Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khai trương Nhà truyền thống Bộ Ngoại giao và Bộ tranh chân dung 12 Bộ trưởng Ngoại giao qua các thời kỳ, ngày 27/8 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Những vị khách quý tham dự Lễ khai trương Nhà truyền thống và Bộ tranh chân dung các Bộ trưởng Ngoại giao ngày 27/8 nhân kỷ niệm 75 thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2020) đã trải qua một cảm xúc hết sức đặc biệt. Đó là khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dừng bước bên bộ tranh chân dung các Bộ trưởng Ngoại giao qua các thời kỳ được trưng bày tại đây.
Sự sống động của bộ tranh khiến người ta có cảm giác các vị Bộ trưởng tiền nhiệm như đang hòa cùng niềm vui 75 năm thành lập Ngành. Để có được khoảnh khắc tuyệt vời ấy, với những tác phẩm đặc biệt được thể hiện qua từng nét vẽ chỉn chu và tài hoa, một nhóm họa sỹ đã nghiên cứu, tìm tòi tư liệu và sáng tác trong suốt 3 năm cùng cả một quá trình chuẩn bị dài hơi của các đơn vị hữu quan cả trước và trong khi triển khai dự án.
Nói như ông Trần Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), "đây là hành trình dài, ngoài công lao sáng tác của các họa sỹ còn có sự đóng góp của nhiều cán bộ khác nhau, có những người vẫn còn làm việc ở Vụ, cũng có người chuyển sang cương vị khác, chẳng hạn như một trong những người đầu tiên triển khai ý tưởng này là Đại sứ Phạm Sanh Châu khi ông đảm nhận cương vị Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Vụ. Các cán bộ của Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO nói riêng và các cán bộ, nhân viên của Bộ Ngoại giao nói chung đều hiểu rõ giá trị lịch sử cũng như văn hóa của bộ tranh này".
Là người có hứng thú với thế giới hội họa, tôi có cơ hội được tiếp cận các họa sỹ tham gia dự án Triển lãm tranh chân dung 12 vị Bộ trưởng Ngoại giao từ khá sớm. Đó chính là lý do khiến tôi có được những cuộc trò chuyện tưởng như không hồi kết cùng nhóm họa sỹ về hành trình xây dựng ý tưởng và sáng tác.
Trăn trở về thần thái các bức chân dung
Vừa chỉnh lại vị trí cho bức chân dung cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám (1904-1995) và cố Bộ trưởng Phạm Văn Đồng (1906-2000) của mình tại khu vực Triển lãm, họa sỹ Lê Thế Anh chia sẻ: “Tôi cần đặc biệt cảm ơn gia đình cả hai cụ khi đã dành thời gian để kể cho tôi nghe những câu chuyện vô cùng sống động về các nhân vật của mình”.
Anh giải thích: “Khi tìm hiểu về cụ Hoàng Minh Giám, tôi đã suy nghĩ nhiều về những vai trò mà cụ từng đảm nhận. Cụ vừa công tác ở Bộ Ngoại giao, nhưng lại từng làm ở Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), nhưng trên hết, cụ còn là một nhà giáo người Hà Nội gốc. Vậy làm sao để thể hiện được những tinh thần ấy trong bức chân dung - một nhà ngoại giao, một nhà nhà văn hóa, một nhà giáo?
Cuối cùng, tôi chọn vừa tập trung mô tả thần thái của cụ, nhưng cũng không quên bố trí không gian xung quanh bao gồm cả giá sách và quả địa cầu bởi những đạo cụ này mang giá trị quan trọng trong việc thể hiện tính cách và nghề nghiệp của nhân vật trong tranh. Có một điều tôi đã sửa theo góp ý của con trai cụ, đó là đôi bàn tay của một nhà giáo: nhỏ, dài, thư sinh trong gam nâu trầm để ra chất Hà Nội xưa”.
Họa sỹ Lê Thế Anh bên chân dung cụ Hoàng Minh Giám và cụ Phạm Văn Đồng. (Ảnh: BTC) |
Còn trong tranh vẽ cụ Phạm Văn Đồng, họa sỹ Thế Anh xác định vẽ cụ vào khoảng năm 1954, khi cụ đang gánh vác những trọng trách trong giai đoạn lịch sử đặc biệt. “Tôi có vẽ cụ bên bàn làm việc với nhiều chi tiết như điện thoại, bàn giấy, bản đồ. Nhưng thực ra tôi thích nhất chi tiết hình ảnh chén hoa hồng gốm Lái Thiêu. Vì cụ Đồng là người miền Nam nhưng làm việc ở Hà Nội, và tôi biết cụ dành nhiều thương nhớ cho miền Nam.
