📞

4 kịch bản của xung đột Nga-Ukraine nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử

Quang Huy 17:13 | 26/08/2024
Xung đột Nga-Ukraine sẽ ra sao và hỗ trợ của Washington với Kiev ở mức độ nào nếu ông Donald Trump tái đắc cử là những câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh bầu cử Mỹ đang cận kề.
Khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử sẽ tác động nhiều tới tương lai xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Getty)

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 đang tới gần, câu hỏi về chính sách của nước này đối với Ukraine nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trở lại Nhà Trắng ngày càng được quan tâm.

Ông Trump từng nhiều lần phát biểu rằng, nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, ông sẽ nhanh chóng tìm cách chấm dứt xung đột ở Ukraine. Đây cũng được xem là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của vị tỷ phú này.

Sau cuộc gặp với ông Trump hôm 11/7, Thủ tướng Hungary Victor Orban lưu ý rằng, cựu Tổng thống Mỹ đã có các kế hoạch chi tiết và chắc chắn cho việc lập tức đóng vai trò trung gian hòa bình ở Ukraine và sẽ không đợi cho đến sau lễ nhậm chức mới làm điều này nếu ông tái đắc cử.

Ngày 23/4, Thượng nghị sĩ Mỹ Vance cho rằng, việc Washington từ chối hỗ trợ Kiev sẽ làm tăng khả năng đạt được giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột theo hướng đáp ứng lợi ích của Mỹ. Ông cho biết các nguồn lực và kinh phí dành cho quốc gia Đông Âu có thể được sử dụng tốt hơn vào việc hỗ trợ các sáng kiến trong nước hoặc cạnh tranh với Trung Quốc.

Cách tiếp cận của ông Trump đối với cuộc xung đột ở Ukraine dường như sẽ tương phản với cách tiếp cận của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden là duy trì và tăng cường hỗ trợ nhằm giúp nước này tự vệ tốt hơn trước Nga. Mục tiêu cuối cùng trong chiến lược của ông Biden là tăng cường ảnh hưởng đòn bẩy của Kiev đối với Moscow trong các cuộc đàm phán hòa bình và ngừng bắn, đồng thời làm giảm căng thẳng mới giữa Nga và Ukraine, điều sẽ cho phép Mỹ phân bổ thêm nguồn lực để cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc trong dài hạn.

Nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, ngoài việc các bên tham gia chủ chốt khác như Nga, Ukraine, các nước châu Âu và Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro, diễn biến của xung đột ở Ukraine sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu chính quyền mới ở Mỹ có cho rằng việc hành động để hỗ trợ Kiev, nhìn từ góc độ an ninh, chính trị và kinh tế, chứa đựng nhiều rủi ro so với việc không hành động hay không.

Có 4 kịch bản chính về tác động có thể có của chính quyền ông Trump 2.0 đối với xung đột ở Ukraine như sau:

Đàm phán ngừng bắn sụp đổ, Mỹ giảm hỗ trợ nhưng Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu (dễ xảy ra)

Theo kịch bản này, chính quyền ông Trump 2.0 sẽ giảm hỗ trợ tài chính và quân sự, buộc Ukraine phải đàm phán với Nga. Đồng thời, ông Trump có thể tham gia đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột.

Nhiều khả năng, Washington sẽ hành động trước để giúp Kiev giành ưu thế trong đàm phán, có thể bằng cách giảm thiểu các hạn chế đối với việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và việc sử dụng chúng để tấn công lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cuối cùng sẽ đổ vỡ vì một hoặc cả hai bên tin rằng họ sẽ có ưu thế hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Ukraine tiếp tục thúc đẩy việc giành lại thêm nhiều lãnh thổ.

Trong khi đó, Nga vẫn nhất quyết tiếp tục duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và tìm cách hạn chế sự hỗ trợ của phương Tây đối với Kiev, bao gồm cả việc đóng băng cơ hội gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với giả định rằng quốc gia Đông Âu không nhận được thêm sự hỗ trợ nào từ Mỹ hay những đảm bảo an ninh mạnh mẽ hơn từ liên minh quân sự.

