Hai ứng viên Tổng thống có quan điểm, lập trường chính sách khác biệt trong đối phó với xung đột Đông Âu. (Nguồn: BBC) |
Thế khó đôi bên
Theo các phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, kết quả bầu cử Tổng thống năm 2024 có tác động không nhỏ tới xung đột Nga-Ukraine, làm xoay chiều định hướng chính sách đối nội lẫn đối ngoại của cả Moscow và Kiev. Đến thời điểm hiện tại, các nỗ lực của Điện Kremlin giúp Nga kiên cường chống lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây và bảo vệ nền kinh tế.
Trước tình trạng nhiều quốc gia rút vốn đầu tư, Nga từ bỏ chính sách thắt chặt chi tiêu, tận dụng nguồn dự trữ tài chính để giữ mức thâm hụt ngân sách ở mức 2% GDP.
Moscow chuyển hướng xuất khẩu dầu thô từ Liên minh châu Âu (EU) sang các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng loạt biện pháp kịp thời giúp Điện Kremlin duy trì mức chi tiêu quốc phòng cao và biến lĩnh vực này thành động lực chính của nền kinh tế.
Thông qua nhập khẩu công nghệ và vũ khí từ Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, Nga có thể bảo đảm năng lực của quân đội tại mặt trận Đông Âu. Tuy nhiên, chi tiêu công tăng mạnh khiến kinh tế Nga rơi vào tình trạng quá tải, thổi phồng chi phí sinh hoạt, thiếu hụt lao động và dự trữ tài chính giảm dần.
Dù vậy, tình hình Ukraine không khả quan hơn. Kiev khiến Moscow bất ngờ với cuộc tấn công tại Kursk và gây áp lực lên Điện Kremlin. Song, đợt phản công gần đây đang giúp Nga giành lại một số khu vực mà Ukraine tái kiểm soát. Hiện binh sĩ Nga trên mặt trận vẫn duy trì cường độ tiến quân, đặc biệt là đe dọa các pháo đài chiến lược của Kiev tại khu vực Donetsk.
Tiếp nối chính sách
Trước tình hình trên, theo CSIS, bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 có thể làm thay đổi chiến lược của cả Ukraine và Nga. Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris, cùng “phó tướng” Tim Walz, được Ukraine đặt kỳ vọng sẽ tiếp nối chính sách viện trợ Kiev như chính quyền Tổng thống Joe Biden đã làm.
Trong cuộc tranh luận ngày 10/9, bà Harris đề cao sự hỗ trợ của Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dành cho Ukraine, khẳng định duy trì chủ trương này nếu đắc cử Tổng thống. Ông Walz cũng là người tích cực ủng hộ Ukraine, từng ký một đạo luật hạn chế hợp tác với các công ty Nga và Belarus khi còn là thống đốc bang Minnesota. Bang của ông còn có các nhà sản xuất vũ khí đang cung cấp trang thiết bị cho Kiev.
Dù có lý do để đặt kỳ vọng vào cặp đôi Harris-Walz, nhưng chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn mong muốn bà Harris có thể thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm. Trước kia, ông Biden rất thận trọng trong cung cấp vũ khí tấn công cho Kiev, nhằm hạn chế nguy cơ leo thang xung đột hạt nhân. Do đó, Ukraine mong đợi chính quyền tương lai của bà Harris quyết liệt hơn trong viện trợ vũ khí, qua đó củng cố vị thế trên chiến trường và trên bàn đàm phán của Kiev.
Về phần Nga, Điện Kremlin nhấn mạnh "không quá ngạc nhiên" khi ông Biden rút lui khỏi cuộc đua bầu cử, đồng thời bày tỏ hoan nghênh cặp đôi Harris-Walz. Song, Nga cho rằng “đóng góp của bà Harris cho quan hệ song phương chưa thực sự đáng kể".
Mặt khác, các chuyên gia nhận định Điện Kremlin rất lo ngại về chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ, coi bà là đại diện cho "những kẻ khủng bố và độc tài", vì triển vọng Nga chiến thắng trước Ukraine dưới thời chính quyền bà Harris là khá thấp. Do đó, nếu Phó tổng thống Mỹ tiếp tục đẩy mạnh viện trợ vũ khí cho Ukraine, rất có thể Nga sẽ phát động một chiến dịch quân sự mới trong những tháng đầu nhiệm kỳ của bà.