Khi đọc nhiều sách về cụ, tôi biết thêm rằng cụ là người có lối sống vô cùng giản dị và khát vọng lớn nhất của cụ chính là Bắc - Nam sum họp một nhà. Với một nhân vật mang nhiều nỗi niềm, đối diện với nhiều văn bản quyết định quan trọng như vậy, tôi quyết định vẽ cụ đang cầm bút bên những tập bản thảo”, anh nói.
Kỹ thuật trong cả hai bức tranh của họa sỹ Lê Thế Anh là kỹ thuật vẽ láng (nhiều lớp). Ban đầu, anh vẽ đen trắng để cân đối hình và bố cục và sau đó mới chồng màu, láng màu… hết lớp này đến lớp khác, cho đến khi tác phẩm trở nên hoàn hảo.
Được giao khắc họa chân dung cố Bộ trưởng Ung Văn Khiêm (1910-1991) và người phụ nữ duy nhất trong nhóm các Bộ trưởng Ngoại giao - bà Nguyễn Thị Bình, họa sỹ Nguyễn Văn Cường khá hồi hộp. Anh cho biết: “Bà Nguyễn Thị Bình năm nay cũng đã ngoài 90 tuổi và do sức khỏe của bà yếu nên tôi không thể tiếp xúc được. Tuy nhiên, tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ để hoàn thành hai bức chân dung này".
Có lẽ nhờ đó, cả hai bức không chỉ toát lên thần thái của những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm mà với riêng bà Nguyễn Thị Bình còn cần toát lên sự duyên dáng, nữ tính của người phụ nữ Việt Nam. Hai tác phẩm đã được các thành viên của Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao.
Họa sỹ Nguyễn Văn Cường bên bức chân dung của bà Nguyễn Thị Bình. (Nguồn: BTC) |
Trò chuyện cùng lịch sử
Với một họa sỹ có kinh nghiệm vẽ chân dung Bác Hồ, đặc biệt là vẽ các mẫu tiền cho Ngân hàng Nhà nước như Nguyễn Hải Kiên thì có lẽ nhiệm vụ vẽ cố Bộ trưởng Xuân Thủy (1912-1985) và cố Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh (1910-1985) không phải là quá khó khăn - dù hai cụ đã mất từ lâu. Tuy nhiên, từ nguồn tư liệu gồm sách và ảnh do Bộ Ngoại giao cung cấp, anh đã phải bỏ nhiều thời gian nghiên cứu, đọc các tư liệu để hiểu hơn về hai nhân vật của mình.
Anh nói: “Tôi không có cơ hội tiếp xúc với các thành viên trong gia đình nhân vật như các họa sỹ khác trong dự án này. Việc tự tìm hiểu về hai vị Bộ trưởng và biến thành tác phẩm chân dung có màu không phải là điều dễ dàng".
Cuối cùng, Hải Kiên đã hài lòng với hai bức chân dung trông tưởng như rất đơn giản do không đưa nhiều họa tiết và tông nâu bình dị, nhưng toát lên sự cương quyết mà tràn đầy cảm xúc đến sống động về nhân vật của mình.
Cùng tham gia dự án, họa sỹ Tô Minh Trang được giao đảm nhiệm hai bức chân dung cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) và nguyên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm. Anh cho biết: “Tôi cảm thấy rất vinh dự và mong có thể đem hết khả năng hội họa của mình để góp phần hoàn thành dự án giá trị này. Ngay từ đầu, tôi đã xác định lựa chọn ngôn ngữ nghệ thuật hàn lâm, theo bút pháp cổ điển để thể hiện tác phẩm của mình”.
“Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch không còn nữa nên tôi phải trải qua nhiều cuộc tiếp xúc với gia đình, xin các ảnh tư liệu (toàn bộ là ảnh đen trắng) để nghiên cứu và thể hiện chân dung màu hội họa. Tôi may mắn khi được gặp anh Thiết - con trai của cụ Nguyễn Cơ Thạch để trò chuyện, tìm nét, nghiên cứu màu mắt, màu da… của anh nhằm tìm chất liệu cho tác phẩm”, Tô Minh Trang chia sẻ.
