Khi đó, tôi mới đến Singapore được vài tháng để du học. Trên đường về nhà, qua đoạn khu Istana và Oxley (gần nhà ông Lý Quang Diệu) thì gặp cựu Thủ tướng đang đi dạo. Tôi chào "Hello, Sir" nhưng không hy vọng ông sẽ đáp lại. Bất ngờ ông cười và nói:"Xin chào, lâu rồi tôi không gặp người đi xe đạp trên đường này, mà xe đạp lại có gác-ba-ga" (ở Singapore, người ta thường đi xe đạp tập thể dục trong công viên, còn tôi đạp xe đi học để tiết kiệm tiền đi xe buýt).
Tôi trả lời ông rằng tôi và một người bạn góp tiền để mua cái xe đạp này giá 69 dollar Singapore (SGD), lắp thêm cái gác-ba-ga 15 SGD, để thi thoảng đèo nhau đi học hoặc đi chợ gần nhà, tiết kiệm tiền xe buýt và MRT(tàu điện). Ông lấy làm lạ vì "chẳng phải phương tiện công cộng ở đây rất tốt và rẻ hay sao?".
Tác giả Nguyễn Đồng Anh. |
Ông suy nghĩ một lát, có lẽ từ trước đến giờ ông mới chỉ biết đến hai loại sinh viên quốc tế ở Singapore. Thứ nhất, theo học các chương trình học bổng toàn phần của Chính phủ nước này, ký cam kết lao động bắt buộc sau khi học xong và được chu cấp rất đầy đủ. Nhóm còn lại là con em thuộc gia đình khá giả, không phải lo nghĩ tiền nong. Còn như tôi - là loại "lửng lơ ở giữa" vì tôi chọn theo học một ngành khá mới lúc bấy giờ là "Multimedia - Truyền thông đa phương tiện".
Năm 2004, Đại học Quốc gia NUS và ĐH Nanyang NTU mới thành lập "School of Media" nên tôi không có lựa chọn nào khác ngoài ba trường nghệ thuật tư thục là: Lasalle SIA, Raffles Design, NAFA. Đây vốn là các trường năng khiếu nghệ thuật khó vào, học phí cao và ít khi có học bổng toàn phần.
Cuộc sống khi đó rất khó khăn. Có thời điểm, tôi đã từng ăn mỳ tôm trường kỳ với công thức: sáng mỳ tôm không, trưa mỳ tôm rau, tối mỳ tôm trứng... Cũng có giai đoạn trường kỳ cơm gà 2 SGD ở cửa hàng trợ giá cho nhân viên tại tầng hầm hãng Singtel (giá bên ngoài là 3 SGD - loại rẻ nhất)...
Đương nhiên, tôi không kể lể dài dòng như thế. Nhưng có lẽ hiểu được, nên vị cựu Thủ tướng 80 tuổi hỏi lại: "Singapore có thể làm gì để cải thiện không?". Tôi đã chia sẻ với ông vài cảm nhận, cả những "cú sốc"của mình khi mới đến Singapore. Sau này, tôi viết loạt bài đăng trên báo chí Việt Nam về một số bất cập của hệ thống giáo dục Singapore như "Du học, bộn bề những nỗi lo toan", "Các trường tư thục đóng cửa, nên mừng hay nên lo"...
Tôi không biết là những chia sẻ đó có để lại cho ông ấn tượng nào không, cũngkhông dám ngộ nhận gì về kết quả của một cuộc nói chuyện chỉ kéo dài hơn 10 phút. Nhưng sau này, tôi cảm thấy rất vui khi Chính phủ Singapore ban hành một số chính sách để quản lý hệ thống giáo dục tư thục chặt chẽ hơn như CaseTrust, EduTrust (các trường tư không được quản lý học phí của sinh viên quốc tế mà sinh viên đóng tiền qua tài khoản bảo vệ của nhà trường ở ngân hàng được Chính phủ chỉ định. Sau khi sinh viên tốt nghiệp và chứng nhận chất lượng đào tạo thì trường mới được nhận lại tiền học phí từ ngân hàng…).
Kết thúc cuộc trò chuyện, ông tặng tôi hai từ "No regrets" -"Không hối hận", và nói rằng cuộc đời ông chỉ sống bằng hai từ này thôi, làm sao để không bao giờ phải hối hận mỗi khi nhìn lại việc mình đã làm.
Tôi đã sống theo lời khuyên đó, ngay cả những thời điểm làm nhiều công việc triền miên mà không mang lại kết quả gì.
Cuộc nói chuyện chỉ khoảng 10 phút, có lẽ chẳng để lại ấn tượng đặc biệt gì với ông, nhưng là một "dấu ấn" trong tôi, hơn tất cả những bài báo, quyển sách mà tôi đã được đọc về nhà lãnh đạo kiệt xuất của Singapore và thế giới. Tôi hiểu rằng suốt 50 năm độc lập, tư tưởng Lý Quang Diệu là một phần cơ chế vận hành của quốc đảo này.
Nguyễn Đồng Anh (Học viện Ngoại giao)