Hội nghị APDF 2014 là diễn đàn nhằm đánh giá việc thực hiện chiến lược Incheon trong hai năm 2012-2014 ở các quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy việc hiện thực hóa quyền của người khuyết tật ở các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm nay Việt Nam được chọn tổ chức Hội nghị với lý do được đánh giá thành công trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về an sinh xã hội. Với chủ đề “Thúc đẩy hành động nhằm hiện thực hóa quyền của người khuyết tật”, Hội nghị sẽ có hai phiên họp chính: Xóa đói giảm nghèo và Quyền của Người khuyết tật; Công ước quốc tế về người khuyết tật và Mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc cùng với 6 cuộc hội thảo chuyên đề khác nhau.
Phát biểu khai mạc, NGND.TS. Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch VFD nhấn mạnh Diễn đàn lần này được tổ chức với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cùng sự hỗ trợ của các Bộ, Ban, Ngành trung ương minh chứng trách nhiệm của Việt nam trong quá trình triển khai Chiến lược Incheon với mục tiêu phát triển toàn diện của người khuyết tật khu vực và thế giới. Bà Đặng Huỳnh Mai cho biết, theo kế hoạch cuối kỳ họp Quốc hội năm nay, Việt Nam sẽ phê chuẩn Công ước về chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật. Ngoài các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người trên, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế khác có liên quan đến lĩnh vực bảo vê quyền con người và luật nhân đạo quốc tế.
Ông Kyung Seok Park, Chủ tịch APDF khẳng định, Diễn đàn đang dần bước vào một giai đoạn mới với tuyên bố của Thập niên mới của Người khuyết tật (2013-2022), có liên kết chặt chẽ với thách thức mới với chủ đề mới “Hiện thực hóa quyền của Người khuyết tật”. Theo ông, một trong những thế mạnh của APDF là không có sự phân biệt giữa các tổ chức của người khuyết tật và người không khuyết tật và mục đích của Diễn đàn là sự hòa nhập đầy đủ với sự tham gia của người khuyết tật một cách chủ động và dân chủ.
Tại phiên khai mạc này, chị Nguyễn Lan Anh, đại diện thanh niên khuyết tật Việt Nam đã có bài phát biểu về các vấn đề mà hiện nay người khuyết tật Việt Nam đang gặp phải như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề và việc làm… Chị cho rằng, người khuyết tật hiện nay luôn mang trong lình sự nhiệt huyết, kiến thức và những quyết tâm thay đổi cuộc sống cũng như phá bỏ mọi rào cản của xã hội. “Hãy trao cho thanh niên khuyết tật chúng tôi quyền tự quyết cùng sự tin tưởng để chúng tôi có đủ động lực cũng như lòng tin hoàn thành con đường vì một xã hội không rào cản dành cho người khuyết tật Việt Nam”, chị nói.
Thay mặt đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị, anh Seung Joon Ahn, một người khiếm thị đến từ Hàn Quốc đã chia sẻ câu chuyện về cuộc sống của mình với những nỗ lực vươn lên để trở thành một thầy giáo dạy toán cũng như thực hiện các công việc ý nghĩa khác trong cuộc sống. Tại đây, để trả lời cho câu hỏi “Người có loại khuyết tật nào sẽ cảm thấy cuộc sống khó khăn nhất?”, anh nói rằng: “Những người trả lời đều đã nói, họ không phải là người có nhiều khó khăn nhất trong cuộc sống”.
Trong 3 ngày từ 27-29/11, Hội nghị APDF 2014 sẽ diễn ra với chương trình thảo luận với các vấn đề liên quan tới việc bảo vệ và tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Hội nghị còn có các hoạt động sôi nổi bên lề như: triển lãm giới thiệu hình ảnh hoạt động của các tổ chức của và vì người khuyết tật, trưng bày sản phẩm của người khuyết tật, Hội thi tiếng hát người khuyết tật Việt Nam..
Đặc biệt, chương trình đi bộ hưởng ứng Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12) với chủ đề “Vì một thế giới hòa nhập cho người khuyết tật” sẽ diễn ra vào buổi sáng ngày 29/11 tại Hồ Hoàn Kiếm và đêm Gala “Những trái tim khát vọng” sẽ được tổ chức vào buổi tối 29/11 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.
P.T