“Lần đầu tiếp xúc với một gia đình có truyền thống làm ngoại giao, qua những cuộc trò chuyện với gia đình về cố Bộ trưởng, tôi thấu hiểu hơn sự vất vả, gian truân của những người làm công việc này, để có được vị thế của Việt Nam ngày hôm nay. Tôi muốn thổi vào tranh chất ngoại giao, chất chính khách, nhưng lại tò mò về những khoảnh khắc nghỉ ngơi của vị Bộ trưởng sẽ ra sao khi lịch làm việc của ông dày đặc đến vậy?”, họa sỹ Minh Trang cho biết.
Cuối cùng, anh chọn khắc họa lại khoảnh khắc ông Nguyễn Cơ Thạch trong giờ nghỉ bên lề một hội nghị ở Italy. “Trong khoảnh khắc ấy, trông ông thật nhẹ nhàng, cái cười rất nhẹ mà quý hóa vô cùng. Đó là phút “thả lỏng” của một nhà ngoại giao nhưng lại toát lên sự vất vả sau một cuộc đấu trí trên bàn đối ngoại. Vì vậy khi xây dựng tác phẩm, ngoài việc vẽ giống thật, ánh mắt làn da, tôi muốn lột tả tâm hồn nhân vật", tay cọ dày kinh nghiệm tâm sự.
Về bức chân dung Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, họa sỹ Tô Minh Trang chia sẻ: “Năm nay cụ đã ngoài 90 tuổi, nhưng tôi lại được giao vẽ chân dung khi cụ còn đang công tác. Đó là một thách thức. Sự chênh lệch vài chục tuổi khiến yếu tố giải phẫu học đã thay đổi rất nhiều, cần có sự xử lý chuyên môn tốt. Mặc dù vậy, tôi nhận thấy, tuổi tác, năm tháng có thể khiến sức khỏe của cụ thay đổi, nhưng tinh thần, trí tuệ, cốt cách thì sẽ còn mãi. Sự khoan thai, bản lĩnh và phong thái của một nhà ngoại giao kỳ cựu là không bao giờ thay đổi”.
“Tôi vẽ xong hai bức chân dung từ sớm và trưng ở nhà. Hôm tôi mang hai tác phẩm này tới Triển lãm, cháu gái tôi (mới 10 tuổi) bảo: “Cháu cứ thấy nhà mình trống trải vì 2 ông “ngồi” ở nhà mình bao nhiêu lâu nay”. Sự sống động của hai bức chân dung và việc tôi thường “đối thoại” với các ông khiến những người thân trong gia đình tôi có cảm giác sự xuất hiện của hai ông trong gia đình giống như một thực thể sống động. Đấy cũng là niềm hạnh phúc của người họa sỹ”.
Còn với họa sỹ Bùi Văn Tuất, người được giao thể hiện chân dung nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên và nguyên Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm, anh cho rằng mình may mắn khi có thể đến gặp gỡ, chuyện trò để ghi nhận thần thái của các nhân vật.
“Tôi đến nhà các bác chơi, được nghe hai nhân vật của mình chia sẻ nhiều câu chuyện về cuộc sống. Nếu như ấn tượng ở bác Nguyễn Dy Niên (năm nay 80 tuổi) là sự hoạt bát và vui vẻ, khiến tôi quyết định khắc họa chân dung khi bác khoảng 40 tuổi thì sự bình dị, thân mật có được sau những cuộc trò chuyện với bác Phạm Gia Khiêm như tiếp thêm cho tôi những cảm xúc cho tác phẩm. Những cảm nhận có được từ hai nhân vật khiến tôi quyết định sẽ không khắc họa điều gì quá phức tạp mà tập trung thể hiện tính cách, thần thái trên phông nền dung dị nhất", Bùi Văn Tuấn chia sẻ.
Có thể nói, 12 bức chân dung - 12 phong cách vẽ - 12 bút pháp… đã thể hiện xuất sắc thần thái của 12 nhân vật đặc biệt. Các kỹ thuật từ vẽ ướt trên ướt, ướt trên khô hay vẽ láng, vẽ day, hay thậm chí là sơn “sống” trực tiếp… đã mang lại sự phong phú đến bất ngờ và tính hội họa cao nhất cho loạt tác phẩm. Đúng như chia sẻ của bà Đào Thị Liên Hương - Tổng Thư ký Liên đoàn các Hiệp hội Giáo dục và Ngôn ngữ Thế giới, “Sự xuất hiện của bộ tranh không chỉ có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với Bộ Ngoại giao khi nhắc nhở các thế hệ cán bộ ngoại giao hậu bối về công lao gây dựng vị thế đất nước của các vị tiền bối, mà còn phù hợp với xu hướng đưa các tác phẩm nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng vào trưng bày tại không gian chung của các cơ quan Nhà nước”.