TIN LIÊN QUAN | |
Ngân sách cho giáo dục còn nhiều bất cập? | |
“Mọc” thêm những quy định mới để làm gì? |
Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường diễn ra khiến nhiều người lo ngại sự xuống cấp về văn hóa ứng xử giữa thầy và trò. Đó là chuyện giáo viên phạt học trò uống nước vắt từ giẻ lau bảng, phụ huynh phạt quỳ giáo viên, giáo viên phạt tát học trò 231 cái... cho thấy thực trạng không ít giáo viên đang thiếu trầm trọng kiến thức cũng như kỹ năng khi đứng lớp.
Có ý kiến cho rằng, đó là một "cái tát" vào ngành giáo dục, là hành động phản giáo dục, là mầm mống của bạo lực. Đặc biệt, nhiều người nhận định, gốc rễ nằm ở chỗ, căn bệnh chạy theo thành tích vẫn còn tồn tại khá nặng nề trong trường học khiến cả thầy lẫn trò đều khổ.
Thưa PGS. Trần Thành Nam, câu chuyện 231 cái tát vừa qua thực sự gây ra một cú sốc lớn, gây hoang mang dư luận. Vậy nguyên nhân nào khiến tình trạng bạo lực học đường ngày càng tăng?
Hiện nay, đã có rất nhiều nỗ lực, quyết tâm và hành động của Chính phủ và ngành Giáo dục và Đào tạo để kiểm soát bạo lực học đường. Tiêu biểu như Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường; ban hành chuẩn giáo viên và chuẩn Hiệu trưởng; hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông…
Nhưng trên thực tế cũng cần phải có thời gian để triển khai đồng bộ và thực chất các biện pháp này. Ngoài ra, việc kiểm soát bạo lực học đường có thể không hiệu quả do các yếu tố “kích hoạt” bạo lực và những yếu tố duy trì củng cố bạo lực vẫn tồn tại, thậm chí phát triển hơn.
Yếu tố kích hoạt bạo lực trong xã hội tiêu biểu như những hình ảnh bạo lực vẫn xuất hiện tràn ngập không kiểm soát được. Trong đó có bạo lực trong gia đình, giữa các thành viên trong gia đình, giữa cha mẹ - con cái vẫn chưa được xử lý.
PGS. TS. Trần Thành Nam. |
Yếu tố duy trì củng cố bạo lực như cha mẹ khuyến khích bạo lực vì không muốn con yếu đuối, bị bắt nạt vô tình dạy trẻ cách phản ứng không phù hợp với người khác. Nạn nhân cam chịu khiến người gây ra bạo lực càng cảm thấy hành vi của họ là bình thường và có thể chấp nhận được trong một số bối cảnh.
Trong khi đó, giáo viên chịu quá nhiều áp lực do yêu cầu công việc và thành tích. Nhiều giáo viên có thể bị tổn thương sức khoẻ tâm thần nếu không được phát hiện và chăm sóc kịp thời trong bối cảnh cụ thể sẽ dễ phát sinh những hành vi vi phạm chuẩn mực nhà giáo.
Có phải vấn đề nằm ở kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên thời nay còn tồn tại nhiều vấn đề, thưa ông?
Chưa nói đến kỹ năng, tôi thấy nhận thức của nhiều giáo viên về quản lý hành vi lớp học và kỷ luật học sinh chưa phù hợp. Rất nhiều người vẫn tin rằng, đánh mắng trẻ là thể hiện sự quan tâm, là một chiến lược giáo dục. Thậm chí, nhiều giáo viên tin rằng, với những hình phạt nhẹ mà trẻ không nghe lời hay còn tái phạm thì phải dùng hình phạt nặng hơn, nhiều hơn mới có hiệu quả. Hình phạt hiệu quả thể hiện ở mức độ đau khổ, sợ hãi hay mức độ nhục nhã của trẻ. Từ suy nghĩ lệch lạc, niềm tin sai dễ dẫn đến những hành động sai lầm là vì thế!
Như vậy, hẳn giáo viên và nhà trường phải "làm mới mình" đầu tiên?
Đúng vậy, người giáo viên và lãnh đạo nhà trường cũng cần thay đổi những quan điểm cũ về quản lý lớp học. Nhiều giáo viên vẫn tin rằng, việc quản lý lớp học tốt đồng nghĩa với việc thiết lập một hệ thống kỷ luật với rất nhiều hình phạt nghiêm khắc để xử lý các hành vi sai. Không ít giáo viên cho rằng, một lớp học được quản lý tốt là một lớp học im phăng phắc nghe thầy cô giảng bài. Đặc biệt, có giáo viên lại nghĩ, người học luôn lắng nghe và lập tức làm theo lời giáo viên là chỉ báo của việc quản lý lớp học hiệu quả.
