Toàn cảnh cuộc họp của 18 nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). |
Cuộc họp có sự tham dự của Uỷ ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) và Đại sứ tại ASEAN của 8 nước Đối tác tham gia EAS (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ). Đại diện Việt Nam tham gia cơ chế này là Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực củaViệt Nam tại ASEAN.
Kể từ khi được thành lập năm 2005, EAS đã có những phát triển nhanh chóng và toàn diện về nội dung, phạm vi đối thoại và hợp tác. Nhiều sáng kiến, tuyên bố và quyết định quan trọng đã được đưa ra nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong những lĩnh vực như xây dựng cấu trúc hợp tác ở khu vực, bảo đảm hoà bình và an ninh, xây dựng quan hệ đối tác kinh tế toàn diện (RCEP), môi trường và biến đổi khí hậu, y tế, năng lượng, giáo dục, tài chính, quản lý thiên tai, Kết nối ASEAN, an ninh lương thực và an ninh biển… Trong đó, riêng Hội nghị EAS lần thứ 10 (EAS-10) tháng 11/2015 đã thông qua 6 tuyên bố chung, trong đó ngoài Tuyên bố kỷ niệm 10 năm EAS, 5 tuyên bố còn lại tập trung vào 5 lĩnh vực khác nhau, gồm: chống bạo lực cực đoan, an ninh trong sử dụng công nghệ thông tin, y tế, hợp tác biển và phong trào ôn hoà toàn cầu (GMM).
Việc thành lập cơ chế trao đổi chính thức cấp Đại sứ tại ASEAN của 18 nước tham gia EAS nằm trong khuôn khổ “gói” biện pháp đề ra tại Hội nghị EAS-10 nhằm giúp nâng cao hiệu quả công tác triển khai những quyết định, sáng kiến hợp tác của EAS (trong số các biện pháp khác có việc lập Bộ phận chuyên về EAS (EAS Unit) tại Ban Thư ký ASEAN). Theo Tuyên bố kỷ niệm 10 năm thành lập EAS, cơ chế trao đổi định kỳ giữa các Đại sứ tại ASEAN của 18 nước tham gia EAS sẽ có nhiệm vụ “thảo luận công tác triển khai quyết định, thoả thuận của các Lãnh đạo cũng như trao đổi thông tin về các sáng kiến hợp tác phát triển, chính sách an ninh ở khu vực”.
Tại cuộc họp, các nước nhất trí cần nỗ lực bảo đảm cơ chế trao đổi định kỳ cấp Đại sứ tại ASEAN hoạt động thực sự hiệu quả. Bên cạnh công tác triển khai các sáng kiến, thoả thuận của Lãnh đạo cấp cao, cơ chế này còn có thể tham gia soạn thảo các văn kiện, tuyên bố chung để trình các lãnh đạo thông qua, cũng như phát huy vai trò là một kênh trao đổi và tham vấn trực tiếp về những vấn đề cùng quan tâm. Cơ chế này sẽ hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc của EAS với ASEAN đóng vai trò dẫn dắt. Nhân dịp này, các nước đã thông báo về kết quả cũng như kế hoạch tiến hành một số hoạt động cụ thể trong khuôn khổ triển khai những thoả thuận đã đạt tại Hội nghị EAS-10.
Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) đóng vai trò là diễn đàn đối thoại cấp Lãnh đạo về những vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế cùng quan tâm nhằm thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á. Hiện tại, có 18 nước tham gia EAS, bao gồm 10 nước ASEAN và 8 nước Đối tác (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ). EAS được tổ chức định kỳ nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN hàng năm, hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc và phương cách của ASEAN.