản tâm lý và chi phối hành vi của cá nhân. Tâm lý thận trọng với rượu, bia sẽ có thể lây lan từ người này sang người khác. Nhờ đó, theo thời gian, những thói quen nhậu nhẹt, rượu, bia tùy tiện có thể được đẩy lùi.
Mặc dù chỉ áp dụng với những người lái xe tham gia giao thông nhưng phản ứng nghiêm khắc nêu trên cũng sẽ dán thêm một cái nhãn “lệch chuẩn” cho những người vốn thiếu kiểm soát hành vi sử dụng rượu, bia.
Vì thế, theo thời gian, yêu cầu “zero nồng độ cồn khi lái xe” chắc chắn cũng sẽ có tác động đến nhận thức chung của nhiều người trong xã hội đối với rượu, bia. Nói cách khác, quy định này là một phản ứng chính sách có thể góp phần thiết lập chuẩn mực mới về hành vi với rượu, bia ở nước ta.
Hướng tới một xã hội hiện đại và văn minh thì tất yếu phải kiểm soát chặt chẽ các hành vi lạm dụng chất gây nghiện, trong đó có rượu, bia. (Nguồn: SHUTTERSTOCK) |
Vun đắp ý thức xã hội
Những ai đã có thời gian sống và trải nghiệm tại các xã hội phát triển, văn minh sẽ rất hiếm khi, nếu không muốn nói là không bao giờ bắt gặp những người lao động đến nơi làm việc trong trạng thái "ngà ngà say". Những nơi nào có thể bán rượu, bia, bán loại rượu nào, ai có thể mua… đều được quản lý rất chặt chẽ.
Tại những buổi tiệc, giao lưu, việc uống rượu, bia cũng luôn trong tầm kiểm soát, tôn trọng sở thích cá nhân. Những địa điểm thu hút giới trẻ, nơi rượu, bia có thể được tiêu thụ với số lượng lớn cũng đều được kiểm soát chặt chẽ.
Trái lại, tại các xã hội đang phát triển, người dân và chính quyền có xu hướng dễ dãi hơn với hành vi sử dụng rượu, bia. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là bởi các xã hội đang phát triển chưa hoàn thành tiến trình công nghiệp hóa. Vì thế, những yếu tố văn hóa truyền thống vẫn chi phối lối sống và hành vi cá nhân rất mạnh mẽ. Sử dụng rượu, bia tùy hứng chưa bị coi là một biểu hiện lệch chuẩn nghiêm trọng; ý thức tự kiểm soát hành vi với rượu, bia chưa trở thành phản ứng tự giác của số đông người dân trong xã hội.
Hướng tới một xã hội hiện đại và văn minh thì tất yếu phải kiểm soát chặt chẽ các hành vi lạm dụng chất gây nghiện, trong đó có rượu, bia.
Nói cách khác, việc thỏa mãn sở thích và thú vui cá nhân với một số đồ uống có chất kích thích phải đặt trong quan hệ với sự tôn trọng lợi ích của người khác. Điều này có nghĩa, định hình lối sống và tác phong công nghiệp cho người lao động cần được coi là một yêu cầu tất yếu với các phản ứng chính sách, cũng như các nguyên tắc quản lý trong phạm vi tổ chức.
Cũng vì thế, mặc dù vẫn có thể còn gây tranh cãi về mức độ nghiêm khắc và một số hệ quả không mong muốn về kinh tế nhưng đặt trong bối cảnh nước ta hiện nay, chúng ta cần nhận thức rằng, quy định “zero nồng độ cồn khi lái xe” là cần thiết.
Nhìn về tương lai phát triển của đất nước, cấm tuyệt đối hành vi lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn không chỉ hướng tới mục tiêu cụ thể là gia tăng sự an toàn khi tham gia giao thông. Quan trọng hơn, quy định mới sẽ góp phần vun đắp ý thức xã hội về tôn trọng lợi ích chung, sự kỷ luật và văn minh.
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Báo chí cần 'chuyển mình' trong thời đại số Để tiếp tục thành công trong thời đại số và truyền thông xã hội, báo chí cần thực hiện một loạt các đổi mới và ... |
| Học theo tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp cho mỗi cá nhân hoàn thiện bản thân Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cá nhân ... |
| 'Vũ khí' của thanh niên thời đại số Tinh thần tiến thân, cập nhật và tận dụng thời cơ, nâng cao trình độ năng lực trong thời đại công nghệ 4.0 chính là ... |
| Từ vụ cháy khiến 14 người thiệt mạng tại Trung Kính (Hà Nội) vừa qua, theo ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, cần quan tâm nhiều ... |
| ĐBQH. Bùi Hoài Sơn: Gia đình đang bị 'đe dọa' bởi những thách thức mới Dưới góc nhìn của mình, ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, trong ... |