Nếu không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp về các yêu cầu chính, thì các cuộc đàm phán ngừng bắn sẽ sụp đổ mà không đi đến một thỏa thuận nào. Do đó, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sẽ từ chối các gói hỗ trợ bổ sung tiếp theo cho Ukraine, hoặc làm chậm và thu hẹp quy mô của gói hỗ trợ mới, ngừng hỗ trợ về tài chính cũng như các hệ thống vũ khí và đạn dược quan trọng.

Đàm phán ngừng bắn sụp đổ, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ để củng cố vị thế đàm phán và an ninh của Ukraine (có thể xảy ra)

Theo kịch bản này, các cuộc đàm phán ngừng bắn cũng sụp đổ, nhưng Mỹ quyết định duy trì hoặc thậm chí tăng cường hỗ trợ quân sự quan trọng cho Ukraine vì sợ rằng việc dừng viện trợ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng năng lực của Kiev, từ đó dẫn đến xung đột tiếp tục kéo dài và đặt ra mối đe dọa lớn hơn cho các nước NATO.

Quyết định này cũng được thúc đẩy phần nào bởi lo ngại của Mỹ rằng việc cắt viện trợ cho Ukraine có thể tạo ra nghi ngờ về quyết tâm của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc bảo vệ đồng minh trên toàn cầu, tác động đến cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Việc Washington tiếp tục hỗ trợ bảo đảm cho Kiev rằng chấm dứt xung đột cuối cùng sẽ đi kèm với các trợ giúp an ninh mạnh mẽ hơn từ phương Tây và thu hẹp khoảng cách trong nhiều năm cho đến khi Ukraine gia nhập NATO.

Đàm phán ngừng bắn thành công nhưng nguy cơ xung đột tái diễn vẫn chực chờ (có thể xảy ra)

Theo kịch bản này, việc Mỹ đe dọa cắt giảm hỗ trợ sẽ buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán. Nga ra tín hiệu nhượng bộ để đổi lấy những hạn chế về hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine, bao gồm cả việc đóng băng không chính thức nhưng vô thời hạn nguyện vọng trở thành thành viên NATO của Kiev.

Đàm phán ngừng bắn thành công, tuy nhiên, khi Mỹ và phương Tây ngừng cung cấp các loại khí tài cho Ukraine, đấu đá chính trị nội bộ sẽ trở nên ngày càng rõ nét bên trong và giữa các quốc gia thành viên NATO.

Mặt khác, lệnh ngừng bắn cho phép Nga củng cố các khu vực nước này kiểm soát ở Ukraine và chuẩn bị tái xung đột tùy theo diễn biến mới.

Ukraine cứng rắn hơn trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, nguy cơ leo thang nghiêm trọng và xung đột Nga-NATO (khó xảy ra)

Theo kịch bản này, Ukraine tính toán sai lầm và cho rằng cả nguy cơ Mỹ giảm hỗ trợ lẫn nguy cơ thất bại tại bàn đàm phán đều tồn tại. Do đó, Kiev ngày càng trở nên cứng rắn hơn trong xung đột, một phần nhằm thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ phương Tây, ngay cả khi điều này có nguy cơ dẫn đến sự leo thang các hành động “ăn miếng trả miếng” từ Moscow.

Kịch bản tồi tệ này có thể dẫn đến leo thang xung đột Nga-Ukraine và lớn hơn là nguy cơ xung đột Nga-NATO, do sự leo thang có chủ ý hoặc sự lan rộng ngẫu nhiên của cuộc xung đột.

Một nguy cơ khác là khả năng Kiev vi phạm các hạn chế của phương Tây đối với việc sử dụng vũ khí của họ ở Nga và tiến hành các cuộc tấn công vào cơ sở năng lượng và các cơ sở hạ tầng khác, dẫn đến các phản ứng mạnh từ Moscow.

Tuy nhiên, kịch bản này khó thành hiện thực bởi Ukraine khó có thể đưa ra tính toán sai lầm vì các cường quốc phương Tây, đặc biệt dưới thời chính quyền ông Trump, luôn không muốn xung đột trực tiếp với Nga. Do đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ dứt khoát giảm hỗ trợ cho Ukraine nếu xung đột Nga-NATO sắp xảy ra.

(theo Stratfor Worldview)