Cáng y tế cách ly áp suất âm cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. (Nguồn: AUF) |
Dự án nghiên cứu, thiết kế và chế tạo cáng y tế cách ly áp suất âm cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 được khởi xướng bởi một nhóm gồm 5 nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ý tưởng về một chiếc cáng y tế cách ly áp suất âm được nảy sinh từ mong muốn của nhóm nghiên cứu trong việc hỗ trợ các nhân viên y tế và cộng đồng tránh khỏi các nguy cơ lây nhiễm chéo khi di chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chiếc cáng đặc biệt này tạo ra một chiếc "mặt nạ" ngăn giữa không gian nhiễm khuẩn nơi bệnh nhân nằm với không gian bên ngoài.
Ông Jean-Marc Lavest, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của AUF chia sẻ, Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có 9 dự án được lựa chọn thì có tới 4 dự án là của các nhóm nghiên cứu từ Việt Nam. Với sản phẩm này, người Việt Nam lại cho thế giới thấy sức sáng tạo không ngừng của mình.
"Tại nhiều quốc gia, vai trò của trường đại học chưa được đánh giá đúng mức. Với nhiệm vụ thúc đẩy các sáng kiến nghiên cứu và đổi mới của các trường đại học, chúng tôi cho rằng Đại học thực sự là động lực phát triển của xã hội, có thể tham gia cung cấp giải pháp cho các thách thức toàn cầu. Đóng góp thiết thực của những dự án được chúng tôi lựa chọn tài trợ trong khuôn khổ quỹ ứng phó Covid-19 là minh chứng sống động cho vai trò của khối Đại học trong sự phát triển toàn cầu", ông Jean-Marc Lavest nhận định.
PGS.TS. Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trưởng dự án cho biết, bệnh viện- nơi tập trung rất nhiều người bệnh và luôn là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Virus với kích thước rất nhỏ phần lớn nằm trên các giọt dịch bay lơ lửng trong không khí nên nguy cơ lây nhiễm chéo của các cán bộ y tế là rất cao.
"Với chiếc cáng áp lực âm, tất cả không khí phải đi qua màng lọc hiệu suất cao mới ra ngoài được. Vì vậy không khí quanh cáng vận chuyển bệnh nhân hoàn toàn là không khí sạch. Cáng cũng được thiết kế khéo léo nhằm đem lại cho bệnh nhân cảm giác dễ chịu, thoải mái. Để có thể cho ra đời được một sản phẩm hoàn thiện trong thời gian gấp rút 3 tháng, nhóm nghiên cứu đã nhận được rất nhiều tư vấn về chuyên môn từ các bác sỹ thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế thuộc Bộ Y tế", PGS.TS. Phan Trung Nghĩa chia sẻ.
Về vật liệu, nhóm dự án đặt mục tiêu làm ra một sản phẩm thiết thực, từ những vật liệu phổ thông, giá thành rẻ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, dễ sử dụng, phù hợp với thời tiết, khí hậu, thể trạng của người Việt Nam và có khả năng tái sử dụng nhiều lần sau khi đã khử khuẩn toàn bộ.