📞

10 bức họa về tuyết đẹp nhất 500 năm qua

07:40 | 31/12/2015
Đứng đầu danh sách là bức “The Hunters in the Snow - Những người thợ săn trong tuyết” của tác giả là bậc thầy vẽ phong cảnh về tuyết Brueghel năm 1565.

BBC đã chọn ra danh sách 10 tác phẩm hội họa về tuyết đẹp nhất trong 500 năm trở lại đây trong lịch sử hội họa thế giới. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

“The Hunters in the Snow - Những người thợ săn trong tuyết” của Pieter Brueghel anh (1525- 1569)

Điều thú vị dễ nhận biết nhất trong các bức họa về tuyết, chính là cảnh u sầu. Mùa Đông là như vậy. Cũng không ai thích cái lạnh, nhưng nghệ thuật là tìm được cái đẹp trong sự lạnh lẽo. Pieter Brueghel là họa sỹ thời Phục Hưng xứ Flemish (trước đây là Hà Lan nay thuộc Bỉ), và được coi là họa sỹ bậc thầy về tranh phong cảnh tuyết. Kiệt tác “The Hunters in the Snow” với các chi tiết của Pieter Bruegel đánh dấu sự chuyển biến lớn, từ hình ảnh biểu tượng của các mùa sang những cảnh trí bình thường. Đó là một ngày mùa Đông bình thường, người dân làng đang trượt băng và chơi khúc côn cầu, nhưng cuộc đi săn không có kết quả tốt. Đàn chó nhìn có vẻ kiệt sức, và những người thợ săn chỉ mang về được 1 con cáo.

 “Tea House - Nhà trà” của Hokusai ở Koishikawa

Katsushika Hokusai (1760 - 1849) là một họa sĩ người Nhật. Ông nổi tiếng nhất với loạt tranh in bằng khung gỗ bộ tác phẩm “Sóng Lừng ở Kanagawa”, được sáng tác trong những năm 1820. Không ngừng tìm tòi để cho ra những tác phẩm tuyệt vời hơn, bức “Tea House” vẽ cảnh tuyết rơi phủ kín ngôi “nhà trà”. Con người vốn nhỏ bé trước thiên nhiên lạnh lẽo, song trong “phòng trà” là hình ảnh các cặp vợ chồng ấm cúng bên nhau.   

 “Effect of Snow - ảnh hưởng của Tuyết” ở Petit-Montrouge của Edouard Manet

Họa sỹ Edouard Manet người Pháp được xem là cha đẻ của trường phái ấn tượng. “Effect of Snow” là một bức tranh có nhiều điểm đặc biệt. Khác nhiều người vẽ tuyết màu trắng xóa, họa sĩ đã vẽ tuyết trong “Effect of Snow” nhuốm bẩn, cùng bầu trời màu be ảm đạm. Giữa các đỉnh núi lớn màu trắng là đường chéo của màu nâu âm u… Tranh của ông dường như muốn nói đến sự cân bằng của thời tiết - thiên nhiên.

“Snowstorm - Bão tuyết” của Turner

Nước, hồ, biển, gió, tuyết và cá voi đã gây cho Turner những cảm xúc mạnh mẽ. Bức sơn dầu “Snow Storm” vẽ năm 1842 đã chứng minh điều này. Điều đáng nói hơn cả, là Turner cho biết, chính ông đã trải nghiệm giờ phút bão tố kinh hoàng đó. Mục đích của ông vẽ “Snow Storm” là muốn người xem tranh cảm thấy cảnh con tàu trong cơn bão tố như thế nào. Trong tranh, cơn bão như đang cố nhấn chìm con tàu. Một trong những điều thú vị về bức tranh này là kỹ thuật. Họa sĩ đã dùng dao để tạo những vệt trắng giữa tranh. Ông còn tạo ra nhiều gờ, nhám sơn dầu vòng quanh con tàu.