Xung đột Nga-Ukraine bước sang năm thứ 3, với cục diện bế tắc trên cả thực địa lẫn ngoại giao. (Nguồn: Newsweek) |
Lập trường nước đôi
Trong trường hợp ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử, CSIS nhận định, tình hình Ukraine càng trở nên bất định. Ông Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột trong vòng một ngày ngay khi nhậm chức bằng cách buộc Kiev và Moscow tiến hành đàm phán.
Tương tự, trong cuộc tranh luận với bà Harris, ông đã tái khẳng định mục tiêu dập tắt bất ổn tại Đông Âu. Hơn nữa, “phó tướng” JD Vance của ông Trump còn nhiều lần chỉ trích Ukraine, khẳng định không “thực sự quan tâm” đến những gì xảy ra với Kiev, vì cuộc xung đột đang làm cạn kiệt nguồn lực của Mỹ trong đối phó với mối đe dọa an ninh thực sự là Trung Quốc.
Mặt khác, một số chuyên gia lại cho rằng chính sách của ông Trump với Ukraine là khó đoán định. Đầu năm nay, cựu Tổng thống Mỹ thảo luận với Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson về gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Kiev. Tháng 7 vừa qua, ông Trump có cuộc gọi với Tổng thống Zelensky và cam kết sẽ giúp quốc gia Đông Âu đạt được hòa bình nếu tái đắc cử.
Bên cạnh đó, trong bài viết ngày 25/7 với tiêu đề "Kế hoạch hòa bình của Trump cho Ukraine", cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dưới thời chính quyền Trump đã thể hiện lập trường ủng hộ mạnh mẽ với Kiev, đề xuất các chính sách như hạ giá dầu, tăng cường trừng phạt Moscow, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, lập chương trình cho vay-cho thuê trị giá 500 tỷ USD cho Ukraine và đưa nước này vào NATO. Như vậy, quan điểm của ông Trump trong xung đột Đông Âu là rất khó lường, lúc thì muốn chấm dứt xung đột, lúc thì bày tỏ cam kết hỗ trợ Ukraine.
Nếu giành chiến thắng bầu cử, ông Trump có một số lựa chọn chính sách sau: (1) thúc đẩy thỏa thuận hòa bình, trong đó bán đảo Crimea và các vùng lãnh thổ bị sáp nhập khác ở phía Đông Ukraine thuộc về Nga và khiến Kiev không còn cơ hội gia nhập NATO hoặc EU; (2) duy trì nguyên trạng xung đột, gây cạn kiệt tài nguyên của Nga, thách thức sự quyết tâm của Ukraine và phương Tây; (3) leo thang xung đột nếu Moscow thiếu thiện chí đàm phán, bằng cách cung cấp cho Kiev các loại vũ khí mà chính quyền Biden từng miễn cưỡng không chuyển giao.
| Bầu cử Đức: Đảng cực hữu AfD khả năng có chiến thắng lịch sử ở bang miền Đông Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đang trên đường trở thành đảng cực ... |
| Nga nói có thể 'xuống tay' đến tận biên giới Ba Lan nếu Ukraine có vũ khí tầm xa, Kiev 'đặt cược' vào 4 nước Ngày 4/9, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, nếu vũ khí tầm xa được chuyển cho Ukraine, Moscow sẽ ... |
| Mỹ, Nhật, Nga chia sẻ 'bí kíp' chuyển đổi công nghiệp với TP. HCM Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và thành phố Saint Petersburg (Nga) chia sẻ với Báo Thế giới và Việt ... |
| Điểm tin thế giới sáng 16/10: Ấn Độ mua UAV Predator từ Mỹ, Nga khẳng định không hề bị cô lập, Australia trừng phạt 5 cá nhân Iran Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 16/10. |
| Định hình cục diện quan hệ Mỹ-Nhật trước thềm bầu cử Tokyo chuẩn bị sẵn phương án duy trì ổn định quỹ đạo quan hệ Mỹ-Nhật trong bối cảnh kết quả bầu cử Tổng thống xứ ... |