Theo chuyên gia, không phải cứ học liên tục là tốt mà cứ mỗi 45 phút nên nghỉ giải lao khoảng 10 phút. (Nguồn: Báo Thanh niên) |
1. Giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, không thức thâu đêm trước ngày thi tốt nghiệp
Áp lực kỳ thi cộng với tâm lý lo lắng khiến nhiều em học sinh cố thức khuya để học. tuy nhiên, cách này sẽ khiến cần kinh căng thẳng, hiệu quả tiếp thu cũng không cao. Chúng ta không nên thức thâu đêm để học ngay trước ngày thi.
Não bộ khi quá căng thẳng sẽ không thể tiếp nhận được kiến thức. Khi chúng ta thấy mệt và buồn ngủ, đó là tín hiệu báo bộ não cần nghỉ ngơi ngay lập tức. Tốt nhất nên rời bàn học, chợp mắt khoảng 30 phút rồi học tiếp hoặc đi ngủ luôn nếu đã khuya.
Kiến thức là một quá trình tích lũy lâu dài. Nhồi nhét kiến thức trong một khoảng thời gian ngắn sẽ không có hiệu quả mà ngược lại sẽ khiến thần kinh tăng căng thẳng. Vì vậy, trong những ngày nước rút ôn thi, các em vẫn cần ngủ đủ giấc, giữ cho trí óc sáng suốt, bình tĩnh để tập trung làm bài trong buổi thi.
Đảm bảo ngủ đủ 6-8 tiếng một ngày, buổi tối nên học bài từ 7 giờ, ngủ trước lúc 23 giờ, sáng dậy sớm lúc 5 giờ học bài (lúc này học rất hiệu quả).
2. Không học triền miên mà cần kết hợp nghỉ ngơi, hoạt động nhẹ giữa giờ
Không phải cứ học liên tục là tốt mà cứ mỗi 45 phút nên nghỉ giải lao khoảng 10 phút. Thời gian nghỉ ngắn này có thể vận động bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi lại, đồng thời hít thở sâu để tăng lưu lượng máu lên não, giúp não thư giãn, nghỉ ngơi.
Hoạt động thể lực tuy không phải là "thức ăn bổ não" nhưng lại hết sức cần thiết vì giúp máu lưu thông tốt, mang oxy và dưỡng chất tới cho não nhiều hơn nên các em sẽ "sáng trí" hơn khi học tập.
3. Không kiêng khem thức ăn theo quan niệm riêng, đảm bảo an toàn thực phẩm
Nên nhớ rằng, những quan niệm như: không ăn chuối vì sẽ trượt vỏ chuối, không ăn trứng, không tắm… là những quan niệm không có cơ sở khoa học.
Các em nên ăn uống bình thường như chế độ ăn hằng ngày, cần ăn đủ lượng bình thường như chế độ ăn hằng ngày đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm: rau, đạm, tinh bột, hoa quả. Ăn các loại thức ăn được chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm.
Sau ăn 30 - 60 phút mới nên học bài. Không nên ăn đến khi thấy cảm giác quá no ở các bữa ăn chính, chỉ ăn no khoảng 80%. Nếu bữa nào các em cũng ăn quá no, máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa nên sẽ giảm lượng máu lên não dễ dẫn tới buồn ngủ, do đó khả năng tiếp thu bài vở sẽ giảm.
Nhiều em học sinh nghĩ rằng, uống trà, cà phê, nước tăng lực hoặc nhai kẹo cao su để tỉnh táo hơn cho việc học khuya. Chúng ta vẫn tưởng lầm rằng mùi hương và động tác nhai kẹo cao su sẽ giúp ta tỉnh táo nhưng thực tế ngược lại. Những thứ này khiến chúng ta bị phân tán và tạm quên đi cảm giác căng thẳng, mệt mỏi trong chốc lát. Bộ não vốn đã mệt mỏi lại bị bắt hoạt động khiến cơ thể càng mệt mỏi, thiếu minh mẫn, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chất caffeine có trong các thức uống như cà phê, trà, nước tăng lực… giúp mọi người tỉnh táo bằng cách "chống lại" đòi hỏi khi ngủ của cơ thể. Chất này còn làm tim đập nhanh, đi tiểu nhiều gây mất nước, mất ngủ, nhức đầu gây hại cho não và ngăn cản quá trình hấp thụ can xi vào cơ thể.
Các em học sinh không được quên uống nước: Nước rất tốt cho bộ não bởi 80% bộ não là nước. Chú ý không để khát mới uống nước. Mỗi ngày cần nạp 2 lít nước vào cơ thể. Ngoài nước lọc, nước còn có trong cả rau xanh, hoa quả, canh chúng ta ăn hằng ngày.
4. Không có bất cứ một loại thuốc nào ngay lập tức làm tăng trí thông minh
Về việc bồi bổ trí não bằng dược phẩm, không có một loại thuốc nào để ngay lập tức làm tăng trí thông minh của các sĩ tử mùa thi chỉ trong vài tuần sử dụng. Phát triển trí não đòi hỏi một nền tảng dinh dưỡng lâu dài. Đây là một quá trình phát triển liên tục từ trong bào thai cho tới khi trẻ được 2 tuổi và trong suốt giai đoạn học đường.