“Haystacks in the Snow- Haystacks trong tuyết” của Franz Marc

Franz Marc (1880-1916) là một họa sỹ trẻ của Đức, từng theo học Viện hàn lâm nghệ thuật Munich. Ông đã có cơ hội đến Paris nhiều lần và chiêm ngưỡng những kiệt tác của Gauguin, Van Gogh, và các họa sĩ trường phái ấn tượng khác. Franz Marc đã tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm. Ông cũng là một trong những họa sĩ góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển của trường phái hội họa ấn tượng. Khi Thế chiến I bắt đầu, ông đã tình nguyện gia nhập quân đội và hy sinh tại Verdun (Pháp) ở tuổi 36. Franz Marc thường hay vẽ động vật, bức họa Haystacks in the Snow là một ngoại lệ. Tuy nhiên, bức tranh cho thấy sự tài tình khi khắc họa tuyết tan chảy giống như những quả lê đầy sắc màu.

John Nash với bức họa “Melting Snow at Wormingford - Tuyết tan ở Wormingford”

Họa sỹ John Nash và người anh Paul Nash là hai họa sỹ rất nổi tiếng ở Anh. Trong bức tranh “Melting Snow at Wormingford”, John Nas đã thể hiện một họa phẩm phong cảnh mà trong đó tuyết chỉ là những con đường. Người xem tranh sẽ thấy được sự mãnh liệt của mùa Xuân với màu xanh của cây đỏ chiếm thế chủ đạo. Bức họa như nhắc nhở chúng ta rằng: tất cả có thể qua đi, nhưng vẫn còn có một số thứ vẫn còn đó, không đổi thay.

Lee Miler với  họa phẩm “Paris in the snow - Paris trong tuyết”

Elizabeth Lee Miller thường xuyên có sự trao đổi với nhà nhiếp ảnh siêu thực Man Ray, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những bức ảnh Paris ít ai sánh bằng. Man Ray dường như đã là nguồn cảm hứng sáng tác cho Elizabeth Lee Miller trong bức “Paris in the snow.”

Bức họa với hai màu đen trắng lấp lánh của Paris và của tuyết. Có sự tương phản rõ rệt giữa hình bóng cô đơn của một người đàn ông và một dải màu trắng của tuyết. Mọi người đều hướng về tháp Eiffel, một biểu tượng lớn của Paris, bị che khuất bởi màn sương tuyết. Bức tranh đem lại cho người xem một niềm hy vọng. Nó nhắc nhở chúng ta hãy nhìn về phía trước và tin tưởng vào khả năng của chính mình.

Jeff Koons với tác phẩm “Snowman- Người tuyết”

Jeff Koons đã khắc họa một người tuyết dễ mến, làm người xem có cảm giác thân quen. Người tuyết của Jeff Koons ôm một quả cầu màu xanh lớn, mang thương hiệu của nghệ sĩ. Koons đã làm cho người tuyết trở thành một con người của mùa Đông dễ hiểu, dễ gần nhưng đầy bí hiểm, song không hề lạnh lẽo.

Tác giả Annette Lemieux với tác phẩm “Potential Snowman- Người tuyết tiềm năng”

Annette Lemieux là một trong những họa sỹ tiêu biểu nổi lên vào những năm 1980, với một cách tiếp cận hội họa mới, không theo cách thông thường - xu hướng Hội họa Khái niệm – (nằm trong Mỹ thuật Khái niệm). Đó là những bức tranh không thiên về hình thức hay chất liệu mà là về những ý tưởng và ý nghĩa. Potential Snowman là một trong những tác phẩm như vậy. Annette Lemieux đã vẽ những bộ phận cấu thành người tuyết, để từ đó người xem tranh tự vẽ những tác phẩm bằng tư duy của chính mình, theo ý mình. 

Họa sỹ Yayoi Kusama với tác phẩm “Snowball in Sunset- Bông tuyết lúc hoàng hôn”

Yayoi Kusama là một nữ họa sỹ người Nhật. “Snowball in Sunset” là tác phẩm đầu tay của cô. Bông tuyết của cô vẽ giống quả cầu lửa hơn quả cầu tuyết, được bao quanh hào quang màu đỏ và màu xanh phát sáng. Theo cách của Yayoi Kusama, bức tranh bông tuyết có thể là cả Trái đất với cây xanh xung quanh, còn viền xung quanh giống như là dấu hiệu của Mặt trời.