Trên thực tế, dạy học theo tiếp cận phát triển năng lực sẽ có nhiều tiếng ồn do phải hoạt động, trao đổi, làm việc nhóm, đặt câu hỏi hay tiến hành các thực nghiệm. Muốn dạy trẻ tư duy phản biện và sáng tạo thì phải lắng nghe ý kiến của trẻ, thậm chí tìm ra và khuyến khích những điểm hợp lý trong ý kiến của trẻ.
Tất cả những quan điểm này nếu không thay đổi thực sự sẽ rất khó có thể phòng ngừa bền vững những hành vi bạo lực của người lớn với trẻ. Nghĩa là, trước khi nói đến câu chuyện trao đổi, bồi dưỡng kỹ năng quản lý hành vi lớp học cho giáo viên phải thay đổi những suy nghĩ và quan điểm sai lầm trước. Tiếp đến, giáo viên cũng cần được huấn luyện cách thức đưa ra hình phạt trong trường học phải dựa trên 3 tiêu chí: có liên quan, tôn trọng và hợp lý.
Theo ông, ngành giáo dục cần phải làm gì để giảm thiểu những trường hợp tương tự?
Theo tôi, cần tiếp tục kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo dựng một môi trường an toàn và thân thiện trong trường học. Giảm thiểu áp lực cho người giáo viên và học sinh, đặc biệt là áp lực về thành tích.
Đồng thời, cần tăng cường kiến thức về tổn thương sức khoẻ tâm thần cho người giáo viên để nhận diện những hành vi sai có nguyên nhân từ việc bị tổn thương sức khoẻ tâm thần ở học sinh. Cùng với đó, giáo viên cũng tự nhận diện và chăm sóc sức khoẻ tinh thần của chính mình để không có những phút vô ý thức vi phạm chuẩn mực nhà giáo.
Vì đâu bạo lực học đường ngày càng tăng trong thời gian gần đây? (Nguồn: kinh tế đô thị) |
Ngành giáo dục đặt sự quan tâm đến việc “dạy người” thì chương trình đào tạo giáo viên phải chú trọng hình thành những phẩm chất cho “người dạy người”. Vì giáo viên dạy học sinh bằng nhân cách của mình, bằng tấm gương hành vi của chính bản thân nên khi tuyển sinh viên vào các trường sư phạm cũng nên có trắc nghiệm đánh giá về đặc điểm nhân cách xem có phù hợp với nghề giáo không?
Trong chương trình đào tạo phải có học phần về đạo đức phẩm chất nhà giáo. Quá trình thực tập và hội nhập nghề nghiệp của người giáo sinh trước khi hành nghề cần dài hơn. Đặc biệt, tiêu chí đánh giá hoàn thành học phần thực tập phải qua việc giáo sinh xử lý các tình huống sư phạm dựa trên các giá trị nhân bản.
Trong tương lai, chúng ta cũng cần suy nghĩ đến việc cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên. Chỉ những giáo viên được cấp chứng chỉ mới đủ điều kiện hành nghề và những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức như thế này sẽ bị tước chứng chỉ và không cấp lại trong tương lai. Đồng nghĩa với việc giáo viên đó sẽ ra khỏi ngành nếu có hành vi bạo hành học sinh.
Hiện nay, trẻ được cha mẹ cưng chiều nên truyền thống tôn sư trọng đạo đã không còn được đề cao như xưa. Không ít giáo viên cảm thấy những rào cản trong việc giáo dục trẻ. Vậy qua những câu chuyện bạo lực học đường vài năm gần đây, theo ông, trách nhiệm của gia đình ở đâu?
Cô giáo như mẹ hiền và cha mẹ cũng là những người thầy đầu tiên của con. Cha mẹ cũng là người dùng nhân cách và tấm gương của chính mình để giáo dục con cái. Bởi vậy, các bậc phụ huynh nên có sự tôn trọng với những người thầy, người cô khác trong cuộc đời con mình như với đồng nghiệp.
Cha mẹ cũng cần phải cập nhật được những quan điểm tiến bộ về giáo dục, hiểu được tại sao trẻ lại ứng xử sai, nhận ra được những nguy cơ tổn thương sức khoẻ tâm thần ở con, có kỹ năng thực hành kỷ luật tích cực với con ở nhà. Đồng thời, cha mẹ và giáo viên cần tăng cường đối thoại và chia sẻ với nhau về những mục tiêu giáo dục kiến tạo một môi trường tích cực cho trẻ. Cần phải hiểu rằng, chỉ có một môi trường giáo dục với những quan điểm thống nhất giữa gia đình và nhà trường mới làm cho trẻ phát triển một cách tối ưu.
Xin cảm ơn ông!
Người thầy có nhiều “của cải” Ở độ tuổi 77, NGƯT. Phan Kế Trần vẫn đang là Ủy viên Hội đồng đào tạo trường Trung học Phổ thông Đông Đô. Người ... |
Ngân sách cho giáo dục còn nhiều bất cập? Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi ... |
Gian lận điểm số rung động đến đạo đức Chia sẻ với báo TG&VN, PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu, Đánh giá giáo dục - Viện Khoa học giáo dục ... |